Nghiên cứu ứng dụng máy học trong trích xuất khối u gan trong ảnh MR ổ bụng 3 chiều
Cập nhật vào: Thứ tư - 04/09/2019 12:13 Cỡ chữ
Nhằm thực hiện mục tiêu nghiên cứu việc phân đoạn gan sau đó trích xuất khối u trong ảnh MR ổ bụng 3 chiều sử dụng máy học, từ đó có thể tính thể tích của khối u, giúp theo dõi và đánh giá phản ứng đối với các giải pháp điều trị, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh ung thư gan, nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh do ông Huỳnh Trung Hiếu làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng máy học trong trích xuất khối u gan trong ảnh MR ổ bụng 3 chiều”. Thời gian thực hiện kéo dài từ tháng 12/2013 đến tháng 4/2016.
Đề tài đã đưa ra một tiếp cận trích xuất gan bán tự động dựa trên sự kết hợp của thuật toán Fast marching và Geodesic active contours. Đối với việc trích xuất gan hoàn toàn tự động, có hai tiếp cận được phát triển là: (1) dựa trên đặc trưng thống kê của mức xám ảnh tương ứng của vùng gan trong ảnh MR ổ bụng và (2) áp dụng phân đoạn Watershed kết hợp với các phương pháp Level set và hình thái học khác.
Ứng dụng của máy học, đặc biệt là ELM trong nhận dạng và phân đoạn ảnh cũng đã được nghiên cứu. Đây là thuật toán huấn luyện không lặp cho mạng nơ-ron truyền thẳng một lớp ẩn. Một tiếp cận để trích xuất (tính thể tích) khối u trong gan đã được đề xuất. Tiếp cận này dựa trên phân đoạn ảnh sử dụng ELM và Fast marching. Hiệu quả các tiếp cận được đánh giá trên các tập dữ liệu khác nhau được thu thập từ các bệnh viện, trung tâm Y khoa có uy tín. Kết quả thực nghiệm đã cho thấy những triển vọng của các tiếp cận được đề xuất. Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất tiếp tục phát triển để tăng độ chính xác, tốc độ xử lý cũng như tính tự động của các tiếp cận CAD (Computer-Aided Detection).
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13626/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)