Nghiên cứu xây dựng và triển khai một số mô hình giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với các điều kiện tự nhiên đặc thù tại vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật vào: Thứ năm - 07/11/2024 12:06 Cỡ chữ
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nằm ở cực Nam của Việt Nam, là một trong những khu vực có sản lượng nông nghiệp và thủy sản lớn nhất cả nước. Với diện tích 3,94 triệu ha và dân số 17,5 triệu người, vùng ĐBSCL chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước. Đây là vựa lúa của Việt Nam, cung cấp 2/3 sản lượng lúa gạo và có sản lượng cây ăn quả cùng thủy sản xuất khẩu cao nhất cả nước.
ĐBSCL cũng là vùng đất ngập nước lớn nhất Việt Nam với đa dạng sinh học phong phú, đặc biệt là hệ sinh thái nhạy cảm với biến động thời tiết và nguồn nước. Thủy văn của vùng rất phức tạp, với tình trạng lũ lụt vào mùa mưa và hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô. Đất đai được chia thành ba vùng chính: mặn, ngọt và phèn, với diện tích thay đổi theo mùa.
Người dân nông thôn ĐBSCL tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nhiều loại hình sinh kế, thường kết hợp các mô hình khác nhau, trong đó có một loại hình sinh kế chủ đạo. Tuy nhiên, các hoạt động sinh kế đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở khu vực nông thôn, do nhận thức về bảo vệ môi trường còn hạn chế.
Bên cạnh đó người dân nông thôn tại các vùng có điều kiện sinh thái tự nhiên đặc trưng (vùng mặn, ngọt và phèn) ở ĐBSCL đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn, ngoài việc gặp khó khăn về sinh kế, kinh tế, cơ sở hạ tầng, nguồn nước mà còn chịu những tác động khác như biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, xâm nhập mặn,… đã ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế, đặc biệt là sinh kế của cộng đồng dân cư nông thôn.
Trước tình hình này việc duy trì sinh kế bền vững cho người dân khu vực nông thôn và bảo vệ môi trường tại các vùng có điều kiện sinh thái tự nhiên đặc trưng, đặc biệt là vùng mặn và phèn là hết sức cấp bách.
Xuất phát từ thực tiễn trên, ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Môi trường và Tài nguyên-ĐHQG TP.HCM thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng và triển khai một số mô hình giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với các điều kiện tự nhiên đặc thù tại vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long” với mục tiêu xây dựng được một số mô hình giảm thiểu và xử lý chất thải trên cơ sở khép kín các dòng nguyên vật liệu, chất thải và năng lượng phù hợp với điều kiện tự nhiên đặc thù (vùng ngọt, phèn và mặn) gắn với hệ sinh thái tại vùng nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhìn chung đề tài đã hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng được mục tiêu và nội dung nghiên cứu, hoàn thành đầy đủ các sản phẩm. Những kết quả nổi bật cũng chính là những đóng góp của đề tài được tổng hợp cụ thể như sau:
(1) Đã tổng quan, đánh giá được các mô hình, giải pháp ngăn ngừa, xử lý chất thải đã và đang thực hiện ở các quốc gia trên thế giới áp dụng cho các khu vực nông thôn ở các vùng sinh thái khác nhau, đặc biệt là vùng mặn, phèn hoặc vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn, có điều kiện tương tự Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng.
(2) Mô tả được hiện trạng đặc thù của người dân nông thôn ĐBSCL (về phân bố, phong tục, tập quán,…) cùng các hoạt động công, nông nghiệp và dân sinh đặc thù của người dân ở khu vực nông thôn của 03 vùng sinh thái mặn, ngọt và phèn tại ĐBSCL và những tác động môi trườngáng quan tâm. Dự báo được diễn biến của những vấn đề điều kiện vệ sinh, chất lượng môi trường tại các khu vực này trong thời gian sắp tới.
(3) Đánh giá được hiện trạng và hiệu quả trong các mô hình và giải pháp ngăn ngừa và xử lý chất thải môi trường đã triển khai cho các hoạt động sinh kế chính của người dân tại các vùng sinh thái khác nhau, đặc biệt là vùng mặn, phèn và các vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn, ở các khu vực nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long.
(4) Xây dựng được bộ tiêu chí/chỉ số để phát triển các mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp với các điều kiện tự nhiên đặc thù đặc biệt là cho vùng mặn và phèn ở ĐBSCL.
(5) Đề xuất được 3 mô hình ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường tổng quát cho 03 vùng sinh thái mặn, ngọt và phèn. Các mô hình này khi áp dụng cho từng đối tượng, khu vực sẽ phát huy hết được ưu điểm về kỹ thuật, chi phí, điều kiện sinh thái,…
(6) Áp dụng các mô hình đề xuất để triển khai thí điểm thành công 06 mô hình cho 03 vùng mặn, ngọt và phèn, mỗi vùng 02 mô hình (mô hình đơn hộ và mô hình cụm hộ) với các sinh kế chính đặc trưng vùng nông thôn ĐBSCL bị nhiễm mặn, phèn. Ngoài hiệu quả thực tế từ mô hình (môi trường, kinh tế, sinh kế, xã hội và khắc phục các điều kiện sinh thái bất lợi) thì các mô hình còn giúp người dân địa phương cũng như cán bộ quản lý nhận thức sâu sắc được các lợi ích mà mô hình mang lại và có định hướng duy trì, nhân rộng mô hình một cách cụ thể, rõ ràng.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20326/2022) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)