Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ chế biến thức ăn dạng lỏng từ sắn, ngô, phụ phẩm còn tươi cho chăn nuôi lợn trang trại và nông hộ
Cập nhật vào: Thứ tư - 02/11/2022 00:41 Cỡ chữ
Việt Nam là nước có ngành nông nghiệp phát triển, nhưng lại nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ước tính hàng năm sản xuất 24 triệu tấn thức ăn chăn nuôi (tổng cục thống kê năm 2017), Tổng cung trong nước 6,7 triệu tấn chiếm 30% (ngô 5,1 triệu tấn, cám gạo 0,9 triệu tấn, sắn 0,5 triệu tấn), nhập khẩu tới 15,75 triệu tấn chiếm 65,6%. Sắn sản suất ra tới 10 triệu tấn, nhưng chỉ sử dụng 0,5 triệu tấn trong chăn nuôi, còn lại là chế biến tinh bột sắn bán đi Trung Quốc, với đơn giá khoảng 400 - 450 USD/tấn, lợi nhuận đem lại ước tính khoảng 10 -20% (thu về khoảng 222 triệu USD cho các nhà máy sản xuất tinh bột sắn). Với lợi ích đó chưa thể bù đắp được lợi ích từ việc nhập khẩu tới 10 tỷ USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hàng năm. Ngoài ra, sản xuất tinh bột sắn đã và đang là vấn nạn ô nhiễm môi trường, cần phải đầu tư một lượng lớn vốn, làm cạn kiện nguồn vốn cho các hoạt động đầu tư khác của các doanh nghiệp trong nước.
Sắn là nguyên liệu được đặt ra để tăng tỷ lệ sử dụng nội địa, giảm suất khẩu. Nếu sử dụng được nhiều sắn trong khẩu phần ăn của chăn nuôi, thì sẽ giảm được sử dụng ngô và lúa mỳ, giảm được nhập khẩu ngô và lúa mỳ, tiết kiệm được ngoại tệ. Tuy nhiên trồng sắn đang bị coi làm nghèo dinh dưỡng cho đất, xác đất. Nhưng những nhà nông học tại Thái Lan, Inđônêxia lại cho rằng, trồng sắn không canh tác (tức không bón phân) thì mới làm nghèo dinh dưỡng của đất, năng suất của sắn cao hơn ngô từ 2 đến 3 lần mỗi hecta, đạt từ 17 đến 30 tấn khô/hecta/năm. Nếu không bón phân, không bổ sung thêm cho đất trồng sắn các chất hữu cơ, các thành phần dinh dưỡng mà cây sắn đã lấy đi tạo ra năng suất của sắn, thì chắc chắn đất sẽ bị nghèo, xác đất. Tại Thái Lan, chính phủ đã coi cây sắn là chiến lược để tạo ra lượng lớn tinh bột, để phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, và tiến tới là sản xuất xăng sinh học. Chắc chắn tương lai, người trồng sắn ở nước ta sẽ thay đổi quan niệm về cây sắn.
Ở Việt Nam việc nghiên cứu xây dựng quy trình bảo quản nguyên liệu tươi trong thời gian dài (6 -12 tháng trở lên) là rất cấp thiết, bởi sắn thường chỉ thu hoạch một vụ, ngô 2 vụ nhưng thời gian bảo quản khô chỉ được thời gian ngắn là bị mốc, mọt, ngoài ra các phế phụ phẩm nơi thì quá nhiều không dùng hết ngay, nơi thì thiếu và theo thời vụ. Quy trình đó đòi hỏi sau thời gian bảo quản nguyên liệu tươi phải ngay khi còn chưa bị tạp nhiễm, phải giữ nguyên được gía trị sinh học của các nguyên liệu đó, đồng thời nâng cao được giá trị sinh học của nguyên liệu, giá thành bảo quản phải thấp hơn giá thành phơi sấy và bảo quản, đầu tư thiết bị bảo quản thấp. Lên men là giảm thiểu được nhược điểm của nguyên liệu tươi, đồng thời nâng cao được giá trị sinh học, bảo quản được thời gian dài, không bị tạp nhiễm vi khuẩn, tạp nhiễm nấm mốc. Nếu làm được việc này thì chắc chắn giá thành chăn nuôi sẽ giảm tối thiểu 20% trở lên, người chăn nuôi chủ động được nguồn nguyên liệu, giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm nhập khẩu các nguyên liệu từ nước ngoài. Dần dịch chuyển chăn nuôi tại các vùng đồng bằng lên các vùng miền núi có diện tích rộng hơn.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Thái Dương cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Th.S Lê Quang Thành thực hiện “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ chế biến thức ăn dạng lỏng từ sắn, ngô, phụ phẩm còn tươi cho chăn nuôi lợn trang trại và nông hộ” với mục tiêu: Nghiên cứu được quy trình công nghệ sử dụng được nguyên liệu tươi (ngô, sắn), phế phụ phẩm còn tươi, lợn loại để chế biến ngay trong trại chăn nuôi để nâng cao khả năng tiêu hóa, giảm được giá thành chăn nuôi từ 10-20%.
