Nghiên cứu và xây dựng bộ rập thành phẩm ứng dụng kỹ thuật xây dựng rập Zero Waste cho sản phẩm thời trang áo nữ
Cập nhật vào: Thứ tư - 01/09/2021 11:13 Cỡ chữ
Ngành dệt may nói chung và Việt Nam nói riêng đang dần hướng tới xây dựng và phát triển thời trang bền vững vì ngành công nghiệp thời trang với nhiều loại chất thải công nghiệp đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của con người. Một trong những phương pháp để giảm thiểu được chất thải dệt may là cập nhật những kỹ thuật mới nhằm hạn chế tối đa lượng vải thừa trong quá trình sản xuất công nghiệp.
Vì thế, nhóm nghiên cứu tại Công Ty Cổ Phần Viện Mẫu Thời Trang Việt Nam do Đoàn Thị Thanh Thúy dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu và xây dựng bộ rập thành phẩm ứng dụng kỹ thuật xây dựng rập Zero Waste cho sản phẩm thời trang áo nữ” từ năm 2018 đến 2019.
Đề tài nhằm mục tiêu đưa ra quy trình Nghiên cứu và xây dựng bộ rập mẫu ứng dụng kỹ thuật xây dựng rập Zero Waste cho 5 sản phẩm thời trang áo nữ.
Nội dung: Đề tài tập trung nghiên cứu chế tạo bộ rập ứng dụng kỹ thuật xây dựng rập Zero Waste cho sản phẩm thời trang áo nữ. Kết quả và kết luận: Nhóm nghiên cứu đã thực hiện được 5 áo nữ thời trang trên 5 bộ rập chuẩn dựa trên phương pháp thiết kế rập ứng dụng kỹ thuật xây dựng rập Zero Waste
Qua các thử nghiệm và ứng dụng thực tế, Viện Mẫu Thời Trang đã đưa ra quy trình và cách thức thực hiện bộ rập ứng dụng kỹ thuật thiết kế rập Zero Waste. Kết quả đã tạo ra 5 áo nữ thời trang trên 5 bộ rập chuẩn. Những mẫu áo được thực hiện trong báo cáo là những sản phẩm mang tính ứng dụng và có thể triển khai trong sản xuất công nghiệp nhỏ.
Những điểm rút kinh nghiệm khi xây dựng bộ rập thành phẩm Zero Waste, đó là phải xác định khổ vải trước khi thiết kế rập Zero Waste; lựa chọn vải có độ chênh lệch co giãn không đáng kể giữa sợi ngang và sợi dọc; bộ rập thành phẩm sẽ là sơ đồ rập của thiết kế.
Đề tài là cơ sở khoa học cho việc định hướng khai thác và sử dụng kỹ thuật thiết kế không lãng phí trong sản phẩm thời trang nữ một cách khoa học và đạt được hiệu quả cao. Ngoài ra, ứng dụng kỹ thuật thiết kế không gây lãng phí, góp phần giảm thiểu được lượng rác thải dệt may ra môi trường, hạn chế lãng phí tài nguyên, con người và chi phí xử lý rác thải trong ngành công nghiệp dệt may thời trang Việt Nam.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16257/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)