Nghiên cứu thiết kế và chế tạo bộ dưỡng áp dụng vào may áo jacket
Cập nhật vào: Thứ ba - 17/05/2022 04:04 Cỡ chữ
Ngành dệt may Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, thị trường chủ lực là xuất khẩu, năm 2018 đạt kim ngạch 36,2 tỷ USD và trong top 3 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Tuy kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng lợi nhuận chưa cao do chủ yếu là sản xuất gia công cho các quốc gia khác và phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Inđônêsia...
Đặc biệt, từ năm 2018 cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động làm cho các doanh nghiệp may công nghiệp của Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt do giá thành giảm, đơn hàng nhỏ, tình trạng thiếu đơn hàng đã xảy ra ở nhiều doanh nghiệp vào nửa cuối năm 2018 và năm 2019. Trong khi đó, yêu cầu về mẫu mã, chất lượng sản phẩm ngày một cao nên việc đầu tư thiết bị hiện đại, cải tiến công nghệ sản xuất để nâng cao năng suất lao động là giải pháp được nhiều doanh nghiệp chú trọng. Trong thực tế, do 84,6% doanh nghiệp may là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên nguồn vốn hạn chế khi phải đầu tư các thiết bị hiện đại, có giá trị lớn; mặt khác, các thiết bị hiện đại thường không có độ linh hoạt cao khi mặt hàng thời trang thay đổi liên tục. Để đảm bảo nâng cao năng suất lao động trong điều kiện hạn chế về vốn thì việc nghiên cứu, cải tiến, áp dụng cữ, dưỡng vào quá trình gia công sản phẩm được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Dưỡng được thiết kế và chế tạo chính xác sẽ giúp ổn định chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, giảm lãng phí trong sản xuất.
Trong các loại sản phẩm may, áo Jacket thường có kết cấu phức tạp, gồm nhiều chi tiết, nhiều lớp, tổng thời gian chế tạo sản phẩm nhiều hơn so với các sản phẩm khác nên trong dây chuyền sản xuất phải sử dụng nhiều công nhân có tay nghề cao. Để có thể nâng cao năng suất và chất lượng may áo jacket thì cần làm cho các công việc khó, phức tạp trở nên đơn giản và thuận tiện. Song song với đầu tư trang thiết bị, việc chế tạo dưỡng may áo jacket được nhiều doanh nghiệp lựa chọn vì phù hợp với đặc thù của đa số các doanh nghiệp may công nghiệp ở Việt Nam hiện nay, đồng thời giúp tối ưu công suất của thiết bị. Ngay cả đối với máy lập trình - một loại thiết bị tiên tiến cũng cần có các loại dưỡng hỗ trợ giúp sản xuất nhiều chi tiết của áo jacket trên cùng một máy lập trình nhằm phát huy tối đa công suất của thiết bị.
Hầu hết các doanh nghiệp may đã đưa dưỡng vào may tại các công đoạn trên dây chuyền. Tuy nhiên, việc chế tạo dưỡng ở mỗi doanh nghiệp rất khác nhau và hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm, kỹ năng riêng của nhân viên thực hiện, đồng thời việc đó còn là bí quyết riêng của từng doanh nghiệp. Hiện tại, trên thị trường không có tài liệu hướng dẫn thiết kế dưỡng và chế tạo dưỡng nên việc làm dưỡng tại các doanh nghiệp may gặp nhiều khó khăn, việc sử dụng dưỡng để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm không được lan tỏa rộng rãi ra toàn ngành may. Việc này nếu để kéo dài sẽ làm ngành may Việt Nam mất đi lợi thế về năng suất, chất lượng, giảm năng lực cạnh tranh so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu phương pháp thiết kế và chế tạo dưỡng cho ngành may Việt Nam hết sức cấp thiết trong tình hình hiện nay và đó cũng là lý do chính mà nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Dương Thị Hoàn thực hiện “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo bộ dưỡng áp dụng vào may áo jacket". Với mục tiêu thiết kế và chế tạo bộ dưỡng áp dụng vào may áo jacket nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đề tài tập trung nghiên cứu thực trạng thiết kế, chế tạo dưỡng tại một số doanh nghiệp chuyên may áo jacket, trong đó tập trung nghiên cứu điển hình như: Tổng công ty Đức Giang - Công ty cổ phần, Công ty cổ phần- Tổng công ty may Bắc Giang LGG, Công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long, Công ty Cổ phần Tiên Hưng, Trung tâm sản xuất - dịch vụ, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.
