Nghiên cứu xây dựng phần mềm hiển thị thông tin công nghiệp, thương mại các tỉnh/thành phố trên bản đồ Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ năm - 05/08/2021 03:12 Cỡ chữ
Trực quan hóa dữ liệu là phương pháp giao tiếp trực quan giúp đọc, phân tích dữ liệu và thông tin với tốc độ và độ chính xác cao hơn. Trực quan hóa dữ liệu là quan trọng để tạo ra thông tin có ý nghĩa và quyền quyết định trong não. Dữ liệu là vô ích nếu nó không tạo ra bất kỳ ý nghĩa nào. Đó là lý do tại sao trực quan hóa dữ liệu giúp trình bày dữ liệu có ý nghĩa và hiệu quả cho người dùng của nó. Con người đang trực quan hóa dữ liệu trong hàng trăm năm. Từ bản đồ đến đồ thị, rồi đến biểu đồ, chúng ta đang thu thập và sắp xếp dữ liệu để dữ liệu đó kể một câu chuyện hay hơn và chuyên sâu hơn so với khi đứng một mình. Hiển thị thông tin trên bản đồ đã được nghiên cứu và đang được sử dụng khá phổ biến. Cùng với sự ra đời và phát triển các phần mềm, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm tham gia vào việc xây dựng bản đồ chuyên đề phục vụ cho các công tác chuyên môn khác nhau. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ của ngành bản đồ là tìm ra và hoàn thiện các phương pháp thể hiện trực quan dữ liệu không gian, tức là các phương pháp thể hiện nội dung bản đồ chuyên đề mới, bên cạnh các phương pháp “truyền thống, kinh điển”, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng này. Mặt khác, sự ra đời và phát triển của máy tính cũng chính là một cơ hội, tạo cho chúng ta nền tảng công nghệ để có thể đưa ra những cách thể hiện mới mà trước đây, do sự phức tạp trong tính toán, chúng ta khó thực hiện.
Để nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước, ngày 31/3/2009, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48/2009/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia kinh tế Công nghiệp và Thương mại”. Mục tiêu của dự án: xây dựng CSDL chuyên ngành thuộc lĩnh vực của Bộ Công Thương để phục vụ công tác quản lý nhà nước cho các cơ quan chức năng trong và ngoài Bộ Công Thương; Cung cấp thông tin kinh tế công nghiệp và thương mại cho các doanh nghiệp, các hiệp hội và các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước; Phục vụ cho các hoạt động hợp tác đầu tư và hội nhập quốc tế trong lĩnh 9 vực công nghiệp và thương mại của Chính phủ, Bộ Công Thương, các Bộ, Ngành có liên quan và cộng đồng doanh nghiệp… Dự án đã hoàn thành và đang trong giai đoạn duy trì, phát triển cập nhật dữ liệu số liệu định kỳ. Nhằm mục đích có thêm khả năng lựa chọn trong việc trực quan hóa nội dung bản đồ chuyên đề, chúng tôi đặt ra vấn đề tìm hiểu thêm phương pháp thể hiện này, nêu lên các đặc điểm chính và áp dụng để thể hiện với dữ liệu thống kê các tỉnh/thành phố của Việt Nam. Qua đó, chúng ta sẽ phân tích xem xét và đưa ra một số vấn đề cần quan tâm về việc sử dụng phương pháp này. Xuất phát từ những luận điểm trên, nhóm nghiên cứu Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại do KS. Nguyễn Văn Đại đứng đầu đã lựa chọn thực hiện đề tài: "Nghiên cứu xây dựng phần mềm hiển thị thông tin công nghiệp, thương mại các tỉnh/thành phố trên bản đồ Việt Nam".
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra các kết luận sau:
- Đã nghiên cứu được cơ sở lý luận, thực tiễn về hiển thị số liệu lên bản đồ và nguyên tắc tổ chức dữ liệu;
- Nghiên cứu thiết kế phần mềm, tích hợp lấy, quản lý, hiển thị dữ liệu theo các tiêu chí đầu vào sử dụng trên bản đồ Việt Nam;
- Xác định và tích hợp dữ liệu số liệu công nghiệp, thương mại các tỉnh/thành phố hiển thị trên bản đồ
- Xây dựng phần mềm hiển thị thông tin công nghiệp và thương mại trên bản đồ Việt Nam. Phần mềm của đề tài được kết nối dữ liệu số liệu hiện đang có trong CSDLQG để phục vụ quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Phát triển thành ứng dụng hiển thị thông tin công nghiệp, thương mại của các nước trên thế giới để có điều kiện so sánh với Việt Nam.
Như vậy, Đề tài đã cung cấp thêm một phương thức hiển thị thông tin trực quan bằng cách chuyển đổi dữ liệu sang những thông tin hữu ích mang lại những lợi ích lớn cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân. Trong phạm vi nghiên cứu đề tài đã xác định nguyên tắc dữ liệu hiển thị trên bản đồ, xây dựng phần mềm hiển thị được thông tin với 3 dạng (cột, tròn, mầu sắc), kết nối được 1 CSDL với 17 chỉ tiêu. Người dùng cần có máy tính, thiết bị di động thông minh kết nối Internet để khai thác thông tin từ phần mềm. Hiện vẫn còn nhiều cách hiển thị thông tin trên bản đồ và nhiều CSDL chứa thông tin công nghiệp và thương mại các tỉnh/thành phố chưa được kết nối để hiển thị. Nhưng với tính mở sản phẩm đề tài, nếu có điều kiện vẫn có thể tiếp tục phát triển và tạo ra thêm những ứng dụng hữu ích. Để sản phẩm của đề tài (phần mềm và các nguyên tắc) tiếp tục được ứng dụng vào thực tế, ban chủ nhiệm đề tài kiến nghị cho phép tiếp tục tích hợp phần mềm vào CSDLQG để hiển thị thông tin công nghiệp & thương mại các tỉnh/thành phố đang có và sẽ có. Người dùng khai thác thông tin trên CSDL quốc gia kinh tế công nghiệp và thương mại có thêm một công cụ giúp việc tiếp nhận thông tin một cách trực quan hơn, dễ nắm bắt hơn. Ngoài ra, cho phép các đơn vị thuộc Bộ Công Thương sử dụng sản phẩm của đề tài tích hợp vào phần mềm của các đơn vị để hiển thị thông tin trên bản đồ. Giao Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại tiếp tục vận hành phần mềm sản phẩm của đề tài. Cho phép ban chủ nhiệm đề tài sử dụng kết quả của đề tài để tiếp tục nghiên cứu, phát triển phần mềm ứng dụng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15786/2019) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
P.T.T (NASATI)