Nghiên cứu sự tích lũy kim loại nặng trong thực vật xung quanh khu mỏ đa kim Núi Pháo, tỉnh Thái Nguyên
Cập nhật vào: Thứ sáu - 06/09/2024 11:10 Cỡ chữ
Sự phát tán các kim loại nặng tại khu vực các mỏ khoáng sản có thể dẫn đến sự tích lũy các kim loại này trong thực vật xung quanh, bao gồm các loài thực vật mọc tự nhiên và cây trồng (lương thực, thực phẩm). Một số loài thực vật có khả năng siêu tích lũy kim loại có thể được sử dụng trong xử lý ô nhiễm môi trường tại chính khu vực chúng có khả năng thích nghi và chống chịu. Ngoài ra, sự tích lũy kim loại trong các cây lương thực, thực phẩm trồng xung quanh khu mỏ có thể gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe con người thông qua chuỗi thức ăn. Mỏ đa kim Núi Pháo, tỉnh Thái Nguyên là một trong những mỏ vonfram (W) lớn nhất thế giới. Ngoài W, mỏ còn có trữ lượng tương đối lớn đồng (Cu), fluorite (F), bismuth (Bi) và vàng (Au).
Với đặc trưng của mỏ sulfua đa kim, quá trình phong hóa các khoáng vật có thể làm phát tán các kim loại (arsen (As), cadimi (Cd), đồng (Cu)…) ra môi trường và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân địa phương. Do đó, đề tài “Nghiên cứu sự tích lũy kim loại nặng trong thực vật xung quanh khu mỏ đa kim Núi Pháo, tỉnh Thái Nguyên” được thực hiện nhằm nghiên cứu, đánh giá khả năng tích lũy một số kim loại trong thực vật xung quanh khu mỏ đa kim Núi Pháo phục vụ (1) Luận giải cơ chế di chuyển và tích lũy kim loại nặng trong thực vật; (2) Tìm kiếm cây siêu tích lũy nhằm xử lý ô nhiễm môi trường và (3) Đánh giá rủi ro sức khoẻ nhằm đưa ra khuyến cáo về lựa chọn và sử dụng cây trồng hợp lý.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Hoàng Hà cùng nhóm nghiên cứu tại Qũy phát triển khoa học và công nghệ quốc gia thực hiện đề tài “Nghiên cứu sự tích lũy kim loại nặng trong thực vật xung quanh khu mỏ đa kim Núi Pháo, tỉnh Thái Nguyên” với mục tiêu nghiên cứu, đánh giá được khả năng tích lũy kim loại nặng trong một số cây khu vực xung quanh mỏ đa kim Núi Pháo, tỉnh Thái Nguyên nhằm (1) Luận giải cơ chế di chuyển và tích lũy kim loại nặng trong các loài thực vật; (2) Tìm kiếm cây siêu tích lũy phục vụ xử lý ô nhiễm môi trường và (3) Đánh giá rủi ro sức khoẻ nhằm đưa ra khuyến cáo về lựa chọn và sử dụng cây trồng hợp lý.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Đánh giá về kết quả nghiên cứu:
- Xác định được dạng tồn tại của các kim loại trong đất xung quanh khu mỏ Núi Pháo;
- Xác định sự tích lũy kim loại nặng trong cây mọc tự nhiên và cây lương thực, thực phẩm xung quanh khu mỏ Núi Pháo;
- Xác định được 2 loài thực vật siêu tích lũy có thể sử dụng để xử lý môi trường đất bị ô nhiễm bởi kim loại nặng (Pityrogramma calomelanos và Pteris vittata L.);
- Xác định được loài thực vật (Bidens pilosa L.) có khả năng sử dụng để cố định kịm loại và thích nghi tốt với môi trường bị ô nhiễm bởi kim loại nặng;
- Đánh giá được nguy cơ rủi ro sức khỏe (ung thư và các bệnh khác) liên quan đến tiêu thụ lương thực, thực phẩm xung quanh khu mỏ ở mức cao.
Giá trị khoa học
- Bước đầu làm sáng tỏ hành vi địa hóa sinh thái của một số kim loại xung quanh khu mỏ đa kim;
- Cung cấp dữ liệu về sự tích lũy kim loại nặng trong một số cây mọc tự nhiên và cây lương thực, thực phẩm xung quanh khu mỏ đa kim;
- Làm sáng tỏ thực vât siêu tích lũy (Pityrogramma calomelanos và Pteris vittata L.) thích nghi tốt với môi trường bị ô nhiễm As và có khả năng xử lý đất bị ô nhiễm bởi As.
Giá trị thực tiễn
- Việc nghiên cứu, xác định các loài thực vật tích lũy, siêu tích lũy, cố định kim loại đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn thực vật phù hợp để xử lý ô nhiễm môi trường và phục hồi môi trường tại chính khu mỏ Núi Pháo cũng như các mỏ khác có điều kiện địa môi trường – địa sinh thái tương tự;
- Sự tích lũy các kim loại nặng trong một số cây lương thực, thực phẩm cũng như đánh giá nguy cơ rủi ro tới sức khoẻ khi sử dụng nguồn lương thực, thực phẩm này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đưa ra những khuyến cáo về lựa chọn cây trồng hợp lý nhằm bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng địa phương sống xung quanh khu mỏ.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20195/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)