Nghiên cứu và đề xuất giải pháp ngăn chặn tin giả trên các mạng xã hội tại Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ năm - 22/02/2024 00:01
Cỡ chữ
Trong kỷ nguyên số, sự bùng nổ thông tin tràn lan trên mạng xã hội “Thế giới ảo” đã có những tác động lớn đến đời sống xã hội của thế giới thật. Trong bối cảnh đó, bên cạnh các luồng thông tin chính xác, có rất nhiều dòng thông tin chưa chính xác “Tin giả” (hay trong tiếng Anh gọi “Fake News”) trên các trang mạng xã hội hiện nay được xem là vấn nạn toàn cầu. Thuật ngữ “Tin giả” đã trở thành thuật ngữ được dùng để chỉ những tin sai sự thật hoặc gây hiểu lầm lan truyền trên mạng, thường nhằm mục đích chính trị hoặc thương mại.
Nạn tin giả trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook và Youtube của Google, đang ngày càng phát triển tinh vi với chiều hướng tăng cao và phức tạp, tác động tiêu cực và ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội. Thậm chí, những hậu quả nghiêm trọng của tin giả đối với an ninh quốc gia và các thiết chế xã hội (có thể là sự đe dọa). Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã đưa ra giải pháp để ngăn chặn và xử lý tin giả trên các nền tảng mạng xã hội. Trong những ngày đầu năm 2020, tại Việt Nam đã xuất hiện các trường hợp tung tin giả trên mạng xã hội vì nhiều mục đích khác nhau, có những trường hợp đối tượng tung tin giả là người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội. Nghiêm trọng hơn, một số đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước và thế lực thù địch đã lợi dụng các trang mạng xã hội nước ngoài để đưa thông tin không đúng sự thật, gây mất uy tín của cơ quan Đảng, Nhà nước.
Tại Việt Nam, tin giả đang là chủ đề nóng được đông đảo cộng đồng, người dân quan tâm và là thách thức lớn đối với cơ quan chủ quản trong công tác quản lý luồng thông tin trên các trang mạng xã hội nước ngoài xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam. Xuất phát từ thực tiễn trên, ThS. Phạm Văn Nghĩa cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông thực hiện “Nghiên cứu và đề xuất giải pháp ngăn chặn Fake News (tin giả) trên các mạng xã hội tại Việt Nam” với mục tiêu phục vụ việc tăng cường công tác xử lý tin giả trên các mạng xã hội, bảo đảm thông tin trung thực trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam.
Theo báo cáo của We are social, tính đến tháng 1 năm 2020, thế giới có 7,75 tỷ dân; số lượng thuê bao di động toàn cầu là 5,19 tỷ thuê bao (chiếm tỷ lệ 67% tổng dân số thế giới); số lượng người dùng Internet là 4,54 tỷ thuê bao (chiếm tỷ lệ 59% tổng dân số thế giới); số lượng người dùng mạng xã hội là 3,8 tỷ người (chiếm tỷ lệ 49% tổng dân số thế giới).
Hiện nay, khái niệm tin giả chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, tuy nhiên, các hành vi cấu thành đăng tin giả như: Thông tin sai sự thật, giả mạo, gây hiểu nhầm... đều đã được quy định cụ thể tại Luật An ninh; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013; 4 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP và Nghị định số 15/2020/NĐ-CP đã có điều khoản để xử lý hành vi này.
Tin giả xuất hiện tràn lan từ năm 2017, cụm từ tin giả đã thống trị hầu hết các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, người ta chỉ tập trung vào những tác động của tin giả đối với chính trị, kết quả bỏ phiếu bầu cử mà không tính đến tác động của tin giả mạo đối với nền kinh tế. Theo các học giả nghiên cứu về vấn đề này cho hay, tin giả không chỉ tác động đến chính trị mà còn tác động lớn đến kinh tế, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng đối với các sản phẩm và công ty.
Tin giả tác động đến kinh tế, với bằng chứng về việc nó tác động đến thị trường chứng khoán có từ những năm 1800. Năm 1803, Anh đang tìm cách tuyên chiến với Pháp, nhưng Thị trưởng thành phố Luân Đôn đã nhận được một Tác động Kinh tế An ninh quốc gia Suy giảm niềm tin Sức khỏe cộng đồng 18 lá thư được cho là của đô đốc Lord Hawksbury tuyên bố rằng tranh chấp đã được giải quyết. Bức thư này đã được đưa lên sàn giao dịch chứng khoán và sau đó dẫn đến việc cổ phiếu tăng 5%. Tuy nhiên, tính hợp lệ của bức thư đã bị nghi ngờ và sau đó bị phát hiện là giả mạo, buộc Bộ Tài chính phải đưa ra tuyên bố với báo chí. Vào thời điểm, rất nhiều doanh nghiệp đã kiếm được lợi nhuận lớn từ cổ phiếu, trong khi đó cũng có doanh nghiệp mất cổ phiếu hoặc cổ phiếu bị đổi chủ dẫn đến phá sản doanh nghiệp.
Trong những năm gần đây, mạng xã hội đã thực sự bùng nổ tại Việt Nam, bên cạnh những mặt tích cực của mạng xã hội mà chúng ta không thể phủ nhận, các trang mạng xã hội xuyên biên giới cũng nảy sinh rất nhiều vấn đề thách thức, tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế và xã hội, trong đó, tin giả đang được xem là vấn nạn toàn cầu trong kỷ nguyên số. Tăng cường kiểm soát thông tin trên không gian mạng là trách nhiệm của Chính phủ nhiều nước trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh mạng quốc gia, việc nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng cho mọi tầng lớp trong xã hội là việc làm hết sức cần thiết. Trong khuôn khổ của đề tài, nhóm nghiên cứu đã tập trung và hoàn thiện nghiên cứu các vấn đề đặt ra theo đề cương nhiệm vụ: (i) Nghiên cứu tổng quan về tin giả; (ii) Nghiên cứu, đánh giá thực trạng tin giả trên mạng xã hội tại Việt Nam; (iii) Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xử lý tin giả trên mạng xã hội của một số nước trên thế giới; (iv) Đề xuất giải pháp xử lý tin giả trên mạng xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế chứng minh không có một giải pháp nào khả thi nếu đứng riêng lẻ. Vì vậy, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp đồng bộ và đặc biệt áp dụng linh hoạt tùy vào tình hình thực tế để phát huy hiệu quả cao nhất, vừa đảm bảo ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực, vừa phát huy mặt tích cực của mạng xã hội trong kỷ nguyên số.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19445/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)