Nghiên cứu thiết kế hệ thống thoát nước bề mặt và kỹ thuật tưới nước tiết kiệm góp phần khống chế bệnh chết nhanh, chết chậm cây hồ tiêu vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ
Cập nhật vào: Thứ tư - 21/12/2022 03:45
Cỡ chữ
Hồ tiêu là cây chủ lực có giá trị kinh tế cao góp phần xóa đói giảm nghèo cho các tỉnh Tây nguyên, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ theo quyết định số 1442/QĐ-BNN-TT ngày 27/6/2014 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về quy hoạch phát triển nhành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 diện tích quy hoạch hồ tiêu các vùng trọng điểm như sau: Bình Phước: 10.000 ha, Đồng Nai: 7.000 ha, Đắk Nông: 7.000 ha, Gia Lai: 5.500 ha, Đắk Lắk: 5.000 ha.
Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu nước ta tăng rất nhanh. Năm 2010 cả nước chỉ trồng 51,5 ngàn ha, năm 2014 là 85,591 ngàn ha. Đến hết 2017 là 152.668ha, tăng 196,3% so với năm 2010, tăng 22,5% so với năm 2016 và vượt quy hoạch trên 100 ngàn ha.
Do giá cả hồ tiêu đang hấp dẫn so với nhiều cây trồng khác nên diện tích hồ tiêu phát triển hết sức "nóng", hơn 152.000 ha, năng suất bình quân đạt trên 26 tạ/ha. Diện tích trồng mới chủ yếu ở những vùng không thuận lợi về điều kiện tự nhiên đã khiến sản xuất luôn ở tình trạng bấp bênh, chi phí đầu tư cao hơn.
Diện tích tăng nhanh cùng với sự thâm canh quá mức bởi tâm lý nôn nóng muốn thu được năng suất và sản lượng nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất đang là cách làm phổ biến hiện nay của nông dân trồng hồ tiêu tại nhiều vùng. Đặc biệt, tại những nơi trồng mới, nông dân thiếu kinh nghiệm và thiếu kiến thức về canh tác bền vững; giống tiêu lại chưa được nghiên cứu chọn lọc có hệ thống, dễ nhiễm sâu bệnh, đặc biệt là bệnh do nấm và vi khuẩn gây nên, nhiều hộ gia đình từ giàu có đã bị trắng tay vì cây hồ tiêu.
Ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Quảng Trị trên 90% nông dân làm bồn để tưới. Kỹ thuật làm bồn và tưới rất đơn giản, vào cuối mùa mưa dùng cuốc vét đất quanh trụ tiêu tạo thành bồn tưới, sâu 10-15cm. Lượng nước tưới biến động lớn và phụ thuộc vào khả năng cung cấp nước của giếng hoặc ao hồ, lượng nước tưới khoảng 250- 300 lít/lần/trụ với chu kỳ tưới 15-20 ngày/lần. Theo kết quả điều tra hầu như các hộ nông dân trồng hồ tiêu ở các vùng đồi dốc không đào rãnh thoát nước kết hợp với tiêu trồng theo kỹ thuật làm bồn 2 nên gốc tiêu trũng nên tạo điều kiện cho nấm và tuyến trùng hoạt động, khi mưa xuống nấm và tuyến trùng dễ dàng lây lan từ khu này sang khu khác làm tiêu nhiễm bệnh hàng loạt.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Bùi Công Kiên thực hiện “Nghiên cứu thiết kế hệ thống thoát nước bề mặt và kỹ thuật tưới nước tiết kiệm góp phần khống chế bệnh chết nhanh, chết chậm cây hồ tiêu vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ” với mục tiêu: Thiết kế được hệ thống thoát nước bề mặt và kỹ thuật tưới tiết kiệm nước góp phần khống chế bệnh chết nhanh, chết chậm cây hồ tiêu; Đề xuất được giải pháp, công nghệ tạo nguồn nước, cấp nước cho hồ tiêu phù hợp với từng vùng khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Kỹ thuật trồng hồ tiêu vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ chủ yếu là trồng bồn âm giữ nước tưới vào mùa khô, đây cũng chính là nơi trữ nước vào mùa mưa tạo điều kiện cho nấm và các vi sinh vật có hại phát triển. Rễ cây hồ tiêu rất mẫn cảm với nước thiếu nước ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển, thừa nước làm rễ cây thối không hút được nước, chất dinh dưỡng, tạo điều kiện cho nấm, tuyến trùng xâm nhập. Bộ rễ tơ hút nước và chất dinh dưỡng chủ yếu ở tầng đất 0-30 cm.
Nấm Phytophthora là tác nhân gây bệnh chết nhanh cho cây hồ tiêu, nấm Phytophthora tồn tại dưới dạng bào tử dễ dàng di chuyển trong điều kiện đất bão hòa nước và di chuyển theo nguồn nước. Tuyến trùng, nấm Fusarium là tác nhân gây bệnh chết chậm. Sự kết hợp giữa nấm Phytophthora, tuyến trùng, nấm Fusarium làm khả năng chết nhanh của cây hồ tiêu rất cao. Nấm, tuyến trùng tập trung ở tầng đất từ 0-30 cm độ sâu tăng thì mật độ nấm, tuyến trùng giảm.
Hiện nay đa số người dân vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ không áp dụng kỹ thuật thoát nước bề mặt cho các vườn hồ tiêu, khoảng 60% vùng đất bằng (độ dốc 1-5%) đến 100% (độ dốc 10%). Hệ thống thoát nước bề mặt chỉ được áp dụng tại các tập đoàn lớn và một số ít hộ dân được tập huấn về khuyến nông. Biện pháp tưới cho cây hồ tiêu ở hai khu vực chủ yếu là tưới gí với lượng nước tưới là 250-300 lít/trụ/lần tưới, khoảng cách giữa các lần tưới là từ 15-20 ngày vào mùa khô.
Quy trình tưới nhỏ giọt, phun mưa cục bộ tại gốc và quy trình thoát nước chủ động cho cây hồ tiêu vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ với các giai đoạn sinh trưởng của cây hồ tiêu.
Cây hồ tiêu là cây có bộ rễ cọc ăn sâu dưới đất nên việc xác định độ ẩm cây héo cho cây hồ tiêu là rất khó. Trong khuôn khổ thời gian, kinh phí đề tài có hạn, nhóm nghiên cứu mới triển khai nghiên cứu khảo nghiệm được trên diện tích hẹp, chưa đại diện hết toàn bộ các điều kiện về khí hâu, thủy văn, điều kiện kinh tế, xã hội của 2 vùng ĐNB và Tây Nguyên. Do vậy cần có các nghiên cứu tiếp theo để xác định được chế độ tưới tối ưu trên diện tích rộng hơn cho cây hồ tiêu vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Các giải pháp tạo nguồn cấp nước cho cây hồ tiêu trong đề tài đa phần mới chỉ đề xuất dưới dạng lý thuyết, chưa được áp dụng vào mô hình để nghiên cứu nên cần có các nghiên cứu ứng dụng để tìm ra các giải pháp tối ưu phục vụ sản xuất hồ tiêu vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17867/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)