Nghiên cứu thực trạng và đề xuất hoàn thiện quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm khuyến khích phát triển kinh tế trang trại theo Luật Đất đai 2013
Cập nhật vào: Thứ năm - 18/08/2022 01:01
Cỡ chữ
Kinh tế trang trại (KTTT) là là loại hình tổ chức sản xuất phổ biến trong nền nông nghiệp của hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay. Loại hình này đã thể hiện sự ưu việt về hiệu quả kinh tế so với kinh tế hộ nhờ vào lợi thế của quy mô sản xuất.
Ở nước ta, KTTT đã hình thành và không ngừng được mở rộng, phát triển; góp phần không nhỏ nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác và sử dụng đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hoá, ao, hồ, đầm, bãi bồi ven sông… để sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng chuyên canh. Sự phát triển của KTTT cũng đã góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất gắn liền với quá trình phân công lại lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành phi nông nghiệp, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá trong nông nghiệp và nông thôn.
Sự hình thành và phát triển KTTT là một tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Điều kiện quan trọng và trước hết để phát triển KTTT là phải mở rộng quy mô đất đai, khắc phục tình trạng đất đai manh mún, không đồng nhất về mục đích sử dụng (mục đích sử dụng) trong nông nghiệp từ nhiều năm nay ở nước ta. Trong nhiều năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách để khuyến khích phát triển KTTT phù hợp gắn với đặc điểm của từng vùng, miền. Tuy nhiên, để hình thành và phát triển trang trại như thế nào cho thuận lợi, đem lại hiệu quả cao và phù hợp với định hướng XHCN của nền kinh tế mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định lại là một vấn đề đòi hỏi đƣợc quan tâm nghiên cứu và giải quyết của các ngành, các cấp.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất cho phát triển KTTT là nhu cầu tất yếu của các chủ trang trại nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất (sử dụng đất), khai thác tối đa giá trị kinh tế do đất đai mang lại. Có một hệ thống quy định pháp luật cho phép dễ dàng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tạo 2 điều kiện cho các chủ trang trại có diện tích đất có cùng mục đích sử dụng với quy mô phù hợp là mục tiêu của cải cách thủ tục hành chính về đất đai nhằm khuyến khích phát triển KTTT.
Chính sách đất đai cho phát triển KTTT đã, đang được hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất. Tuy nhiên trong thực tiễn quản lý và sử dụng đất trang trại hiện nay, do có một số thay đổi quy định về thời hạn, quy mô, mục đích sử dụng đất đối với KTTT đã dẫn đến việc một số địa phương chưa có sự thống nhất và còn bất cập trong quản lý sử dụng đất đối với KTTT, đặc biệt là vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất làm KTTT.
Với mục tiêu hỗ trợ cho phát triển KTTT, chính sách, pháp Luật Đất đai cần có những sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện cho các chủ trang trại có thể tích tụ đất đai tới quy mô hợp lý, tập trung và đồng bộ về mục đích sử dụng. Thủ tục hành chính về đất đai cũng cần cải tiến đảm bảo thuận tiện cho các chủ trang trại khi thực hiện các giao dịch về đất đai cũng như khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Vì vậy, Cơ quan chủ trì Viện nghiên cứu Quản lý Đất đai cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Hoàng Ngọc Hà thực hiện “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất hoàn thiện quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm khuyến khích phát triển kinh tế trang trại theo Luật Đất đai năm 2013”.
Sử dụng cách tiếp cận từ tổng quan đến chi tiết; từ lý luận tới thực tiễn; từ những chính sách, quy định của pháp luật hiện hành đến thực tế triển khai. Trên cơ sở cách tiếp cận này tiến hành nghiên cứu, phân tích các chính sách pháp luật về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong phát triển KTTT; điều tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại địa bàn nghiên cứu; phân tích làm rõ những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện; đánh giá tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong phát triển KTTT đến một số nội dung của công tác quản lý nhà nước về đất đai, từ đó đề xuất một số giải pháp góp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai tại những địa phương thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm phát triển KTTT.
KTTT là một loại hình kinh tế cơ bản trong nông nghiệp, được chuyên môn hóa, tập trung sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường: Đây là một đặc trưng cơ bản của KTTT, đây có thể đang là một bước phát triển của kinh tế nông hộ. Các chỉ tiêu cơ bản trong sản xuất nông nghiệp như ruộng đất, vốn, lao động, giá trị sản phẩm hàng hóa của KTTT đều cao hơn nhiều lần so 8 với kinh tế hộ.
KTTT có định hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường: Do sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn nên KTTT phải gắn với thị trường cả về vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra. Vai trò khách quan mang tính lịch sử này của TT gắn liền với trình độ phát triển của sản xuất nông nghiệp và sự giao lưu hàng hóa giữa thành thị và nông thôn. Quá trình hình thành và phát triển TT gia đình là quá trình nâng cao hay mở rộng tính chất và trình độ sản xuất hàng hóa của TT. Đồng thời cũng là quá trình thu hẹp tính chất sản xuất trực tiếp tự cấp tự túc vốn có của kinh tế hộ nông dân.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
KTTT ở nước ta đã có lịch sử hình thành từ lâu và phát triển qua nhiều thời kỳ, có vai trò tích cực và quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển KTTT là nhu cầu tất yếu phát sinh trong quá trình phát triển nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, trình độ cao. Việc chuyển đổi này đã và đang diễn ra phức tạp tại các địa phương và chưa đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội mong muốn.
Công tác quản lý nhà nước đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nói chung, để phát triển KTTT nói riêng tại các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc: về trình tự, thủ tục pháp luật khi thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất; về quy hoạch sử dụng đất; về hạn mức giao, cho thuê đất; điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; thủ tục đăng ký biến động đất đai và cấp GCN; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với phát triển KTTT… Các quy định có liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển TT vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt là đối với trường hợp chuyển đổi phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đề tài đề xuất được một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai nhằm phát triển KTTT. Bao gồm: Giải pháp về nâng cao nhận thức; giải pháp về tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp; giải pháp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với phát triển KTTT; giải pháp về đo đạc, ĐKĐĐ, cấp GCN đối với phát triển KTTT; giải pháp về tổ chức thực hiện đối với phát triển KTTT.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17507/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)