Nghiên cứu tổng hợp ethylene - urea làm phụ gia cho keo Urea - Formaldehyde
Cập nhật vào: Thứ năm - 06/06/2024 00:08
Cỡ chữ
Trong những năm gần đây, ngành chế biến gỗ nhân tạo trong và ngoài nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Chính vì thế, keo urea formaldehyde (UF) - nguồn nguyên liệu chính sử dụng cho lĩnh vực này có nhu cầu ngày một tăng cao. Vấn đề lớn gặp phải khi sử dụng keo UF truyền thống là yếu tố phát thải formaldehyde có hại cho sức khỏe con người. Các nước trên thế giới không ngừng ban hành các quy chuẩn thay thế về phát thải theo hướng ngày một khắt khe hơn. Để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe đó, các nhà sản xuất keo UF đã sử dụng chất phụ gia biến tính keo và có tác dụng như một chất khử formaldehyde.
Ở Việt Nam, các nguồn chất phụ gia này đang phải nhập khẩu hoàn toàn. Điều này khiến các nhà sản xuất keo chất lượng cao trong nước bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp nước ngoài và mất tính chủ động. Vì thế, việc nghiên cứu tổng hợp phụ gia khử formaldehyde và lập đơn pha chế hệ phụ gia cho keo UF chất lượng cao là vấn đề cấp thiết đang được đặt ra.
Đề tài “Nghiên cứu tổng hợp ethylene urea làm phụ gia trong keo ure formaldehyde” do TS. Nguyễn Thị Hà và nhóm nghiên cứu tại Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam thực hiện từ năm 2020 đến năm 2021 nhằm xây dựng được quy trình công nghệ tổng hợp ethylene urea, tiến tới lập dự án triển khai sản xuất để chủ động cung cấp phụ gia cho ngành sản xuất keo trong nước.
Đề tài đã thu được các kết quả như sau:
1. Đã nghiên cứu thành công quy trình công nghệ sản xuất ethylene urea với các thông số công nghệ đã được tối ưu hóa: tỷ lệ mol chất phản ứng ethylenediamin/urea: 1,2/1; nhiệt độ phản ứng: 260oC - 270oC; tốc độ gia nhiệt: 1oC/phút; thời gian duy trì phản ứng (260oC - 270oC): 1 giờ; tái kết tinh, tinh chế sản phẩm bằng dung môi ethanol. Nhiệt độ tái kết tinh: 0oC - 5oC; sấy sản phẩm: 70oC - 80oC trong chân không, khoảng 3 giờ - 4 giờ;
2. Sản phẩm ethylene urea đã được đặc trưng cấu trúc bằng phương pháp phổ FTIR, 13CNMR, 1H-NMR. Điểm nóng chảy được xác định bằng phương pháp DSC (điểm chuyển pha tại 132oC), độ tinh khiết được được xác định bằng phương pháp HPLC và đường chuẩn đạt tới 99%.
3. Đã triển khai sản xuất thử 60 kg ethylene urea với quy mô 3 kg/mẻ. Kết quả sản xuất cho thấy quy trình công nghệ tổng hợp ethylene urea ổn định, có độ lặp cao. Sản phẩm ethylene urea thu được đạt các tiêu chuẩn chất lượng đăng kí.
4. Đã lập đơn pha chế hệ phụ gia PG5 từ sản phẩm ethylene urea tổng hợp, với thành phần các chất trong hệ phụ gia PG5 như sau: Melamin: 16,7%; PVA: 16,7%; Tinh bột: 16,7%; Hexamin: 16,7%; Ethylene urea: 33,2%;
5. Đã xây dựng quy trình công nghệ sử dụng hệ phụ gia PG5 trong sản xuất keo UF. Hàm lượng hệ phụ gia sử dụng trong hệ keo: keo đạt chất lượng keo E2: 2% - 4% phụ gia; keo đạt chất lượng keo E1: 4% - 5% phụ gia; keo đạt chất lượng keo E0: 6% - 8% phụ gia; hệ phụ gia được bổ sung vào giai đoạn 3 của quá trình tổng hợp keo UF, với các thông số công nghệ: pH: 7,5; nhiệt độ: 70oC; thời gian duy trì phản ứng: 30 phút;
6. Đã triển khai sản xuất 3.000 kg keo UF sử dụng hệ phụ gia trên quy mô 1.000 kg/mẻ. Chất lượng sản phẩm keo UF đạt tiêu chuẩn E1, E0.
7. Đã triển khai sản xuất thử nghiệm gỗ công nghiệp sử dụng keo UF chứa hệ phụ gia PG5 tại nhà máy sản xuất gỗ ép công nghiệp Xuất nhập khẩu Thanh Hùng. Kết quả thử nghiệm gỗ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu E1, E0. Hàm lượng phát thải formaldehyde ra môi trường của ván ép được kiểm nghiệm chất lượng tại công ty TNHH Intertek - là công ty cung cấp dịch vụ đánh giá, giám định được công nhận pháp lý trên toàn cầu. Các mẫu gỗ có hàm lượng phát thải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Điểm mới của đề tài là đưa ra công nghệ sử dụng hệ phụ gia tích hợp trực tiếp vào quy trình sản xuất keo, làm cho hệ keo tăng tính chất kết dính, giảm sâu hàm lượng formaldehyde tự do và đặc biệt dễ sử dụng đối với các nhà sản xuất gỗ; quá trình tổng hợp ethylene urea nằm trong tổ hợp sản xuất keo UF nên các sản phẩm phụ của quá trình được tận dụng triệt để. Trong đó, dung dịch NH4Cl đã được sử dụng làm chất điều chỉnh môi trường cho keo UF, làm giảm đáng kể chi phí, giá thành sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19916/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)