Nghiên cứu xử lý vật liệu giàu lignocellulose có nguồn gốc từ phế liệu nông, lâm nghiệp để sản xuất phân bón ứng dụng cho cải tạo đất
Cập nhật vào: Thứ ba - 12/11/2024 12:05 Cỡ chữ
Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa với một số ngành kinh tế chủ lực, trong đó ngành nông nghiệp và lâm nghiệp là hai ngành mũi nhọn chiếm tỷ trọng cao trong cả nước so với các ngành khác. Nguyên nhân do nông nghiệp là ngành sản xuất ra nguồn lương thực, thực phẩm chủ yếu cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đóng góp vai trò không nhỏ vào tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Còn ngành lâm nghiệp từ trước đến nay vẫn luôn giữ vững được vị thế do nước ta có khí hậu nhiệt đới với ¾ diện tích đất tự nhiên là đồi núi, các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng rất thuận lợi cho sự phát triển sản xuất lâm nghiệp để cung cấp gỗ nguyên liệu, dược liệu và các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hàng năm lượng phế thải sản sinh ra từ quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm nghiệp là rất lớn với thành phần chất thải đa dạng, nhiều loại khó phân hủy tự nhiên và khó xử lý, đặc biệt là các chất thải giàu hàm lượng lignocellulose. Ngoài ra, ở các địa phương có thế mạnh về sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp, vấn đề về bãi chứa chất thải, nguy cơ đe dọa ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe cộng đồng đang là vấn đề bức xúc và nhận được sự quan tâm ngày càng nhiều của các nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà nghiên cứu.
Trên cơ sở đánh giá tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước, có thể thấy các nghiên cứu xử lý phế thải nông nghiệp để làm phân hữu cơ (PHC) và than sinh học (TSH) đã có rất nhiều, nguồn nguyên liệu lignocellulose cần xử lý cũng rất đa dạng. Tuy nhiên, các nghiên cứu để chế tạo ra phân bón chất lượng từ các nguồn nguyên liệu giàu lignocellulose như bã thải rau mầm (BTRM), bã thải dong riềng (BTDR), mùn cưa cây Keo để phục vụ cải tạo đất còn rất ít và chưa đầy đủ thông tin. Vì thế, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Ngân Hà tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xử lý các vật liệu giàu lignocellulose có nguồn gốc từ phế liệu nông, lâm nghiệp để sản xuất phân bón ứng dụng cho cải tạo đất” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2021.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: đánh giá được tiềm năng sản xuất phân hữu cơ, phân than sinh học chất lượng cao, có mức độ khoáng hóa chậm từ phụ phẩm nông, lâm nghiệp (bã thải dong riềng, bã thải trồng rau mầm, mùn cưa); xây dựng quy trình sản xuất phân hữu cơ, phân than sinh học chất lượng cao, mức độ khoáng hóa chậm từ bã thải dong riềng, bã thải trồng rau mầm, mùn cưa; và xác định được hiệu quả cải tạo đất và hiệu quả sử dụng các loại phân bón đã sản xuất trên cây trồng (quy mô phòng thí nghiệm).
Nhóm nghiên cứu đã đánh giá được tiềm năng sản xuất PHC, phân TSH chất lượng cao, có mức độ khoáng hóa chậm từ phụ phẩm nông, lâm nghiệp (bã thải dong riềng, bã thải trồng rau mầm, mùn cưa). Ngoài ra, đề tài đã xây dựng được quy trình sản xuất 01 PHC từ BTRM, 01 PHC từ BTDR có chất lượng tốt, đáp ứng các yêu cầu theo QCVN 01-189:2019/BNNPTNT; 01 phân than sinh học từ mùn cưa cây keo theo phương pháp nung yếm khí có diện tích bề mặt BET là 55,12 m2/g; CEC 36,35 meq/100g, hàm lượng các chất dinh dưỡng cao; 01 phân nhả chậm từ TSH và phân khoáng thích hợp sử dụng cho cây rau cải xanh.
Việc sử dụng các sản phẩm phân bón của đề tài đã giúp cải thiện một số tính chất đất và nâng cao năng suất cây rau cải xanh. Rau thu hoạch không bị ô nhiễm bởi các độc tố KLN (Pb, Cd, As) và nitrat. Liều lượng bón tối ưu PHC từ BTRM và BTDR cho đất, cây cải xanh nghiên cứu là 10 tấn/ha. Liều lượng bón tối ưu của TSH là 15 tấn/ha. Liều lượng bón PNC tối ưu là 320kg/ha.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20343/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)