Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán, tiên lượng và theo dõi kết quả điều trị ung thư biểu mô tuyến tụy
Cập nhật vào: Thứ hai - 19/08/2024 11:10 Cỡ chữ
Ung thư tuỵ là một trong các bệnh ung thư có tỉ lệ tử vong cao nhất và là thử thách lớn của thế giới trong chẩn đoán sớm và điều trị. Tuỵ là một tạng nằm sâu trong cơ thể ở vùng giải phẫu phức tạp, các phương tiện chuẩn đoán hiện nay vẫn đang hạn chế trong chẩn đoán những khối u tuỵ. Hơn nữa, đây là một bệnh lý diễn biến âm thầm ít triệu chứng lâm sàng hoặc triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu, các triệu chứng có thể gặp ở nhiều bệnh lý lành tính khác như đầy bụng khó tiêu. Vì những lý do trên, việc chẩn đoán ung thư tuỵ ở giai đoạn sớm vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn ở Việt Nam và trên thế giới. Một trong các chiến lược để phát hiện sớm ung thư tuỵ là xác định những nhóm nguy cơ ung thư tuỵ và sàng lọc tập trung vào nhóm bệnh nhân nguy cơ.
Các phương pháp để chẩn đoán ung thư tuỵ hiện nay là: siêu âm, phương pháp có độ nhạy, độ đặc hiệu thấp, thường chỉ chẩn đoán được các khối u có kích thước lớn, giai đoạn muộn; chụp cắt lớp vi tính (8, 16 và 32 dãy) cũng khó đánh giá khối u tuỵ nhỏ, đối với chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao (64 dãy trở lên) có thể chẩn đoán tốt các khối u kich thước nhỏ hơn tuy nhiên chi phí đắt tiền và khả năng phơi nhiễm với phóng xạ cao nên cũng không thể áp dụng để sàng lọc tất cả những người lành không có ung thư tuỵ được. Tương tự đối với chụp MRI độ phân giải cao 1.5 Tesla trở lên phương pháp chụp phức tạp, chi phí đắt tiền nên không thể áp dụng đại trà được. Do vậy nhu cầu thực tiễn là phải xác định được nhóm bệnh nhân nguy cơ, và tìm được một phương tiện ít xâm nhập, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao để chẩn đoán ban đầu, rồi tiến hành thêm những xét nghiệm chuyên sâu như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ độ phân giải cao và sinh thiết tổn thương làm chẩn đoán xác định. Các xét nghiệm marker-chất chỉ điểm sinh học ung thư tuỵ hiện nay (CA19-9, CEA) có độ nhạy và độ đặc hiệu thấp, chưa đóng góp nhiều trong chẩn đoán ung thư tuỵ giai đoạn sớm, cũng như theo dõi trong quá trình điều trị. Exosome là những túi nhỏ được sản xuất ra từ các tế bào trong điều kiện sinh lý và bệnh lý khác nhau. Exosome có chứa các thông tin di truyền từ các tế bào chủ, giúp chẩn đoán điều kiện bệnh học của tế bào chủ. Exosoma cũng chứa các RNA đặc hiệu khối u, đây là cơ sở để chẩn đoán các bệnh lý khối u Trên thế giới, vai trò của một số miRNA được nghiên cứu và khẳng đinh miR-17-5p, miR-21, miR-155 and miR-196a có liên quan đến ung thư tuỵ. Khi xét nghiệm exosomal miRNA trong huyết thanh bệnh nhân ung thư tuỵ và người không mang ung thư tuỵ, kết quả miR-17-5 và miR-21 biểu hiện cao ở các bệnh nhân ung thư tuỵ hơn là ở những người không mắc ung thư tuỵ. Khảo sát 7 miRNA miR-21, miR-143, -miR155, miR-196a, miR-210, miR-216a, miR-375 trong mẫu phân kết quả ghi nhận có 4 miR (miR-216a, -196a, -143 und -155) biểu hiện cao ở các bệnh nhân hoặc là bị viêm tuỵ mạn hoặc là ung thư biểu mô tuyến tuỵ.
Hiện nay các nghiên cứu về exosomal miRNA còn ít đặc biệt là trong ung thư tuỵ còn hạn chế. Chưa có đủ cơ sở dữ liệu để đưa ra khuyến cáo. Do đó, nhằm làm chủ được quy trình kĩ thuật định lượng exosomal microRNA trong huyết thanh bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến tuỵ; xác định được các yếu tố nguy cơ nội sinh của bệnh ung thư biểu mô tuyến tuỵ; nghiên cứu giá trị của một số exosomal micro-RNA trong chẩn đoán, tiên lượng và theo dõi kết quả điều trị ung thư biểu mô tuyến, GS. TS. Trần Văn Thuấn cùng các cộng sự tại Viện nghiên cứu Phòng chống Ung thư, Bệnh viện K, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán, tiên lượng và theo dõi kết quả điều trị ung thư biểu mô tuyến tụy”.
