Nghiên cứu xây dựng phương pháp biên soạn chỉ số đánh giá trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ sáu - 29/12/2023 03:48
Cỡ chữ
Chỉ số phát triển kinh tế - xã hội (viết tắt là SEDI) là một chỉ số tổng hợp được tính toán trên cơ sở kết quả thực hiện các tiêu chí thành phần. SEDI được sử dụng để đánh giá, so sánh, xếp hạng trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương, các vùng trong một nền kinh tế, hoặc giữa các nền kinh tế với nhau.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 khóa XII của Đảng ta họp từ ngày 16 - 18/5/2019 đã đề ra mục tiêu phát triển đất nước là: Phấn đấu đến năm 2025 nước ta trở thành nước đang phát triển vượt qua bẫy thu nhập trung bình; đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội lần thứ XIII của Đảng họp từ ngày 25/01/2021 đến ngày 01/02/2021 tại Hà Nội tiếp tục khẳng định mục tiêu phát triển đất nước là: Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ cuối năm 2020, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó có nhiều tỉnh đề ra mục tiêu phát triển của tỉnh mình là sẽ trở thành tỉnh phát triển vào loại 2 trung bình/khá/nhóm đầu của vùng/cả nước, như: Hà Nam, Quảng Ngãi, Hà Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang, Lào Cai, Lai Châu, Nam Định, Bắc Cạn, Hòa Bình, Nghệ An… Mục tiêu phát triển nêu trên của cả nước và của từng tỉnh đặt ra cho ngành Thống kê nước ta nhiệm vụ phải chủ động thu thập, xử lý thông tin đáp ứng yêu cầu của Trung ương và của các tỉnh trong việc đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu đó. Từ thực tế trên, ThS.Đỗ Thị Ngọc Mai đã phối hợp với các cộng sự tại Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng phương pháp biên soạn chỉ số đánh giá trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” từ năm 2020 đến năm 2021.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu nghiên cứu, xây dựng phương pháp biên soạn Chỉ số đánh giá trình độ phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam (Ký hiệu là: chỉ số Sn ); và áp dụng phương pháp biên soạn Chỉ số đánh giá trình độ phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam do đề tài xây dựng để tiến hành thử nghiệm biên soạn cho phạm vi cả nước, 6 vùng và 6 tỉnh (Phú Thọ, Hà Nội, Quảng Bình, Lâm Đồng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ) vào các năm 2010, 2015 và sơ bộ năm 2019.
Sau một năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Đã hoàn thành nghiên cứu, xây dựng phương pháp biên soạn Chỉ số đánh giá trình độ phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam (Sn).
- Đã thu thập số liệu để thử nghiệm biên soạn chỉ số đánh giá trình độ phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, 6 vùng và 6 tỉnh, thành phố các năm 2010, 2015 và 2019.
- Phân tích, nhận xét kết quả thử nghiệm biên soạn chỉ số đánh giá trình độ phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, 6 vùng và 6 tỉnh, thành phố các năm 2010, 2015 và sơ bộ 2019.
- Dự báo Chỉ số phát triển kinh tế, xã hội của cả nước đến năm 2025 (S25), năm 2030 (S30) và năm 2045 (S45). Qua đó cho thấy mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao do Đại hội XIII của Đảng đề ra là khả thi.
Lần đầu tiên có đề tài nghiên cứu, thử nghiệm biên soạn Sn cho cả nước/tỉnh/vùng ở nước ta. Đề tài trực tiếp đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và các địa phương hàng năm, trung và dài hạn, từ đó giúp các cấp, các ngành kịp thời điều chỉnh các chính sách cho phù hợp nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19319/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)