Xuất phát từ giá thành chăn nuôi cao, yêu cầu có nguyên liệu trong nước mà nguyên nhân chủ yếu là do giá thành nguyên liệu đầu vào cao. Giá thành nguyên liệu cao lại do nghành chăn nuôi phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, phải vận chuyển từ xa, qua nhiều khâu trung gian, dẫn đến nguyên liệu giá cao. Ngoài ra các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lại cách xa với các trang trại trồng trọt và chăn nuôi, dẫn đến chi phí vận chuyển và khâu trung gian làm cho tăng giá thành đầu vào trên 20%.
Nguồn nguyên liêu sắn tươi, ngô tươi và các phụ phẩm còn tươi sắn có giá thành hạ, chưa được sử dụng. Sản lượng ngô tươi 17 triệu tấn/năm (tương đương 5,13 triệu tấn khô), sản lượng sắn tươi 24 triệu tấn (10 triệu tấn khô), bã sắn hiện tại từ 20 -25 triệu tấn (4,5 đến 5 triệu tấn khô), ngoài ra còn nhiều phụ phẩm tươi chưa được tận dụng.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Đã chọn lọc được 02 chủng vi khuẩn lactic lên men sắn tươi, bã sắn tươi, tinh bột tươi (BS5a và BS8b). Tuy nhiên chủng BS5a được ưu tiên lựa chọn, đem chủng này kiểm tra hình thái khuẩn lạc, hình thái tế bào, định loại chủng loài cho kết quả chủng BS5a chính là chủng Bacillus spp. Đã chọn được 02 chủng lên men lactic trên ngô tươi (BS5a, NT4). Tuy nhiên chủng BS5a có nhiều ưu điểm hơn chủng NT4, nên chúng tôi lựa chọn chủng BS5a (Bacillus spp). Chủng BS5a có khả năng lên men trong môi trường MRS, trong 36 đến 48 giờ pH đạt 2,98-3,05, hàm lượng axit lactic sản sinh ra 39-40 g/l., mật độ đạt 7,85x10^7 CFU/ml. Có khả năng lên men trong môi trường rỉ mật 2%, có bổ sung khoáng, hạ pH xuống dưới 3,1 ngay sau 24 giờ lên men, đạt mật độ tế bào 10^7 CFU/g lúc 24 giờ, và giảm dần đến 36 giờ, chết hoàn toàn sau 48 giờ.
Sản xuất được trên 209 tấn thức ăn dạng lỏng, có tỷ lệ vật chất khô từ 20 - 22%, hàm lượng protein đạt 19,98% ở lợn con, 18,21% ở lợn hậu bị choai, 16,67% ở lợn nái mang thai, 17,64% ở lợn nái đẻ.
Đã xây dựng được 01 Quy trình chế biến sắn tươi, ngô tươi cho chăn nuôi hộ gia đình, Với các thông số: Tỷ lệ vật chất khô lên men nhỏ hơn 20%, thời gian lên men tối thiểu 24 giờ, yêu cầu thiết bị gồm: Máy nghiền (1-2 tấn/giờ), đóng bao nilon hoặc bể xi măng chứa hỗn dịch lên men. Sản phẩm lên men yêu cầu tỷ lệ VCK từ 18 đến 22%, pH đạt dưới 3,5.
Đã xây dựng được 1 Quy trình chế biến sắn tươi, ngô tươi cho chăn nuôi quy mô trại vừa và lớn, Với các thông số: Tỷ lệ vật chất khô lên men nhỏ hơn 20%, thời gian lên men tối thiểu 24 giờ, yêu cầu thiết bị gồm: Máy nghiền (3-5 tấn/giờ), vít tải liệu hoặc bơm trục vít, máy trộn hoặc bồn khuấy, chứa trong bao jumbo (1-3 tấn/bao) hoặc bồn chứa HDPE, bể chứa bê tông, bồn chứa bằng sắt hoặc inox. Sản phẩm lên men yêu cầu tỷ lệ VCK từ 18 đến 22%, pH đạt dưới 3,5.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17676/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)