Nghiên cứu xác định nguyên nhân sạt lở bờ sông và đề xuất công nghệ cảnh báo, dự báo mức độ sạt lở bờ sông tại một số khu vực sạt lở trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật vào: Thứ ba - 10/09/2024 00:10 Cỡ chữ
Sông Mê Công là một trong 10 con sông lớn nhất thế giới, có chiều dài khoảng 4.800km chảy qua địa phận 6 quốc gia, diện tích lưu vực khoảng 795.000 km2, tổng lượng dòng chảy năm khoảng 475 tỷ m3, lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 15.000 m3/s. Ngoài ra, lưu vực sông Mê Công còn xếp thứ 2 về da dạng sinh học, sau lưu vực sông Amazon ở Nam Mỹ. Lưu vực sông Mê Công trong lãnh thổ nước ta khoảng 65.000 km2 chiếm 8% diện tích lưu vực và 20% diện tích cả nước.
Qua nghiên cứu và tổng quan các nghiên cứu trước đây về sạt lở trong và ngoài nước cho thấy: Ở ĐBSCL hiện có 406 đoạn sạt lở, với tổng chiều dài 891km, trong đó có những đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm như vụ sạt lở đoạn bờ sông tại sông Vàm Nao (2017) với chiều dài 70m, làm sập 18 căn nhà, 91 căn nhà bị ảnh hưởng phải di dời, cắt đứt tuyến giao thông liên xã. Sạt lở bờ sông Tiền xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp chiều dài 600m, uy hiếp 108 hộ gia đình phải di dời khẩn cấp và 119 hộ khác bị ảnh hưởng. Đã có nhiều nghiên cứu và đánh giá về mức độ sạt lở cũng như đề xuất các giải pháp, các giải pháp phần nào đã cho thấy tính hiệu quả của nghiên cứu. Tuy nhiên, những nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở một vài điểm sạt lở nghiêm trọng tại thời điểm nghiên cứu từ những năm 2004, hơn nữa các điểm sạt lở ngày càng nhiều và diễn biến ngày càng mạnh mẽ và phức tạp. Vì vậy, cần có nghiên cứu đánh giá thực trạng, tìm cơ chế, nguyên nhân và xây dựng công nghệ dự báo cập nhật ở những điểm sạt lở mạnh mẽ thời gian gần đây.
Xuất phát từ thực tiễn trên, TS. Nguyễn Anh Đức cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học tài nguyên nước thực hiện đề tài “Nghiên cứu xác định nguyên nhân sạt lở bờ sông và đề xuất công nghệ cảnh báo, dự báo mức độ sạt lở bờ sông tại một số khu vực sạt lở trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long” với mục tiêu nghiên cứu xác định được nguyên nhân gây sạt lở bờ sông và đề xuất công nghệ cảnh báo, dự báo mức độ sạt lở bờ sông tại một số khu vực sạt lở 3 trọng điểm ở Đồng Bằng sông Cửu Long.
Bồi lắng, xói lở là một quá trình tự nhiên và xảy ra một cách liên tục ở hầu hết tất cả các con sông trên lục địa. Tuy nhiên, quá trình này, đặc biệt là sạt lở bờ sông, trở nên đáng quan tâm là khi nó gây ra thiệt hại về đất đai, tài nguyên, tài sản của con người. Xói lở là một quá trình tương tác đất nước xảy ra thường xuyên nên trong suốt thời gian qua rất nhiều nhà khoa học trên thế giới đã tập trung nghiên cứu hiện tượng bồi lắng, sạt lở của các dòng sông, đặc biệt là các con sông lớn. Các phương pháp được sử dụng hiện nay như là: Nghiên cứu xói lở cục bộ từ các hoạt động nhân sinh tác động đến diễn biến lòng sông bằng việc phân tích cân bằng bùn cát kết hợp tính toán động lực dòng sông; Phân tích diễn biến lòng dẫn theo tài liệu thực đo, theo công thức kinh nghiệm, theo mô hình vật lý hay theo mô hình toán; Ứng dụng mô phỏng bằng Mô hình số tính toán, mô phỏng và dự báo các quá trình động lực học sông ngòi từ 1 chiều đến 2 và 3 chiều;
Ở Việt Nam, với hệ thống sông ngòi dày đặc và diễn biến phức tạp thì vấn đề nghiên cứu bồi/xói, sạt lở bờ sông cũng không phải ngoại lệ. Đặc biệt tại hệ thống sông Tiền, sông Hậu thuộc ĐBSCL luôn luôn xảy ra hiện tượng sạt lở, bồi tụ lòng dẫn đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, xã hội và phát triển kinh tế các tỉnh khu vực phía Nam nước ta. Từ nhiều thập kỷ qua, đã có nhiều nghiên cứu về mức độ và diễn biến xói lở, bồi tụ bờ sông và đề xuất các giải pháp chỉnh trị lòng sông để hạn chế tối đa thiệt hại về người và của ở khu vực này. Những kết quả của các nghiên cứu này đã cho thấy được tính hữu ích trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do diễn biến lòng sông gây ra cho vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, hiện nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công tác dự báo khí tượng thủy văn ở các tỉnh, cộng với sụ phát triển mạnh mẽ của công nghệ giúp cho việc tính toán, mô phỏng, giải thuật được dễ dàng, đồng thời cũng như trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác quan trắc hiện trường và phân tích dữ liệu được chính xác và kịp thời sẽ là cơ sở cho việc nghiên cứu đề xuất công nghệ dự báo, cảnh báo nguy cơ sạt lở cho những khu vực nhất định.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20182/2022) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)