Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám trong đánh giá tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội đến sử dụng đất
Cập nhật vào: Thứ năm - 25/06/2020 21:50 Cỡ chữ
Nhìn chung, các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam trong ứng dụng tư liệu viễn thám và GIS đánh giá sử dụng đất đai đạt được những kết quả khả quan và minh chứng tính hiệu quả của phương pháp này so với các phương pháp nghiên cứu truyền thống. Mặc dù vậy, các nghiên cứu này, đặc biệt là các nghiên cứu trong nước chỉ tập trung đánh giá tác động của các yếu tố tự nhiên như địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng... hoặc đánh giá tác động của các yếu tố kinh tế - xã hội như dân cư, dân tộc đến sử dụng đất. Trong khi đó, quá trình sử dụng đất chịu tác động đồng thời của cả hai nhóm yếu tố trên nhưng mức độ quan tâm của các nghiên cứu còn mức rất hạn chế. Nhóm các yếu tố tự nhiên bao gồm vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng và các quá trình tự nhiên tác động trực tiếp đến biến động sử dụng đất hoặc tương tác với các quá trình ra quyết định của con người đến biến động sử dụng đất. Nhóm yếu tố kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến tài nguyên đất bao gồm dân số, thể chế, văn hóa, công nghệ ... Do vậy, việc nghiên cứu ứng dụng tư liệu GIS và viễn thám trong đánh giá tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội đến sử dụng đất là một vấn đề cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn lớn, cung cấp cơ sở khoa học nhằm giúp các nhà quản lý đưa ra các biện pháp sử dụng đất hợp lý.
Vì thế, từ năm 2016 đến 2018, TS. Bùi Thu Phương cùng các cộng sự tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám trong đánh giá tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội đến sử dụng đất”.
Đề tài góp phần hoàn thiện cơ sở khoa học cũng như minh chứng khả năng ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám trong đánh giá tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội đến sử dụng đất. Kết quả nghiên cứu cung cấp nguồn thông tin kịp thời giúp các nhà quản lý đưa ra các biện pháp trong quy hoạch, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đất.
Quá trình sử dụng đất chịu tác động đồng thời của cả hai nhóm yếu tố tự nhiên và xã hội, trong đó với mỗi khu vực khác nhau, mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này tới sự thay đổi sử dụng đất là khác nhau. Việc ứng dụng công nghệ GIS trên cơ sở phương pháp phân tích đa tiêu chuẩn kết hợp dữ liệu viễn thám trong đánh giá tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội đến sử dụng đất là một phương pháp phù hợp và có hiệu quả cao.
Trong nghiên cứu này, các tác giả lựa chọn hai khu vực thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị đặc trưng cho điều kiện tự nhiên - xã hội khác nhau, bao gồm khu vực miền núi huyện Hướng Hóa và khu vực đồng bằng, ven biển huyện Gio Linh để đánh giá tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội đến sử dụng đất. Các yếu tố ảnh hưởng đến sử dụng đất được lựa chọn bao gồm địa hình, độ dốc (yếu tố tự nhiên) , giao thông và dân cư (yếu tố xã hội) cùng bản đồ hiện trạng xói mòn, bản đồ thích hợp cây trồng thành lập trên cơ sở dữ liệu GIS và viễn thám. Trên cơ sở phương pháp phân tích đa tiêu chuẩn (MCA) và phương pháp phân tích thứ bậc, trọng số ảnh hưởng của các yếu tố này được xác định và hiệu chỉnh bằng cách so sánh bản đồ dự báo và bản đồ hiện trạng sử dụng đất cùng thời điểm. Kết quả nhận được dùng để xây dựng bản đồ dự báo sử dụng đất khu vực huyện Hướng Hóa và Gio Linh đến năm 2020 và 2030.
Phân tích kết quả cho thấy, đối với khu vực thuộc địa bàn miền núi huyện Hướng Hóa , các yếu tố tự nhiên (độ dốc, địa hình) có ảnh hưởng lớn hơn đến biến động sử dụng đất, thể hiện qua giá trị trọng số của các yếu tố này lớn hơn đáng kể so với các yếu tố xã hội (cư dân, giao thông). Trong khi đó, với khu vực đồng bằng, ven biển huyện Gio Linh, các yếu tố xã hội (dân cư, giao thông) ảnh hưởng lớn hơn đến biến động sử dụng đất so với các yếu tố tự nhiên. Đối với trường hợp nghiên cứu huyện Gio Linh, yếu tố dân cư ảnh hưởng lớn nhất đến biến động sử dụng đất, thể hiện trọng số ảnh hưởng của yếu tố dân cư là 0,20, cao hơn nhiều so với các yếu tố khác. Ngoài ra, cũng có thể thấy, các yếu tố như bản đồ xói mòn, bản đồ thích hợp trồng cây cũng ảnh hưởng đến sự thay đổi trong sử dụng đất. Điều này có thể lý giải do các bản đồ này được thành lập trên cơ sở các yếu tố tố tự nhiên và xã hội như địa hình, độ dốc, thổ nhưỡng, lớp phủ, lượng mưa, phương thức canh tác.
Trong nghiên cứu cũng xây dựng được quy trình đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên và xã hội đến sử dụng đất với sự trợ giúp của GIS và viễn thám. Quy trình này có thể được ứng dụng cho nhiều khu vực với đặc điểm tự nhiên - xã hội khác nhau, cung cấp thông tin giúp các nhà quản lý trong bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đất đai.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15678 tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)