Nghiên cứu, xây dựng quy trình công nghệ và sản xuất vải dệt kim từ sợi Acrylic siêu mịn (đường kính xơ Acrylic < 1 Dtex)
Cập nhật vào: Thứ sáu - 16/04/2021 05:35 Cỡ chữ
Vải dệt không chỉ đáp ứng yêu cầu may mặc thông thường của người tiêu dùng mà còn đáp ứng các yêu cầu liên quan đến sự thoải mái khi mặc. Các loại xơ truyền thống có nguồn gốc từ thực vật như xơ bông, lanh, đay, gai,... chỉ đáp ứng được phần nào đòi hỏi của người tiêu dùng, chính vì thế các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu phát minh và tổng hợp ra các loại xơ sợi tổng hợp. Xơ sợi tổng hợp tuy đã khắc phục được một số nhược điểm của xơ sợi tự nhiên nhưng vẫn có một số nhược điểm nhất định ví dụ như xơ sợi acrylic truyền thống khi sản xuất, thiết kế ra các trang phục quần áo sát da bị thô ráp tạo cảm giác khó chịu cho người mặc… Để khắc phục nhược điểm đó các nhà nghiên cứu đã cải tiến và hạn chế nhược điểm của xơ sợi truyền thống nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Trong số các nguyên liệu xơ sợi tổng hợp đó phải kể đến nguyên liệu Acrylic siêu mịn. Acrylic siêu mịn pha với các nguyên liệu khác như bông, viscose, len,... Khi Acrylic siêu mịn pha với viscose (kết hợp với đặc tính ưu việt của Acrylic siêu mịn) để sản xuất ra các sản phẩm dệt may có các đặc tính vượt trội.
Ở Việt Nam, việc ứng dụng nguyên liệu Acrylic siêu mịn trong ngành dệt còn rất mới, trong khi tiềm năng ứng dụng vật liệu mới trong ngành dệt là rất lớn, đặc biệt là trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, các yêu cầu về gia tăng giá trị chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và thời gian sản xuất, tăng sức cạnh tranh đang là các yêu cầu rất cấp thiết. Hầu hết các sản phẩm may mặc có sử dụng chất liệu Acrylic siêu mịn, Acrylic siêu mịn pha với một số xơ khác ở Việt Nam hiện nay đều là các sản phẩm được nhập khẩu chủ yếu từ Nhật và Hàn Quốc. Chính vì thế, việc nghiên cứu nguyên liệu Acrylic siêu mịn, Acrylic siêu mịn pha với một số xơ khác và ứng dụng chúng để sản xuất trên dây chuyền thiết bị hiện có của Việt Nam, tạo ra các sản phẩm may mặc có chức năng mới phục vụ tiêu dùng trong nước đồng thời hạn chế nhập khẩu là việc hết sức cần thiết. Đó là lý do, nhóm nghiên cứu tại Công ty Cổ phần - Viện Nghiên cứu Dệt May do ThS. Nguyễn Đức Hóa làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, xây dựng quy trình công nghệ và sản xuất vải dệt kim từ sợi Acrylic siêu mịn (đường kính xơ Acrylic < 1 Dtex)” từ năm 2018 đến 2019.
Một số kết quả của đề tài:
- Tổng hợp, biên soạn được tập tài liệu tổng quan về nguyên liệu Acrylic siêu mịn/Viscose.
- Danh mục thuốc nhuộm dùng để nhuộm vải Acrylic siêu mịn/Viscose.
- Lựa chọn mặt hàng, thiết kế và triển khai dệt được 1 mặt hàng phù hợp tại Công ty Cổ phần Dệt kim Vinatex, các chỉ tiêu cơ lý hóa đạt yêu cầu đặt ra của đề tài.
- Thử nghiệm mẫu nhỏ trong phòng thí nghiệm, xây dựng quy trình công nghệ tẩy nhuộm hoàn tất cho các mặt hàng từ nguyên liệu Acrylic siêu mịn/Viscose, hiệu chỉnh thông số công nghệ cho phù hợp với các điều kiện hiện có tại các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam.
- Triển khai tẩy nhuộm hoàn tất thử nghiệm mặt hàng tại Công ty Cổ phần Dệt kim Vinatex (sản xuất dệt, nhuộm và hoàn tất 120 kg vải).
- Thiết kế may thử nghiệm sản phẩm áo giữ ấm mùa đông cho nam và nữ (thiết kế và may 30 áo giữ ấm mùa đông nam, nữ).
- Quá trình thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm cho thấy hoàn toàn có thể ứng dụng nguyên liệu mới Acrylic siêu mịn/Viscose vào sản xuất công nghiệp, tạo ra sản phẩm từ nguyên liệu mới có nhiều tính năng ưu việt.
Sản phẩm của đề tài đã nhận được tín hiệu tốt của trị trường.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16222/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)
yêu cầu, thông thường, tiêu dùng, liên quan, thoải mái, truyền thống, nguồn gốc, thực vật, phần nào, vì thế, nghiên cứu, phát minh, tổng hợp, khắc phục, nhược điểm, tự nhiên, nhất định, sản xuất, thiết kế, trang phục, quần áo