Nghiên cứu xây dựng chương trình và tài liệu bồi dưỡng về quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo dành cho lãnh đạo cấp phòng
Cập nhật vào: Thứ tư - 01/03/2023 11:04 Cỡ chữ
Trong phạm vi quốc gia, tính đến 2018, cả nước có 1.900 tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập và 2184 tổ chức KH&CN ngoài công lập. Tổng số nhân lực nghiên cứu thuộc khu vực công lập 147.694 người (trong tổng số nhân lực nghiên cứu của cả nước là 172.684 người). Các tổ chức KH&CN đã cung cấp luận cứ khoa học cho công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước; đóng góp mãnh mẽ vào tăng trưởng nông nghiệp, công nghiệp và nhiều lĩnh vực kinh tế.
Từ yêu cầu của thực tế, từ chủ trương của chính phủ về phát triển các tổ chức KH&CN cả công lập và ngoài công lập cho thấy, để đáp ứng yêu cầu này đòi hỏi phải có một chương trình bài bản, cập nhật, bổ sung và cung cấp các kiến thức, kỹ năng chuyên sâu cho đối tượng là quản lý cấp phòng trong các tổ chức KH&CN. Hiện tại, ở một số đối tượng, đã có chương trình giảng dạy, tài liệu giảng dạy cho lãnh đạo cấp phòng. Tuy nhiên, đối với đối tượng là lãnh đạo cấp phòng trong các tổ chức KH&CN thì hiện nay chưa được biên soạn và ban hành. Các nội dung đào tạo chỉ được lồng ghép vào một số chuyên đề liên quan, các chuyên đề này được tổ chức riêng lẻ tại các địa phương khác nhau và cho nhiều đối tượng cán bộ khác nhau.
Các tổ chức KH&CN công lập luôn có vị trí, vai trò quan trọng trong sự phát triển KH&CN nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung của đất nước. Sự lớn mạnh của các tổ chức này là một trong những thước đo quan trọng của nền KH&CN quốc gia. Các tổ chức KH&CN đã cung cấp luận cứ khoa học cho công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước; đóng góp mãnh mẽ vào tăng trưởng nông nghiệp, công nghiệp và nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Do vậy đảm bảo sự phát triển của các tổ chức KH&CN góp phần xây dựng thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức KH&CN là định hướng đúng đắn đảm bảo sự phát triển của quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong thời đại của nền kinh tế tri thức, thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó không thể không kể đến yếu tố con người.
Nhu cầu xây dựng chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng của các tổ chức KH&CN là hết sức cần thiết và bức thiết. Tính bức thiết còn được cụ thể hóa bằng quy định tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã quy định về hình thức, nội dung, đối tượng áp dụng.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng quản lý KH&CN cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Vũ Trường Sơn thực hiện “Nghiên cứu xây dựng chương trình và tài liệu bồi dưỡng về quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo dành cho lãnh đạo cấp phòng của các tổ chức KH&CN tại Việt Nam” với mục tiêu: Xây dựng chương trình và tài liệu bồi dưỡng về quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cấp phòng các tổ chức KH&CN tại Việt Nam, thúc đẩy hoạt động KH&CN và ĐMST.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực KH&CN nói chung và nhân lực lãnh đạo cấp phòng trong các tổ chức KH&CN nói riêng đã được đề cập và trao đổi, phân tích tại nhiều cuộc hội thảo khoa học. Để có thể phát huy sức mạnh và vai trò của tổ chức KH&CN nói chung và các tổ chức KH&CN nói riêng trong giai đoạn hiện nay, không có cách nào khác là phải đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ quản lý trong đó có lãnh đạo cấp phòng. Đối với mỗi một cán bộ đang làm công tác quản lý, điều hành cấp phòng chuyên môn của các tổ chức KH&CN thì ngoài công tác quản lý hành chính thông thường, một trong các nhiệm vụ quan trọng là xác định, triển khai cũng như khai thác các kết quả nghiên cứu. Chính vì vậy, các nội dung chuyên đề giảng dạy dự kiến hướng đến việc cung cấp các kiến thức, phương pháp luận, các công cụ/kỹ năng để người học:
- Trước hết cần nhận dạng và các định được các nhiệm vụ nghiên cứu cũng như định hướng được hoạt động nghiên cứu của phòng chuyên môn đang quản lý. Để thực có thể làm tốt, trước hết người lãnh đạo, quản lý phòng chuyên môn cần đặt trong định hướng phát triển của tổ chức mình, của địa phương, của ngành, chính phủ nhưng cũng không thể tách rời khỏi xu thế phát triển của thế giới.
- Từ việc xác định được nhiệm vụ nghiên cứu thì tiếp đến cần tổ chức triển khai nhiệm vụ một cách có hiệu quả thông qua việc huy động các nguồn lực, khai thác thông tin... kết thúc nghiên cứu cũng như khai thác, chuyển giao kết quả nghiên cứu.
Thực hiện định hướng nghiên cứu, trong nội dung này, nhóm nghiên cứu tiến hành xây dựng khung chương trình, đề cương chi tiết và xây dựng các chuyên đề giảng dạy. Để thực hiện nội dung này, ngoài việc khai thác các kết quả của các đề tài nghiên cứu trước đây, nhóm nghiên cứu cũng thực hiện các khảo sát các lãnh đạo, quản lý cấp phòng tại các tổ chức KH&CN công lập hiện nay cũng như các chuyên gia, các giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy đối với đối tượng này để đánh giá được hiện, cũng như các định nhu cầu. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng tổ chức các buổi tọa đàm, các hội thảo khoa học để trao đổi, thảo luận và lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý và các nhà khoa học và khung chương trình, đề cương chi tiết và nội dung chuyên đề giảng dạy.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18166/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)