Nghiên cứu xác định nguyên nhân, cơ chế và đề xuất các giải pháp khả thi về kỹ thuật, hiệu quả về kinh tế nhằm hạn chế xói lở, bồi lắng cho hệ thống sông Đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật vào: Thứ năm - 26/10/2023 00:08 Cỡ chữ
Bồi lắng, xói lở bờ sông/kênh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không phải là vấn đề mới, nhưng mức độ nghiêm trọng và phổ biến ngày càng gia tăng do các tác động từ thượng nguồn, và các hoạt động phát triển của con người, làm cho công tác phòng chống xói lở ngày càng phức tạp. Các công trình chống sạt lở ở vùng ĐBSCL nhìn chung rất đa dạng, tuy nhiên đo tính địa phương cao, nên khó có một hình thức chung áp dụng cho toàn bộ đồng bằng được. Con người có thể “sống chung với lũ”, nhưng không thể “sống chung với xói lở” do nó ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của con người. Vì vậy, việc tìm kiếm hình thức bảo vệ bờ với chi phí thấp, xã hội hóa cao trong điều kiện môi trường sinh thái của từng vùng là hướng đi đúng đắn và dài hạn, phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay.
Để hướng tới phát triển bền vững và an toàn cho dân sinh vùng đất ven sông, có rất nhiều các nghiên cứu về ĐBSCL đã tìm cách lý giải các nguyên nhân, cơ chế xói lở, bồi lắng của hệ thống sông, từ đó đề xuất các giải pháp phòng chống tập trung chủ yếu trên dòng chính. Trong khi đó, ĐBSCL với hệ thống sông/kênh nội đồng thuộc loại cao nhất nước (1,253 km/km2) hiện nay cũng đang đối mặt với tình trạng bồi lắng xói lở ngày càng gia tăng. Hơn nữa, do tính địa phương và biến động mạnh theo không gian và thời gian của hiện tượng bồi lắng xói lở, nên việc xác định yếu tố chính và mức độ tác động của mỗi yếu tố đến bồi lắng và xói lở cho từng vùng cụ thể cũng cần được đặt ra và phân tích kỹ lưỡng. Đối với ĐBSCL, trong khoảng thời gian hơn 20 năm qua, rất nhiều công trình trọng điểm đã được xây dựng phục vụ công tác chỉnh trị sông, bảo vệ bờ, hạn chế xói, bồi tại hệ thống sông. Có thể nhận thấy rằng các công trình bảo vệ bờ đã được xây dựng tại các tỉnh vùng ĐBSCL đạt hiệu quả tốt, góp phần giải quyết vấn đề sạt lở, xói lở bờ sông. Tuy nhiên, vẫn còn một số công trình chưa phát huy được hết hiệu quả, thậm chí bị hư hỏng hoàn toàn.
Trước yêu cầu cấp bách của thực tiễn và để phát triển bền vững vùng ĐBSCL, PGS. TS. Nguyễn Thị Bảy cùng các cộng sự Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xác định nguyên nhân, cơ chế và đề xuất các giải pháp khả thi về kỹ thuật, hiệu quả về kinh tế nhằm hạn chế xói lở, bồi lắng cho hệ thống sông Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm xác định được thực trạng, nguyên nhân, cơ chế và xu thế diễn biến tại một số khu vực xói lở, bồi lắng điển hình, đặc thù trên hệ thống sông ở ĐBSCL và đề xuất được giải pháp khả thi, tiên tiến phù hợp cho các khu vực xói lở, bồi lắng nghiêm trọng, đặc thù điển hình cho hệ thống sông ở ĐBSCL.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, Đề tài đã hoàn thành các nội dung chính sau đây:
1. Qua các số liệu điều tra thu thập, đề tài đã xây dựng được bản đồ hiện trạng sạt lở trên toàn hệ thống sông ĐBSCL năm 2017, và cập nhật mới đến cuối năm 2019, với hơn 665 vị trí sạt lở, tổng chiều dài sạt lở vượt lên hơn 1048m. Đợt sạt lở nghiêm trọng mới nhất xảy ra trên sông Hậu ngay sát QL 91 ngày 1 và 20/8/2019 làm hư hại hết phần đường. Từ những kết quả thu thập được, đề tài đã phân tích được 7 nhóm nguyên nhân, cơ chế ảnh hưởng đến xói bồi các sông ĐBSCL. Các nguyên nhân chủ yếu được xác định bao gồm các yếu tố địa chất, hình thái sông, dòng chảy, gia tải lên mép bờ, khai thác cát, sóng tàu và sự suy giảm bùn cát đổ về thương nguồn. Trong đó đặc điểm địa chất luôn hiện diện trong các nguyên nhân gây sạt lở của vùng. Đề tài đã phân tích được hai thời kỳ gây ra bồi lắng xói lở trên ĐBSCL: thời kỳ trước năm 2010: sạt lở ít và sau năm 2010: sạt lở nhiều, liên quan đến những nhân tố khác: sụt giảm bùn cát từ thượng lưu, khai thác cát, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông thủy…
2. Qua ứng dụng công nghệ viễn thám GIS, đề tài đã xây dựng được bản đồ và đánh giá diễn biến đường bờ ĐBSCL trong 2 giai đoạn 2000-2010, 2010-2018, cùng với tốc độ, diện tích bồi lắng, sạt lở. Kết quả nghiên cứu cho thấy thời kỳ sau 2010 (2010-2018) tình hình bồi lắng và sạt lở ở ĐBSCL diễn biến khá phức tạp, các vị trí xói lở ghi nhận được nhiều hơn, với tốc độ và diện tích xói tăng hơn. Trong khi đó thì quá trình bồi lắng được ghi nhận là ngược lại. Quá trình bồi lắng và xói lở đan xem với nhau qua từng thời kỳ. Nhìn chung, cho đến giai đoạn hiện nay đường bờ của các sông dọc ĐBSCL đang có xu hướng xói lở chiếm ưu thế (An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long), và quá trình bồi chỉ xảy ra ở những khu vực là bờ lồi của những đoạn cong, hoặc ở đuôi cù lao, những cồn ngầm bên cạnh những cù lao lớn. Đa phần thì quá trình bồi lắng xảy ra ở những tỉnh hạ lưu (Bến Tre, Sóc Trăng Trà Vinh).
