Nghiên cứu thực nghiệm đánh giá hiệu quả và các tác động khác của vạch sơn gờ giảm tốc độ trên các tuyến đường bộ ở Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ ba - 30/08/2022 12:01 Cỡ chữ
Các thiết bị nhằm nhắc nhở và cưỡng chế lái xe giảm tốc độ xe chạy trên đường như vạch sơn giảm tốc và gồ giảm tốc đã được sử dụng khá rộng rãi ở Việt Nam nhằm nâng cao an toàn giao thông. Ở Việt Nam, hiện chưa có hướng dẫn về việc sử dụng gồ giảm tốc, trong khi việc sử dụng vạch sơn giảm tốc về mặt kỹ thuật thường lấy theo hướng dẫn tại công văn số 29/GTĐB ngày 06/01/2003 của Cục đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục đường bộ Việt Nam) và Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2012. Tuy nhiên các chỉ dẫn kỹ thuật trong văn bản của Bộ giao thông chỉ có tính chất tham khảo; bản thân chỉ dẫn kỹ thuật không được xây dựng trên cơ sở các nghiên cứu thực nghiệm ở Việt Nam, đồng thời chỉ dẫn này còn chưa đề cập đến đầy đủ các trường hợp và phạm vi áp dụng như trong thực tế. Cho đến nay, hầu như chưa có các tài liệu nghiên cứu, đánh giá hiệu quả an toàn mà các giải pháp vạch sơn giảm tốc và gồ giảm tốc mang lại, cũng như chưa có các nghiên cứu cụ thể để đưa ra các khuyến nghị cần thiết trong việc sử dụng. Sự thiếu hụt này gây nên tình trạng sử dụng vạch sơn giảm tốc và gồ giảm tốc không hiệu quả, gây lãng phí hoặc có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt ngoài mong muốn nhất là một số trường hợp còn gây nguy hiểm cho các phương tiện xe mô tô và xe thô sơ.
Do vậy, cần thiết phải tiến hành nghiên cứu đánh giá hiệu quả của việc sử dụng vạch sơn giảm tốc và gồ giảm tốc trong việc nâng cao an toàn giao thông cũng như đưa ra các chỉ dẫn áp dụng cần thiết. Đó là lý do TS. Đỗ Duy Đỉnh cùng các cộng sự tại Trường Đại học Xây dựng đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thực nghiệm đánh giá hiệu quả và các tác động khác của vạch sơn gờ giảm tốc độ trên các tuyến đường bộ ở Việt Nam” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2019.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: Đánh giá hiệu quả về mặt giảm tốc độ đối với giải pháp bố trí vạch sơn gờ giảm tốc độ trên đường bộ; đánh giá các tác động khác của vạch sơn gờ giảm tốc độ bao gồm: tiếng ồn, mức độ khó khăn khi điều khiển xe (đối với xe hai bánh), và tiện nghi đối với người lái và hành khách; thực nghiệm và đưa ra một số mẫu bố trí vạch sơn giảm tốc độ có hiệu quả trong việc giảm tốc độ xe chạy đồng thời giảm thiểu các tác dụng bất lợi về mặt tiếng ồn và tiện nghi đối với người tham gia giao thông.
Đề tài đã đạt được một số kết quả nổi bật dưới đây:
- Đã tổng quan được tình hình sử dụng, các quy định về thiết kế, bố trí, cấu tạo vạch sơn giảm tốc và gồ giảm tốc ở Việt Nam và trên thế giới.
- Phân loại được các trường hợp sử dụng vạch sơn và gồ giảm tốc trên thực tế ở Việt Nam.
- Đã đánh giá được hiệu quả của vạch sơn giảm tốc và gồ giảm tốc đối với việc giảm tốc độ xe chạy; và tác động của các giải pháp này đối với tiếng ồn, khả năng điều khiển xe, mức độ tiện nghi của người lái và hành khách trên xe đối với vạch sơn giảm tốc và gồ giảm tốc trên một số tuyến đường ô tô ở Việt Nam.
- Đã phân tích, lựa chọn và đưa vào thử nghiệm, thi công trên hiện trường 4 mẫu vạch sơn giảm tốc tại 4 vị trí với các đặc điểm, điều kiện đường khác nhau. Các mẫu vạch sơn giảm tốc này gồm 1 mẫu vạch sơn giảm tốc có các thông số cấu tạo thường được áp dụng trên thực tế hiện nay ở Việt Nam và 3 mẫu vạch sơn khác dựa trên kinh nghiệm của nước ngoài. Đề tài cũng đã đánh giá hiệu quả giảm tốc độ xe chạy và tác động của các mẫu vạch sơn giảm tốc này đối với tiếng ồn, khả năng điều khiển xe, mức độ tiện nghi của người lái và hành khách trên xe.
Từ những phân tích trên, đề tài đã đề xuất được các mẫu vạch sơn và gồ giảm tốc kiến nghị áp dụng ở Việt Nam kèm theo các điều kiện bố trí, cấu tạo, tổ chức thi công chi tiết. Ngoài ra, các tác giả của đề tài còn xây dựng được dự thảo “Hướng dẫn sử dụng một số mẫu vạch sơn và gồ giảm tốc độ”.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17321/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)