Nghiên cứu vấn đề Interworking giữa mạng 4G với mạng 5G
Cập nhật vào: Thứ sáu - 29/12/2023 03:53
Cỡ chữ
Hiện nay, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đã và đang tiến hành các thử nghiệm 5G trên quy mô nhỏ. Tuy nhiên, chưa đạt được sự hài hòa, thống nhất về các yêu cầu cho các hệ thống thử nghiệm. Theo chương trình làm việc hướng tới Hội nghị vô tuyến thế giới WRC-19, Bộ phận Thông tin Vô tuyến thuộc Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU-R) sẽ xem xét quyết định các yêu cầu cho 5G. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần sớm thúc đẩy các nghiên cứu về thông tin di động 5G. Trên cơ sở quy hoạch đã có cho thông tin di động và phân chia hiện tại của Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và trong bối cảnh các nghiên cứu quốc tế đang có những xu hướng khác nhau, Việt Nam cần đưa ra những quan điểm về việc lựa chọn cho 5G bảo đảm lợi ích kinh tế - xã hội, tạo điều kiện phát triển thị trường viễn thông trong nước ở mức độ hài hòa tốt nhất với khu vực và thế giới.
Hiện nay, các cơ quan tổ chức quản lý và hoạt động trong lĩnh vực thông tin di động như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục vô tuyến điện, Cục viễn thông, Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, Tổng công ty viễn thông Mobifone… đã bước đầu nghiên cứu về công nghệ 5G, về công nghệ và băng tần cho 5G. Xuất phát từ thực tiễn đó, năm 2020, ThS. Nguyễn Việt Dũng đã phối hợp với các cộng sự tại Viện khoa học kỹ thuật bưu điện thực hiện đề tài: “Nghiên cứu vấn đề Interworking giữa mạng 4G với mạng 5G”.
Mục tiêu chính của đề tài là phục vụ quá trình nghiên cứu công nghệ 5G, từng bước làm chủ công nghệ mới, tiên tiến trên thế giới; tạo nền tảng phát triển vững chắc cho lĩnh vực/ngành viễn thông di động của quốc gia; làm cơ sở, tạo động lực cho quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng công nghệ di động mới tại nhà trường và các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông trong cả nước.
Qua quá trình nghiên cứu đề tài đã đạt được các kết quả chính, bao gồm:
- Nghiên cứu kiến trúc chung mạng thông tin di động 5G (IMT-2020).
- Hiện trạng triển khai mạng thông tin di động 4G và 5G tại Việt Nam.
- Nghiên cứu các vấn đề interworking giữa mạng 5G với mạng 4G.
- Đề xuất các yêu cầu, giải pháp của việc đảm bảo QoS khi interworking giữa mạng 4G và 5G trong triển khai mạng 5G tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, đề tài cũng đã cập nhật các nghiên cứu tình hình phát triển, xây dựng kiến trúc chung của mạng thông tin di động thế hệ thứ 5. Phân tích những yêu cầu trong xây dựng, đề xuất kiến trúc mạng thế hệ mới 5G để đáp ứng yêu cầu đặt ra của ITU cho 5G theo ba hướng: tăng cường kết nối di động băng thông rộng, truyền thông kết nối hàng loạt và truyền thông độ trễ cực thấp, độ tin cậy cực cao. Đặc biệt, đề tài đã đưa ra các giải pháp cũng như yêu cầu cho việc Interworking giữa mạng 4G hiện có và 5G nhằm cung cấp một dịch vụ 5G thực sự, liền mạch cho người dùng.
Dựa vào nghiên cứu được trình bày, nhóm thực hiện đề xuất các khuyến nghị phát triển tiếp theo của đề tài, bao gồm:
− Nghiên cứu sâu các ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ khi thực hiện quá trình chuyển giao giữa mạng 4G-5G.
− Đánh giá hành vi của người dùng và việc kiểm soát vị trí thuê bao khi thực hiện việc nhận thực/nhận dạng trên các hệ thống mạng. Sau khi phát triển mạng 5G thì mạng lưới di động của Việt Nam sẽ trở nên rất phức tạp với sự hội tụ của cả 2G, 3G, 4G và 5G; một thuê bao tại một thời điểm chỉ có thể được phục vụ bởi một trong các mạng này nên việc nhận thực, câp nhật vị trí của thuê bao này khi chuyển giữa các mạng trở lên cần thiết trong việc đảm bảo việc tìm gọi (Paging) thành công và đảm bảo tính liên tục khi liên lạc.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19322/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)