Nghiên cứu xây dựng phương pháp đánh giá rủi ro lũ lụt vùng đồng bằng sông Cửu Long - Áp dụng thí điểm cho tỉnh An Giang
Cập nhật vào: Thứ hai - 18/01/2021 03:40 Cỡ chữ
Ở Việt Nam, từ ngàn xưa người dân đã phải đối mặt với lũ lụt và tai biến này diễn ra rộng khắp trên cả nước, trong đó, lũ lụt xuất hiện với tần suất lớn nhất, vẫn là khu vực miền Trung - nơi sông ngòi có độ dốc lớn, sự tập trung nước cao, thời gian lũ lên rất nhanh do thời gian chảy truyền ngắn cộng với việc điều hành không hợp lý các hồ thủy lợi, thủy điện nên hiện tượng lũ chồng lũ (cả tự nhiên lẫn nhân tạo) khá phổ biến và gây không ít khó khăn cho công tác quản lý phòng chống lũ lụt. Tình hình lũ lụt và thiệt hại trên một số lưu vực sông miền Trung như: lưu vực sông Lam (tổng thiệt hại do bão lũ trong 21 năm 1990 đến 2010 khoảng hơn 3300 tỷ đồng), Vu Gia - Thu Bồn (từ năm 1997 đến năm 2009 thiên tai trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã làm 765 người chết, 63 người mất tích và 2403 người bị thương, tổng giá trị thiệt hại về tài sản hơn 18000 tỷ đồng), Vệ - Trà Khúc (từ năm 1996 - 2010 thiên tai gây ra 601 người người chết, mất tích; 1017 người bị thương; nhà sập đổ cuốn trôi là 8501 nhà. Tổng giá trị thiệt hại về kinh tế khoảng 7545 tỷ đồng); Trận lũ năm 2011 vùng ĐBSCL có khoảng 27.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, trong đó 10.000 ha mất trắng. Diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả cũng bị ngập gần 12.000 ha, trong đó hơn 1.000 ha mất hết. Các bờ bao, đê các cấp bị tàn phá nặng, hơn 55.000 m tỉnh lộ, quốc lộ bị thiệt hại, 60.000 căn nhà bị sập đỗ, lũ cuốn trôi, tốc mái. Ước tính tổng thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó tỉnh An Giang có hơn 2.000 hộ dân đang có nguy cơ thiếu đói cần được hỗ trợ lương thực. Riêng tỉnh Đồng Tháp thiệt hại 760 tỷ đồng, trong đó 2.000 ha lúa, 938 ha hoa màu, hơn 1.000 ha vườn cây ăn trái, 500 ha ao đầm nuôi thủy sản bị thiệt haị. Không chỉ riêng các tỉnh đầu nguồn, các tỉnh lân cận như Long An, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang… cũng chịu ảnh hưởng lũ và triều cường. Những minh chứng trên cho thấy rằng tai biến lũ lụt ngày càng diễn ra hết sức phức tạp và có xu thế ngày càng gia tăng cả về số lượng cũng như mức độ khốc liệt.
Trong thời gian gần đây đã có sự phát triển quan trọng đó là chuyển mục tiêu quản lý thiên tai sang quản lý rủi ro lũ, trong đó rủi ro lũ là những thiệt hại do lũ lụt gây ra với một tần suất nhất định trong một khoảng thời gian xác định. Vì thế, việc đánh giá những thiệt hại, tổn thương lũ cần được nghiên cứu một cách cẩn trọng trong quản lý rủi ro lũ.
Trước xu thế các trận lũ ngày càng tăng và nước biển dâng do hiện tượng trái đất nóng lên trên phạm vi toàn cầu, hệ lụy của biến đổi khí hậu và sự thay đổi môi trường cũng được tính đến. Để có được những tham số này thì các nghiên cứu phải được tiếp cận theo hướng quản lý tổng hợp rủi ro lũ lụt trong vùng đồng bằng. Số lượng các tham số có liên quan tới tai biến lũ, kinh tế, xã hội và môi trường theo sự phân bố có trọng số. Bên cạnh đó, các đặc trưng tần suất, cường suất lũ, sự thay đổi của mực nước biển coi như tham số tính nhạy đối với đánh giá tương lai. Đối với ĐBSCL, đây là khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội của cả nước và trước những biểu hiện của BĐKH thì nơi đây được cho là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và mức độ rủi ro thiên tai vì thế cũng ở mức cao. Hơn nữa nơi đây có những đặc trưng riêng đặc biệt là về lũ lụt đòi hỏi phải có nghiên cứu và đánh giá chuyên sâu mức độ rủi ro tổng hợp nhằm định hướng và xây dựng chính sách quản lý lũ lụt.
