Nghiên cứu xây dựng hệ thống các giải pháp khoa học và công nghệ trong phát triển giao thông vận tải đường bộ thích ứng với tai biến thiên nhiên khu vực Tây Bắc
Cập nhật vào: Thứ năm - 25/02/2021 02:31 Cỡ chữ
Nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến cơ sở hạ tầng giao thông đã được nhiều quốc gia nghiên cứu như tại Hà Lan, Mỹ… Nhiệt độ tăng có thể làm hư hỏng cơ sở hạ tầng đường bộ khiến chi phí duy tu bảo dưỡng cho các tuyến đường tăng. Ví dụ như hiện tượng mặt đường chảy trong nhiệt độ cao, đòi hỏi những cải thiện về mặt kỹ thuật. Sự thay đổi về tần suất và lượng mưa có thể gây ra sự thay đổi tần suất của các trận lũ lụt gây ngừng trệ hoạt động giao thông vận tải. Nước biển dâng cũng như sự gia tăng các trận lũ lụt ở khu vực ven biển có thể làm hư hỏng các công trình đường bộ cũng như đường sắt. Ngoài ra các hiện tượng sạt lở cũng có thể tăng mạnh trong mùa mưa. Các quốc gia như Hà Lan đã khởi động chương trình nhằm phát triển chiến lược thích ứng quốc gia, các nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích và xem xét các biện pháp thích ứng phù hợp với Hà Lan…
Vì thế, những biện pháp thích ứng này bao gồm cả nhưng biện pháp kỹ thuật, cải thiện hệ thống kiểm soát và quản lý nguy cơ để thực sự ứng phó với tác động của BĐKH, có rất nhiều loại biện pháp có thể được áp dụng, từ các công cụ tài chính (thuế, trợ giá,…), các công cụ kiểm soát và điều tiết (Quy hoạch, yêu cầu kỹ thuật,…), và các công cụ thể chế (cải thiện cơ cấu chính sách, giáo dục và tuyến truyền,…). Do vậy, hệ thống các giải pháp khoa học và công nghệ trong phát triển giao thông vận tải đường bộ của các nước trên thế giới có thể được áp dụng cho phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam.
Biến đổi khí hậu và hệ quả của nó đã và đang là những mối quan tâm hàng đầu của của tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất đối với biến đổi khí hậu. Nếu mực nước biển tăng 1 mét ở VN sẽ mất 5% diện tích đất đai, 11% người mất nhà cửa, giảm 7% sản lượng nông nghiệp và 10% thu nhập quốc nội GDP. Biến đổi khí hậu đã và đang làm biến động về nhiệt độ, biến động về lượng mưa làm tăng nguy cơ xói mòn và sạt lở đất; tăng cường độ bão và tần suất bão tăng nguy cơ tổn thất về người, cơ sở hạ tầng và các hoạt động kinh tế xã hội; nước biển dâng có thể tăng ngập lụt vùng ven biển và ven sông. Biến đổi khí hậu làm cho các thiên tai trở nên nghiêm trọng hơn và có thể trở thành thảm họa, gây rủi ro lớn cho phát triển kinh tế - xã hội hoặc xóa đi những thành quả nhiều năm của sự phát triển. Do vậy, nghiên cứu xây dựng hệ thống các giải pháp khoa học và công nghệ trong phát triển giao thông vận tải đường bộ với thích ứng với biến đổi khí hậu là thực sự cần thiết, hướng tới xây dựng một hệ thống giao thông vận tải bền vững. Tuy nhiên, hiện nay các nghiên cứu mới chỉ tập trung ở quy mô lý thuyết và trên một số đoạn tuyến cụ thể và nhỏ lẻ. Do vậy, nghiên cứu xây dựng hệ thống các giải pháp hoa học và công nghệ trong phát triển hệ thống giao thông đường bộ thích ứng với BĐKH là cần thiết và chưa được nghiên cứu đặc biệt trong bối cảnh diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp như lượng mưa gia tăng, số ngày nắng nóng nhiều hơn, nhiệt độ thay đổi, xảy ra bất thường gây ra những ảnh hưởng đến các công trình giao thông vận tải.
