Nghiên cứu thành phần hóa học và một số hoạt tính sinh học chi bọ chó (Buddleja) họ Bọ chó (Buddlejaceae) ở Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ hai - 27/09/2021 01:13 Cỡ chữ
Mục tiêu của đề tài là đánh giá được tiềm năng hoạt chất sinh học của chi Buddleja tại Việt Nam, phát hiện ra được thành phần hoạt chất chính có tiềm năng của chi này, góp phần xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về các loài thuộc chi Buddleja tạo cơ sở khoa học cho những nghiên cứu ứng dụng tiếp theo, nhóm nghiên cứu Học viện Quân y - Bộ Quốc phòng do TS. Trương Thị Thu Hiền đứng đầu đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thành phần hóa học và một số hoạt tính sinh học chi bọ chó (Buddleja) họ Bọ chó (Buddlejaceae) ở Việt Nam”.
Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học loài B. Macrostachya và B. asiatica thu thập mẫu tại Việt Nam.
1. Nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng sinh học loài B. macrostachya
1.1. Đã nghiên cứu về thành phần hóa học
Đã nghiên cứu và phân lập từ loài B. macrostachya được 16 hợp chất, trong đó có 1 hợp chất glycoside iridoid mới lần đầu tiên phân lập từ tự nhiên được đặt tên là Buddlemacroside A (BM1)
1.2. Hoạt tính và tác dụng sinh học của cao chiết metanol tổng và các phân đoạn cao chiết của loài B. macrostachya
Kết quả này là cơ sở cho việc định hướng nghiên cứu phân lập các thành phần hóa học có hoạt tính sinh học h u ích trong loài B. macrostachya, phục vụ các nghiên cứu ứng dụng tiếp theo.
1.3. Hoạt tính sinh học của các hợp chất phân lập được từ loài B. macrostachya
- Các hợp chất BM3 và BM7-BM9 thể hiện hoạt tính chống oxy hóa theo phương pháp bẫy gốc tự do DPPH với với SC50 trong khoảng 6,9-19,6mM, hứa hẹn là các chất chống oxy hóa tiềm năng.
- Hợp chất BM8 thể hiện hoạt tính chống oxy hóa theo phương pháp MDA mạnh với IC50 2,3 μM.
- Hợp chất MB11 và BM16 thể hiện hoạt tính kháng viêm in vitro bằng cách ức chế quá trình sản sinh nitrit trên dòng tế bào LPS-stimulated BV2.
- Hợp chất BM16 có tiềm năng là một tác nhân chống ung thư hứa hẹn với khả năng gây độc mạnh 3 dòng tế bào ung thư thử nghiệm là SK-LU-1, MCF7 và HepG2.
2. Nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng sinh học loài B. asiatica
2.1. Thành phần hóa học
Đã nghiên cứu và phân lập từ loài B. macrostachya được 14 hợp chất, trong đó có 1 hợp chất glycoside iridoid mới lần đầu tiên phân lập từ tự nhiên được đặt tên là Buddlejasaponin A (BA1).
2.2. Hoạt tính và tác dụng sinh học của cao chiết metanol tổng và các phân đoạn cao chiết của loài B. asiatica
- Kết quả thử nghiệm hoạt tính chống oxi hóa thông qua phép thử trung hòa gốc tự do của DPPH của các dịch chiết cho thấy trong 4 phân đoạn chiết n-hexan, etylaxetat, diclometan và dịch chiết nước, phân đoạn diclometan và phần dịch chiết nước của loài B. asiatica thể hiện hoạt tính chống oxy hóa (33,22; 35,19 µM) và giá tác dụng bảo vệ gan ex vivo trên tế bào gan chuột (33,76; 31,44) tốt nhất.
- Cao chiết metanol tổng và các phân đoạn không thể hiện hoạt tính kháng vi sinh vật kiểm định.
2.3. Hoạt tính sinh học của các hợp chất phân lập được từ loài B. asiatica
- Hợp chất BA1, BA2 và BA8-BA10 ức chế quá trình sản sinh nitrit với IC50 lần lượt là 43,5; 45,5; 79,6; 61,4; 59,2μM. Các chất còn lại không thể hiện hoạt tính.
- Hợp chất BA7 thể hiện hoạt tính bảo vệ sự chết tế bào HT22 gây ra bởi glutamate tốt nhất với giá trị EC50 là 14,8 μM. Hợp chất BA6 và BA11 thể hiện hoạt tính ở mức trung bình với EC50 tương ứng là 38,9 và 27,1 μM. Các hợp chất còn lại không thể hiện tác dụng.
- Các hợp chất BA3- BA5 thể hiện hoạt tính chống oxy hóa theo phương pháp DPPH tốt nhất với SC50 lần lượt là 21,4, 19,3 13,2 mM. Các chất BA11 (35,2mM); BA12 (56,1mM) BA13 (74,6mM) BA14 (34,4mM) thể hiện hoạt tính chống oxy hóa theo phương pháp DPPH ở mức trung bình.
- Hợp chất BA13 (44,3mM) và BA14 (42,2mM) thể hiện hoạt tính chống oxy hóa theo phương pháp MDA ở mức yếu so với chất đối chứng dương là trolox (IC50 là 0,05mM). Các hợp chất khác không thể hiện hoạt tính.
- Hợp chất BA2-BA5 và BA8, BA9 thể hiện hoạt tính gây độc tế bào yếu trên cả ba dòng tế bào ung thư SKLU1; MCF7 và HepG2 thử nghiệm
3. Kết quả nghiên cứu tác dụng bảo vệ gan của cao chiết nước toàn phần của loài B. Macrostachya (BM) và B. asiatica (BA) trên mô hình chuột gây độc thực nghiệm bằng Paracetamol
- Các chế phẩm cao chiết nước mẫu BM và BA không gây chết động vật thí nghiệm theo đường uống ở các liều nghiên cứu từ 20g đến mức liều cao nhất tương đương với 240 g bột dược liệu khô/ kgP (20; 80; 120; 160; 240g bột dược liệu khô/ kgP) nên được xem là không thể hiện tính độc cấp.
- Các chế phẩm BM và BA ở liều 10 g bột dược liệu khô/kgP/ngày có tác dụng bảo vệ gan thông qua việc giảm hoạt độ AST, ALT và cholesterol toàn phần trong huyết thanh trên mô hình gây độc gan chuột thực nghiệm bằng paracetamol do đó có thể tiếp tục triển khai nghiên cứu ứng dụng
Từ kết quả nghiên cứu của đề tài đã thu được, nhóm nghiên cứu đề xuất cần nghiên cứu sâu hơn về dược lý của 2 mẫu B. Macrostachya và B. asiatica để có thể ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống và nghiên cứu dược lý và bào chế thảo dược B. Macrostachya trong ứng dụng hỗ trợ điều trị bệnh gan.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16590/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)