Thực tế hiện nay chưa có những nghiên cứu sâu và chưa có nghiên cứu nào đánh giá rủi ro lũ lụt một cách chi tiết và chứa đựng đầy đủ theo đặc trưng lũ ở đây. Vì vậy, nghiên cứu xây dựng và đề xuất một bộ công cụ đánh giá mức độ rủi ro do lũ lụt cơ bản phù hợp với tính đặc thù cho mỗi vùng/lưu vực sông ở nước ta nhằm phục vụ quy hoạch phòng chống thiên tai sẽ góp phần hoàn thiện thêm hướng tiếp cận tổng hợp trong nghiên cứu quản lý lũ lụt, đồng thời lựa chọn khu vực ĐBSCL là có ý nghĩa. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng phương pháp đánh giá rủi ro lũ lụt vùng đồng bằng sông Cửu Long - Áp dụng thí điểm cho tỉnh An Giang” do Cơ quan chủ trì Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Cấn Thu Văn thực hiện nghiên cứu.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Quản lý lũ là một loạt các hoạt động nhằm giảm thiểu tác động có hại của lũ đến con người, môi trường và kinh tế trên một phạm vi không gian xác định. Có hai nhóm phương pháp chính để phòng tránh và giảm thiểu tác hại do lũ gây ra: các nhóm biện pháp công trình và nhóm biện pháp phi công trình.
Trong thời gian gần đây đã có sự phát triển quan trọng đó là chuyển mục tiêu quản lý thiên tai sang quản lý rủi ro lũ, trong đó rủi ro lũ là những thiệt hại do lũ lụt gây ra với một tần suất nhất định trong một khoảng thời gian xác định. Vì thế, việc đánh giá những thiệt hại, tổn thương lũ cần được nghiên cứu một cách cẩn trọng trong quản lý rủi ro lũ.
Khái niệm rủi ro lũ lụt được cho là mức độ nguy hiểm của tai biến lũ lụt hay rủi ro là các thiệt hại ngẫu nhiên của tai biến lũ lụt. Sự phát triển của việc phân tích tai biến lũ lụt đã được nghiên cứu song song với đánh giá thiệt hại lũ lụt. Trong vài thập kỷ qua, phân tích lũ lụt tập trung chủ yếu vào các đại lượng vật lý (lượng ngập, diện tích ngập, độ sâu ngập lụt, ...) và thiệt hại trực tiếp của các thành phần kinh tế do lũ lụt gây ra. Tuy nhiên, trong những năm gần đây phân tích rủi ro lũ lụt cũng đã đề cập đến rủi ro môi trường - xã hội theo hướng tiếp cận quản lý tổng hợp lũ.
Nghiên cứu này đã hướng đến quan điểm quản lý tổng hợp lũ lụt trên các khía cạnh cả về tự nhiên, kinh tế, xã hội và môi trường nhằm định hướng các giải pháp thích ứng phù hợp cho từng địa phương trong công tác phòng chống lũ lụt ở ĐBSCL.
Qua tổng quan thấy rằng phần lớn những nghiên cứu đánh giá rủi ro lũ lụt, hần lớn các tham số rủi ro đã được thẩm định riêng biệt và số lượng các tham số cũng được giới hạn. Trước xu thế các trận lũ ngày càng tăng và nước biển dâng do hiện tượng trái đất nóng lên trên phạm vi toàn cầu, hệ lụy của biến đổi khí hậu và sự thay đổi môi trường cũng được tính đến. Để có được những tham số này thì các nghiên cứu phải được tiếp cận theo hướng quản lý tổng hợp rủi ro lũ lụt trong vùng đồng bằng. Số lượng các tham số có liên quan tới tai biến lũ, kinh tế, xã hội và môi trường theo sự phân bố có trọng số. Bên cạnh đó, các đặc trưng tần suất, cường suất lũ, sự thay đổi của mực nước biển coi như tham số tính nhạy đối với đánh giá tương lai. Đối với ĐBSCL, đây là khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội của cả nước và trước những biểu hiện của BĐKH thì nơi đây được cho là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và mức độ rủi ro thiên tai vì thế cũng ở mức cao. Hơn nữa nơi đây có những đặc trưng riêng đặc biệt là về lũ lụt đòi hỏi phải có nghiên cứu và đánh giá chuyên sâu mức độ rủi ro tổng hợp nhằm định hướng và xây dựng chính sách quản lý lũ lụt.
Khác hẳn với các vùng phía Bắc và miền Trung, ở ĐBSCL tồn tại một khái niệm là “lũ đẹp” khi mực nước Hmax tại Tân Châu trong khoảng 400cm đến 420cm, vượt khỏi khoảng này ±30cm thì lập tức mức độ gây hại là nhiều hơn lợi ích mà nó mang lại. Nếu mực nước tại Tân Châu > 450cm là mực nước sẽ gây nguy hiểm về uy hiếp ngập sâu, an toàn dân cư và các thực thể kinh tế khác (trong 87 năm từ 1929-2015 chỉ có 15 năm như vậy tức trung bình cứ 5 năm lại có 1 năm Hmax > 450cm). Ngược lại nếu mực nước Hmax tại Tân Châu thấp hơn 370 cm trường hợp này ở đây gọi là “đói lũ” và mức độ thiệt hại cũng không thấp hơn so với lũ lớn có Hmax > 450cm, như: nguồn nước ô nhiễm trong mùa khô không được rửa trôi, chuột bọ sinh sôi nhiều, thiếu nước trong những năm tiếp theo… (trung bình cứ 10 năm lại có 3 năm như vậy).
Vùng ĐBSCL là khu vực phần lớn người dân sống ven sông và chịu sự tác động rất lớn về chế độ dòng chảy sông. Vì vậy các ngành kinh tế cũng thiên về hướng nông nghiệp, thủy sản, trồng trọt… nhìn chung đời sống người dân còn khó khăn và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15845/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)