Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị tách mù trong khí thải của các nhà máy sản xuất HCl
Cập nhật vào: Thứ ba - 07/07/2020 04:22 Cỡ chữ
Thiết bị tách giọt, tách mù là bộ phận không thể tách rời khỏi công nghệ sản xuất của các nhà máy hóa chất. Ở nước ta hiện chưa có cơ sở nghiên cứu nào triển khai nghiên cứu cũng như chế tạo thử nghiệm để ứng dụng vào sản xuất thiết bị tách giọt loại mới có khả năng ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp hóa chất. Vì vậy, việc nghiên cứu và đưa ra hồ sơ thiết kế thiết bị tách giọt điển hình có khả năng áp dụng vào thực tế sản xuất của các nhà máy sản xuất hóa chất và phân bón, sẽ góp phần kiểm soát ô nhiễm từ các dòng khí thải có chứa các hạt mù như H2SO4, HCl, hơi nước… Vì thế, năm 2017, nhóm nghiên cứu tại Công ty Cổ phần Thiết kế Công nghiệp Hóa chất do ThS. Ngô Quốc Khánh làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị tách mù trong khí thải của các nhà máy sản xuất HCl”.
Một số kết quả của đề tài:
- Đã nghiên cứu cơ chế của quá trình tách mù, nghiên cứu ảnh hưởng của kích thước hạt mù tạo thành do các quá trình cơ học và hóa học.
- Đã nghiên cứu ảnh hưởng của tổn thất áp suất đến quá trình tách mù
- Đã xây dựng được hồ sơ thiết kế chế tạo thiết bị tách mù và chế tạo thành công thiết bị hấp thụ cũng như xây dựng dây chuyền công nghệ và lắp đặt tại hiện trường để tổ chức tiến hành thí nghiệm, đánh giá hiệu quả của thiết bị.
- Đã tiến hành chạy thử thử nghiệm tại hiện trường, hiệu chỉnh các thông số công nghệ kỹ thuật phù hợp với hiệu suất tách mù tối ưu nhất.
- Đã xây dựng quy trình vận hành và đánh giá khả năng áp dụng vào thực tế.
Cụ thể, từ mô hình thí nghiệm pilot đã nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tách mù. Tiến hành tối ưu hóa và đã xác định được giá trị cao nhất của hiệu suất xử lý là 94,35% tại tổn thất áp suất là 110mm H2O
Kết quả nghiên cứu giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động, từng bước nội địa hóa thiết bị vào thị trường Việt Nam, cũng như gián tiếp góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi cấu tử quý và giảm giá thành sản phẩm.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15428) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)