Nghiên cứu xây dựng quy trình điều trị bệnh vảy nến thông thường thể vừa và nặng bằng tia cực tím dải hẹp (UVB - 311nm) tại Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ sáu - 18/11/2022 12:07 Cỡ chữ
Điều trị vảy nến thông thường mức độ vừa và nặng bằng tia cực tím UVB dải hẹp là một kỹ thuật hiện đại, có hiệu quả trong kiểm soát bệnh vảy nến. Ở Việt Nam, cho đến nay, UVB dải hẹp đã bắt đầu được áp dung trong điều trị bệnh vảy nến nhưng chưa có nghiên cứu nào thống kê hiệu quả điều trị lâm sàng của điều trị vảy nến bằng tia cực tím UVB dải hẹp cũng như đánh giá sự thay đổi của một số yếu tố miễn dịch IL-17, IL-23, TNF-anpha trong máu và tế bào Langerhans ở da.
Do đó, PGS. TS. Nguyễn Văn Thường cùng các cộng sự tại Bệnh viện Da liễu Trung ương đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng quy trình điều trị bệnh vảy nến thông thường thể vừa và nặng bằng tia cực tím dải hẹp (UVB - 311nm) tại Việt Nam” từ năm 2017 đến năm 2019 với các mục tiêu sau: Đánh giá được kết quả điều trị lâm sàng bệnh vảy nến thông thường mức độ vừa và nặng bằng tia cực tím dải hẹp (UVB-311nm); xác định được một số thay đổi miễn dịch (IL-17, IL-23, TNFanpha trong máu và Tế bào Langerhans tại da) trước và sau điều trị; và xây dựng được quy trình điều trị bệnh vảy nến thông thường mức độ vừa và nặng bằng tia cực tím dải hẹp (UVB-311nm) cho người Việt Nam.
Đề tài đã thu được các kết quả sau:
1. Kết quả lâm sàng điều trị bệnh vảy nến thông thường bằng tia cực tím UVB dải hẹp.
- Tới lần chiếu thứ 36, phần trăm giảm PASI ở nhóm 1 (điều trị UVB dải hẹp hẹp theo liều đỏ da tối thiểu- MED) là 52,2 ± 15,8; ở nhóm 2 (điều trị bằng UVB dải hẹp theo type da) là 64,8 ± 5,16. Như vậy, phần trăm PASI giảm ở nhóm 2 cao hơn nhóm 1, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê phần trăm PASI giảm ở nhóm 2 cao hơn nhóm 1, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê p<0,05.
- Các mức giảm PASI ở 2 nhóm đạt được ở lần chiếu thứ 36 lần lượt: PASI giảm 75% trở lên là 79% (nhóm 1) so với 70% (nhóm 2); PASI giảm từ 50-75% là 11,2% (nhóm 1) so với 30% (nhóm 2) và PASI giảm dưới 50% là 9,6% (nhóm 1) so với 0% (nhóm 2).
- Tỉ lệ đạt PASI 75 giữa nhóm bệnh nhân nặng (86,05% so với 78,57%) và nhóm bệnh nhân mức độ vừa (13,9% so với 21,43%) là tương đương nhau.
- Các tác dụng phụ như tăng sắc tố, bỏng da độ 3 và bỏng da độ 4 tương tương nhau ở cả 2 nhóm, tuy nhiên tác dụng phụ ngứa và bỏng da độ 1 thì ở nhóm 2 cáo hơn so với nhóm 1 có ý nghĩa thống kê: ngứa là 3,45% (nhóm 1) so với 31,39% (nhóm 2); bỏng da độ 1 là 1,36% (nhóm 1) so với 4,81% (nhóm 2).
2. Một số thay đổi miễn dịch của bệnh nhân vảy nến trƣớc và sau điều trị bằng UVB dải hẹp
- Không có sự thay đổi về marker CD1a tại tổn thương da vảy nến của cả 2 nhóm trước và sau điều trị: 65,85 ± 32,65 so với 56,2 ± 4,5 (nhóm 1) và 61,6 ± 29,7 so với 67,7 ± 7 (nhóm 2).
- Không có sự thay đổi về chỉ số tế bào Langerhans tai tổn thương da vảy nến của cả 2 nhóm trước và sau điều trị: 50,0 ± 29,5 so với 44,7 ± 3,6 (nhóm 1) và 48,2 ± 27,6 so với 42,4 ± 5,4 (nhóm 2).
3. Xây dựng quy trình điều trị vảy nến thông thường mức độ vừa và nặng bằng tia cực tím dải hẹp
Qua nghiên cứu này, đề tài đã xây dựng được quy trình điều trị vảy nến thông thường mức độ vừa và nặng bằng tia cực tím UVB dải hẹp, bệnh nhân có thể lựa chọn liều chiếu theo type da hoặc theo liều đỏ da tối thiểu tuỳ thuộc yêu cầu của bệnh nhân và ưu nhược điểm của từng phương pháp. Vì trong nghiên cứu này, kết quả điều trị của cả 2 nhóm là tương đương nhau.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17715/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)