Qua quá trình nghiên cứu tại 4 bệnh viện là Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện TW Thái Nguyên, đề tài rút ra được một số kết luận như sau:
1. Nghiên cứu đã tuyển chọn được 205 bệnh nhân ung thư tụy và 208 nhóm chứng. Xác định được một số các đặc điểm lâm sàng và một số yếu tố dịch tễ học liên quan đến bệnh ung thư tụy tại Việt Nam
- Độ tuổi được chẩn đoán của bệnh nhân ung thư tụy tương đối cao, với độ tuổi trung bình là 59,3±13,3 tuổi. Nhóm bệnh có độ tuổi cao hơn nhóm chứng nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.
- BMI của nhóm chứng (22,5 ± 2,7) cao hơn nhóm bệnh (19,8 ± 2,6) và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê.
- Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm bệnh-chứng còn xuất hiện ở các chỉ số hút thuốc, đái tháo đường, tình trạng viêm và vị trí viêm.
- Không có sự khác biệt giữa hai nhóm bệnh chứng về tiền sử uống rượu, viêm gan B và tiền sử ung thư gia đình.
- Trong nhóm bệnh, nhóm thuốc đường dùng nhiều nhất là thuốc chống viêm giảm đau (chiếm 31,2%) và thuốc kiểm soát huyết áp (chiếm 22,4%), nhóm vitamin tổng hợp (chiếm 15,3%).
- Trong nhóm chứng, nhóm thuốc đựơc dùng nhiều nhất là nhóm vitamin tổng hợp (chiếm 6,7%), thuốc điều trị đái tháo đường insulin (chiếm 6,5%) và nhóm thuốc điều trị đái tháo đường khác (chiếm 6,5%).
2. Đánh giá một số yếu tố nguy cơ, yếu tố nguy cơ nội sinh liên quan đến bệnh ung thư tụy tại Việt Nam
- Thói quen hút thuốc, đái tháo đường, tình trạng viêm là những yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư tụy.
- Thói quen hút thuốc làm tăng 3,59 lần nguy cơ ung thư tụy.
- Ở những bệnh nhân mắc đái tháo đường, nguy cơ ung thư tụy cao gấp 2,54 lần so với nhóm chứng.
- Tình trạng viêm là làm gia tăng 3,02 lần nguy cơ ung thư tụy.
- Trong nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan giữa viêm gan B, tiền sử ung thư gia đình và ung thư tụy.
- Xác định 6 miRNA có liên quan đến ung thư biểu mô tuyến tụy gồm: miR-17-5p, miR-1290, miR-320e, miR-122-5p, miR-579-3p và miR451a. Trong đó, mức độ bộc lộ của các exosomal micro RNA miR-17-5p, miR-1290 và miR-579-3p cao hơn ở bệnh nhân ung thư tụy, trong khi mức độ bộc lộ miR-320e, miR-451a và miR-122-5p thấp hơn ở nhóm ung thư, so với người lành.
3. Nghiên cứu được vai trò của các exosomal micro RNA trong chẩn đoán, tiên lượng và theo dõi kết quả điều trị ung thư biểu mô tuyến tụy
- Cả 6 miRNA đều thể hiện hiệu lực chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến tụy.
- miR-1290 đạt độ nhạy 80,1% và độ đặc hiệu 70,1% với ngưỡng nồng độ 1,6 x 105 copies/mL, AUC(R) = 0.839; p < 0.0001) trong chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến tụy. Trong tiên lượng, miR-1290 bộc lộ mạnh trên những bệnh nhân ở giai đoạn IV và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0.0001). Biến thiên nồng độ miR-1290 có mối tương quan thuận với đáp ứng điều trị của bệnh nhân (p < 0.0001).
- miR-17-5p đạt AUC(R) = 0,755 và p = 0,03;
- miR-579-3p đạt AUC(R) = 0,802 và p < 0.0001.
Từ các kết quả thu được, đề tài kiến nghị cần xây dựng lộ trình đưa kỹ thuật định lương exosomal micro RNA để xét nghiệm một số miRNA như miR-1290, miR-17-5p vào việc chẩn đoán, tiên lượng và theo dõi điều trị ung thư biểu mô tuyến tụy; tiếp tục ứng dụng kỹ thuật định lượng exosomal micro RNA trong đề tài nghiên cứu khác để tìm hiểu thêm về giá trị của các exosomal miRNA trong cơ chế sinh bệnh học ung thư, đồng thời xác định thêm giá trị của các exosomal micro RNA trong chẩn đoán, tiên lượng và theo dõi kết quả điều trị bệnh thư.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20073/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)