Nghiên cứu xây dựng giải pháp ảo hóa các thiết bị đặt tại cơ sở của khách hàng (vCPE) sử dụng công nghệ SDN/NFV cho các doanh nghiệp viễn thông
Cập nhật vào: Thứ tư - 26/05/2021 23:48 Cỡ chữ
Hiện nay xu hướng ảo hóa hạ tầng mạng với hai công nghệ nổi bật là NFV (Network Function Virtuallization) và SDN (Software Define Network) được rất nhiều các tổ chức, công ty chú ý, nghiên cứu và phát triển, nhằm cung cấp dịch vụ NaSS (Network as a Service) cho khách hàng. Giải pháp này giúp các đơn vị triển khai giảm tới 68% chi phí đầu tư ban đầu và 67% chi phí vận hành hàng năm, mang lại những thay đổi to lớn cho hạ tầng mạng. Động lực của sự phát triển ấy chính là nhu cầu của khách hàng ngày càng lớn, họ muốn có hạ tầng mạng có tốc độ cao, an toàn, dịch vụ triển khai nhanh chóng và giá thành dịch vụ thấp. Việc nghiên cứu vCPE là cần thiết trong xu hướng ảo hóa hiện nay trên toàn thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng và cụ thể là các nhà mạng tại Việt Nam. Đó là nền tảng để xây dựng một một hệ sinh thái SDN/NFV mà ở đó các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và nhà cung cấp nội dung số có thể dễ dàng hợp tác để mang lại các dịch vụ đa dạng cho khách hàng. Mô hình vCPE triển khai các ứng dụng trên đám mây mang đến cho các nhà đầu tư khả năng thu lợi ích chi phí tối đa cả về mặt đầu tư (Capex) và vận hành (Opex) bởi lẽ nó cho phép chia sẻ máy chủ giữa các khách hàng và vì vậy giảm thiểu chi phí trong mạng lưới. Nhưng đó không phải là điểm cốt lõi của SDN/NFV nói chung cũng như vCPE nói riêng trong trường hợp này. Giá trị thực sự của vCPE là việc cung cấp dịnh vụ nhanh chóng và đổi mới. Một khi các nhà mạng đầu tư vào vCPE, nó có thể nhanh chóng tạo ra và triển khai dịch vụ mới - tất cả đều không cần thay đổi phần cứng trong mạng lưới.
Nhằm có thể tạo ra giải pháp để ảo hóa thiết bị đầu cuối tại khách hàng (CPE) với các chức năng như: Firewall, Router, NAT, DHCP, Loadbancing… để giúp khách hàng không phải phải đầu tư mua thiết bị phần cứng độc quyền từ các hãng với chi phí lớn, khó mở rộng dịch vụ, vận hành phức tạp như hiện nay và hưởng được nhiều lợi ích hơn, nhóm nghiên cứu do TS. Mai Hồng Anh, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Bộ Thông tin và Truyền thông đứng đầu đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng giải pháp ảo hóa các thiết bị đặt tại cơ sở của khách hàng (vCPE) sử dụng công nghệ SDN/NFV cho các doanh nghiệp viễn thông”.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, Đề tài đã thu được kết quả như sau:
1. Đã trình bày tổng quan về công nghệ SDN/NFV, vCPE: Kiến trúc hệ thống cũng như ứng dụng của chúng trong hạ tầng mạng và nêu ra được các ưu nhược điểm của từng công nghệ, mối quan hệ giữa SDN và NFV từ đó liệt kê được các mô hình ảo hóa.
2. Đã khái quát tình hình triển khai SDN/NFV, vCPE trên thế giới cũng như tình hình triển khai tại Việt Nam.
3. Đã nghiên cứu các kịch bản triển khai vCPE, liệt kê các yêu cầu chung, các yêu cầu về sử dụng từ phía khách hàng và các yêu cầu quản trị từ nhà mạng; Trình bày về các công nghệ để xây dựng hệ thống vCPE; Thiết kế MaaS server và giải thích về việc lựa chọn các thành phần cho MaaS server; Phân tích hoạt động truyền nhận gói tin giữa Firewall và giữa Firewall với mạng bên ngoài; Mô phỏng một số tính năng của MaaS server và test các tính năng và đưa ra các khuyến nghị khi triển khai vCPE.
Hiện nay triển khai ảo hóa CPE là lĩnh vực còn khá mới trên thế giới, hiện tại ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào áp dụng ảo hóa vào CPE do vậy việc nghiên cứu thử nghiệm để có thể áp dụng triển khai vào thực tế là hướng phát triển tiếp theo của đề tài, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về các mô hình triển khai vCPE, lộ 169 trình cần thực hiện để doanh nghiệp có hướng chuyển đổi linh hoạt vừa tiết kiệm chi phí vừa không ảnh hưởng đến dịch vụ đang cung cấp. Nhóm thực hiện đề tài rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của Hội đồng Nghiệm thu các cấp, cũng như các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ thông tin để đề tài được hoàn thiện hơn nữa.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15537/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)