Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý Crom và Niken trong nước thải mạ điện bằng vôi sữa và phèn sắt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp
Cập nhật vào: Thứ ba - 28/02/2023 23:02 Cỡ chữ
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp không thể thiếu được ngành mạ điện, ngành mạ điện ngày càng phát triển và được ứng dụng rộng rãi trong quá trình sản xuất của rất nhiều ngành nghề như sản xuất thiết bị điện, ôtô, môtơ, xe đạp, dụng cụ y tế, các hàng kim khí tiêu dùng…trong công nghiệp thường gặp các công nghệ mạ như: mạ Crom, mạ Niken, mạ Đồng, mạ Kẽm... (Nhưng hiện nay chủ yếu ở Việt Nam là mạ Crom và Niken). Tuy được ứng dụng rộng rãi và phổ biến trong quá trình sản xuất tại các khu công nghiệp, nhưng mạ điện là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường rất cao do phát sinh hơi hóa chất độc hại và nước thải có chứa nhiều ion kim loại nặng nên ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường và sức khỏe con người. Do vậy, cần phải kiểm soát ô nhiễm môi trường trong quá trình áp dụng phương pháp mạ điện vào sản xuất các ngành công nghiệp.
Từ thực tiễn trên, nhóm nghiên cứu của ThS. Đặng Xuân Thường tại Viện Kỹ thuật và Công nghệ môi trường đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý Crom và Niken trong nước thải mạ điện bằng vôi sữa và phèn sắt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp” trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2020.
Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu: nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý Crom và Niken trong nước thải mạ điện bằng vôi sữa và phèn sắt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp; và xây dựng mô hình công nghệ xử lý Crom và Niken trong nước thải mạ điện bằng vôi sữa và phèn sắt với quy mô 2m3/ngày đêm
Trong quá trình thực hiện đề tài đã thực hiện được các nội dung sau:
- Thực hiện nghiên cứu chuyên sâu các chuyên đề phục vụ công tác nghiên cứu;
- Tổ chức 2 buổi hội thảo khoa học để xin ý kiến các nhà chuyên gia trong quá trình thực hiện;
- Xây dựng được mô hình pilot ứng dụng công nghệ xử lý Crom và Niken trong nước thải mạ điện bằng vôi sữa và phèn sắt tại hiện trường công suất 2m3/ngày đêm.
- Viết 1 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí Tài nguyên và Môi trường.
- Hỗ trợ hướng dẫn đào tạo được 2 kỹ sư chuyên nghành công nghệ môi trường.
Qua nghiên cứu, đánh giá thấy rằng vôi sữa và phèn sắt khi kết hợp có thể xử lý rất tốt các thành phần ô nhiễm có trong nước thải mạ điện, giá thành xử lý rẻ hơn nhiều so với dùng xút và phèn sắt. Vì vậy, đề tài sẽ có tính thực tiễn cao, khả năng ứng dụng vào thực tiễn với quy mô công nghiệp, hiện nay nhiều nhà máy, cơ sở phát sinh nước thải mạ điện rất quan tâm đến vấn đề xử lý nước thải mạ điện đạt yêu cầu để đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp do các khu công nghiệp ngày càng quản lý chặt chẽ và yêu cầu chất lượng như đã cam kết.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18134/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)