Để đánh giá thực trạng sản xuất áo jacket tại các doanh nghiệp nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 60 doanh nghiệp có sản xuất sản phẩm áo jacket đại diện cho các loại hình doanh nghiệp, vùng miền để khảo sát; trong đó có 11 doanh nghiệp lớn, 49 doanh nghiệp vừa; 06 doanh nghiệp FDI, 54 doanh nghiệp Việt Nam/ 45 doanh nghiệp miền Bắc, 08 doanh nghiệp miền Trung, 07 doanh nghiệp miền và gửi phiếu để khảo sát nhằm thu được các số liệu đủ tính đại diện, khách quan. Nhóm đã thu được 54 phiếu khảo sát ở 54 doanh nghiệp, chiếm 90% số doanh nghiệp gửi phiếu khảo sát và thực nghiệm tại 02 doanh nghiệp.
Về qui trình, phương pháp thiết kế và chế tạo bộ dưỡng may áo jacket được các 3 doanh nghiệp thực hiện theo sản phẩm mẫu và yêu cầu cụ thể của khách hàng. Việc thiết kế chế tạo dưỡng phụ thuộc vào kinh nghiệm của người thiết kế nên đối với những sản phẩm có kết cấu phức tạp, việc phân tích thiếu đường may hoặc sai phương pháp vẫn xảy ra, khi rải chuyền mới phát hiện bổ sung. Vì vậy mất nhiều thời gian điều chỉnh dưỡng, mất nhiều lần bộ dưỡng mới đảm bảo yêu cầu của mã hàng.
Từ thực tế thiết kế, chế tạo dưỡng tại các doanh nghiệp cho thấy số doanh nghiệp dựa vào bản vẽ thiết kế để chế tạo dưỡng không nhiều, 100% doanh nghiệp dựa theo tiêu chuẩn kỹ thuật mã hàng, mẫu rập sản phẩm. Do không có bản vẽ thiết kế dưỡng để lưu lại công thức tính, phương pháp thiết kế và chế tạo nên doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong thiết kế, chế tạo các bộ dưỡng tương đồng, sẽ mất thời gian nghiên cứu, thậm chí đã làm mã trước đó rồi nhưng vẫn không chính xác.
Áo jacket là sản phẩm hàng may mặc xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sản phẩm áo jacket có kết cấu phức tạp, nguyên phụ liệu đa dạng nên rất cần thiết kế, chế tạo dưỡng hỗ trợ quá trình sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp luôn quan tâm đến việc nghiên cứu cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đề tài: “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo bộ dưỡng áp dụng vào may áo jacket” là một nghiên cứu về qui trình thiết kế, chế tạo và đề xuất các tiêu chí đánh giá bộ dưỡng ứng dụng trong sản xuất may công nghiệp. Đề tài đã đạt được các kết quả chủ yếu sau đây:
1. Đã trình bày được quy trình thiết kế bộ dưỡng may áo jacket gồm 4 bước có sự đánh giá của các chuyên gia về cải tiến sản xuất, quản lý sản xuất trong các doanh nghiệp may áo jacket.
2. Đã phân tích qui trình chế tạo bộ dưỡng may áo jacket gồm 3 bước đã lấy ý kiến của các chuyên gia, được đánh giá dễ áp dụng và đạt hiệu quả cao.
3. Xây dựng được các tiêu chí đánh giá cho bộ dưỡng
4. Thiết kế và chế tạo bộ dưỡng may áo jaket gồm các chi tiết: chần bông, may các loại túi khóa, túi bổ, may nắp túi, may cổ, may nẹp, may cá, may măng sét. Ngoài ra nhóm nghiên cứu đã thiết kế và chế tạo bộ dưỡng may áo jacket cho 02 mã hàng tại Trung tâm Sản xuất - Dịch vụ - Trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và công ty cổ phần Tiên Hưng. Sau khi thử nghiệm bộ dưỡng tại 2 đơn vị và tổ chức hội thảo đã được các doanh nghiệp đánh giá cao.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17261/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)