3. Ứng dụng mô hình toán tính toán phân tích chế độ dòng chảy và diễn biến bồi xói trên hệ thống sông kênh chính ĐBSCL. Mô phỏng diễn biến lòng dẫn theo 2 thời kỳ được chọn cho 2 năm điển hình 2008 và 2017. Kết quả cũng cho thấy những đoạn sông có diễn biến lòng dẫn với xu thế xói chiếm ưu thế trong năm 2017. Trong khi đó vào 2008, thì qua trình bồi xói đan xen. Bên cạnh đó, quá trình bồi lắng và xói lở còn được đánh giá theo các kịch bản: hiện trạng khai thác cát năm 2017 với các mỏ cát được bố trí chủ yếu trên sông Tiền từ Tân Châu đến Mỹ Thuận. Kết quả cho thấy yếu tố khai thác cát chỉ ảnh hưởng bồi, xói cục bộ quanh khu vực khai thác. Sự hiện diện của yếu tố này làm tăng mức độ xói lở trong các vùng xói, trong khi đó các hố khai thác cát ở vùng bồi thì chưa phục hồi lại được như cũ (trong một năm tính toán). Trên nền địa chất có sẵn, mô hình đã tính toán, so sánh và nhận ra được có sự đồng bộ về xu thế xói lở dọc theo sông Tiền, sông Hậu: tỉ lệ xói giảm dần, tỉ lệ bồi tăng dần. Sự giảm hụt phù sa và chế độ thủy lực, hình thái sông ảnh hưởng rất lớn đến sự xói lòng dẫn trong vùng thượng lưu (ảnh hưởng của lũ), mà không ảnh hưởng nhiều đến vùng hạ lưu (ảnh hưởng của triều); trong khi đó các yếu tố này ảnh hưởng mạnh đến mức độ bồi của vùng hạ lưu.
4. Một kết quả được ghi nhận là mới trong đề tài là phân tích, đánh giá rủi ro xói lở bờ và thành lập được bản đồ tiềm năng, rủi ro xói lở bờ đối với hệ thống sông chính của ĐBSCL theo hướng tiếp cận rủi ro và phát triển bền vững.
5. Đề tài cũng đã đề xuất các giải pháp hạn chế bồi lắng, xói lở phù hợp cho từng vùng cụ thể. Các giải pháp công trình, ngoài những vị trí sạt lở trầm trọng (có hố sâu, đoạn sông cong,..) cần có giải pháp bảo vệ bờ bằng kè rọ đá, lấp hố sâu, bê tông cốt thép, thì đặc biệt là các công trình mềm, xanh, thân thiện môi trường được đặc biệt quan tâm trong đề tài này.Trong tình hình kinh tế ĐBSCL phát triển như hiện nay, nhu cầu giao thông thủy ngày càng và tăng cao, thì mục đích xã hội hóa, toàn dân có thể đồng hành cùng nhà nước bảo vệ bờ sông nơi mình cư trú là mục tiêu của mà nhóm đề tài muốn đề cập tới trong nghiên cứu các giải pháp bảo vệ bờ: Xã hội hóa, giá thành thấp, thân thiện môi trường,…
Nhóm đã nghiên cứu được hai giải pháp đáp ứng được tiêu chí này là: (i) giải pháp sử dụng lốp xe ô tô cũ, túi vải địa kỹ thuật bảo vệ bờ ứng dụng thi công trên một vị trí sạt lở bờ kênh Long Xuyên-Rạch Giá thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang, (ii) Giải pháp tạo chặn phên tre, tạo bãi trồng cây mắm để gây bồi, ứng dụng thi công tại một vị trí trên bờ kênh Lương Thế Trân, thuộc xã Lý Văn Lâm, Tp. Cà Mau.
Trước tình hình diễn biến sạt lở bờ sông ĐBSCL ngày càng gia tăng phức tạp, trong đó có nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng, giải pháp công trình nếu được thực hiện sẽ đem lại hiệu quả nhanh chóng. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn của đất nước về nguồn vốn phòng chống sạt lở, trước mắt cần tăng cường rà soát, quản lý bằng công cụ pháp lý đối với các yếu tố nhân sinh tác động đến sạt lở như khai thác cát, xây dựng công trình ven sông; tuyên truyền giáo dục cộng đồng về sạt lở bờ sông; tăng cường kiểm tra các khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở; tăng cường kiểm tra, thanh tra, cấm triệt để việc xây dựng các công trình dân dụng trong phạm vi hành lang an toàn đường thủy; quản lý chặt giao thông thuỷ. Đồng thời, nên có những đợt điều tra đo đạc thường xuyên (hàng năm) các khu vực có lòng dẫn diễn biến phức tạp, nhằm đánh giá diễn biến xói lở, từ đó kịp thời đưa ra các giải pháp thích ứng.
Hai mô hình thí điểm mà đề tài đã thực hiện và chuyển giao cho địa phương, bước đầu cho thấy được hiệu quả của nó, do đó nhóm đề tài kiến nghị cho phép triển khai rộng rãi ở những vùng kênh rạch khác phù hợp.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19002/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)