Trong những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp như lượng mưa gia tăng, số ngày nắng nóng nhiều hơn, nhiệt độ thay đổi, xảy ra bất thường gây ra những ảnh hưởng đến các công trình giao thông vận tải trong Vùng Tây Bắc. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đường bộ trong vùng bị phá hủy bởi mưa lũ gây ra sạt lở, sụt trượt mái ta luy, sỏi lở cầu cống, ngập úng gây phá hủy kết cấu mặt đường… như QL 2C, 279, 32. Theo báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2014, triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2015 do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tổ chức, thiên tai năm 2014 đã làm 133 người chết và mất tích, 145 người bị thương, gần 2.000 nhà đổ, sập, hơn 42.000 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái, hơn 230.000 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại, hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở bồi lấp… ước tính thiệt hại khoảng 2.830 tỷ đồng. Hơn nữa, theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, miền núi Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất với 25,86%. Do vậy, “Nghiên cứu xây dựng hệ thống các giải pháp khoa học và công nghệ trong phát triển giao thông vận tải đường bộ thích ứng với tai biến thiên nhiên khu vực Tây Bắc” do cơ quan chủ trì Viện nghiên cứu phát triển giao thông, nông nghiệp và môi trường cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Cao Thị Thu Hương là thực sự cần thiết nhằm phòng, tránh và giảm thiệt hại những tác động do thiên tai đến cơ sở hạ tầng, xác định đúng nhu cầu đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông đường bộ trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đảm bảo giao thông thông suốt nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Khu vực Tây Bắc gồm 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái có 21 tuyến Quốc lộ và cao tốc gồm Cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Đường Hồ Chí Minh, QL4, QL4D, QL4E, QL4G, QL6, QL6B, QL6C, QL12, QL12B, QL21, QL32, QL32B, QL32C, QL37, QL43, QL70, QL 70B, QL279, QL279D với tổng chiều dài khoảng 2842,45km, trong đó mặt đường thảm bê tông nhựa chiếm 60,4%, mặt đường đá dăm nhựa chiếm 44%. Tổng số km đường tỉnh 2699,8km và khoảng 29.819,1km đường huyện.
Khu vực có tổng chiều dài Quốc lộ, đường tỉnh và đường huyện, xã chiếm khoảng 14,83% so với cả nước, về mật độ trung bình 0.7km/km2 thấp hơn mật độ trung bình của cả nước khoảng 5%.
Tây Bắc là vùng núi, cao nguyên hiểm trở có mức độ chia cắt mạnh nhất nước ta do đó hệ thống đường giao thông khu vực cũng mang theo những khó khăn đặc thù của dạng địa hình này, đường có nhiều cua, có độ dốc cao kéo dài.
Mạng đường giao thông là mạng đường xương cá, rễ cây: Do địa hình hiểm trở nên việc phát triển mạng lưới đường bộ kết nối khu vực trên địa bàn rất khó khắn, do đó mạng đường khu vực này có dạng như rễ cây hay xương cá lấy đường Quốc lộ và đường tỉnh làm đường trục chính của tỉnh, thành phố, huyện và cũng là đường kết nối chính trong vùng.
Mạng đường kết nối độc đạo: cũng do địa hình hiểm trở, rất khó khăn trong việc phát triển các tuyến đường kết nối ngoài đường tỉnh và đường Quốc lộ vì vậy dẫn mạng đường kết nối mang tính chất đường độc đạo tại một số huyện vùng cao vùng giáp biên giới như huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (QL 4H), huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (ĐT 127), huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La (QL 4G)…
Mạng đường kết nối phụ thuộc địa hình: do đường được xây dựng phụ thuộc rất nhiều vào địa hình khu vực vì vậy một số huyện trong khu vực có khoảng cách địa lý gần nhau nhưng quãng đường di chuyển kết nối dài gấp nhiều lần khoảng cách này.
Khu vực Tây Bắc, mùa mưa thường kéo dài từ tháng 4 - 10 và tập trung vào tháng 6 - 9 trong khoảng thời gian này thường xuất hiện mưa lớn, cộng với địa hình dốc của địa hình. Do đó trong mùa mưa khu vực thường xẩy ra sạt lở đường.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16290/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)