Nhân rộng áp dụng công cụ Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) cho doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; sản xuất sản phẩm từ gỗ
Cập nhật vào: Thứ sáu - 09/04/2021 03:43 Cỡ chữ
Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh Việt Nam hiện nay thường xuyên phải đối mặt với những sức ép từ đối thủ cạnh tranh, khách hàng và các bên hữu quan khác về chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng, lợi nhuận, v.v... Để giải tỏa sức ép này, doanh nghiệp phải hợp lý hóa sản xuất, giảm lãng phí, nâng cao năng suất chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thực tế cho thấy năng suất chất lượng mới chính là một trong những chìa khóa quyết nghiệp định việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu theo đúng tinh thần của Văn kiện Đại hội Đảng khóa XI. Quản lý Chi phí Dòng nguyên liệu (Material Flow Cost Accounting - MFCA) là một trong những công cụ có thể vừa hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa giảm số lượng nguyên liệu tiêu thụ, giảm chất thải và giảm đi chi phí môi trường.
Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ - SMEDEC 2 với vai trò là đơn vị tiên phong trong việc tư vấn áp dụng thí điểm và nhân rộng công cụ MFCA cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Với mục đích kế thừa và phát triển nhiệm vụ: “Xây dựng mô hình điểm về áp dụng phương pháp Kiểm soát chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) trong doanh nghiệp” và nhiệm vụ ‘‘Nhân rộng mô hình điểm về áp dụng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho các tỉnh miền Nam”, nhóm nghiên cứu do ThS. Phạm Minh Chi, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài: “Nhân rộng áp dụng công cụ Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) cho doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; sản xuất sản phẩm từ gỗ” để tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực và kinh nghiệm thực hành thực tế của chuyên gia tư vấn tại doanh nghiệp, qua đó từng bước tạo điều kiện nâng cao năng suất, tạo ưu thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Sau một thời gian thực hiện, đề tài đạt được những hiệu quả cụ thể như sau:
1. Hiệu quả về mặt khoa học và công nghệ của đề tài
- Xây dựng nền tảng cho khoa học quản lý doanh nghiệp dựa trên mô hình quản lý tiên tiến, tiêu chuẩn hóa hoạt động doanh nghiệp.
- Kết quả của việc áp dụng công cụ tại doanh nghiệp đều được đo tính và thể hiện bằng các con số, quy thành giá trị kinh tế, mang lại hiệu quả khoa học và công nghệ cao.
- Doanh nghiệp tiếp cận, xử lý quá trình sản xuất khoa học hơn. Việc sử dụng nguyên liệu, năng lượng, máy móc thiết bị một các khoa học, tăng hiệu suất sử dụng, tiết kiệm chi phí.
- Là cơ sở để tổng kết, rút kinh nghiệm, và hoàn thiện mô hình phương pháp áp dụng để tiếp tục triển khai nhân rộng trong các năm tiếp theo.
- Tăng cường năng lực cho doanh nghiệp và cho các chuyên gia tư vấn địa phương về năng suất chất lượng (NSCL) đối với công cụ Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) tạo tiền đề cho các chuyên gia tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu và thực hành thực tế tại doanh nghiệp trong các nhiệm vụ tiếp theo tại địa phương.
- Xây dựng thành công tài liệu hướng dẫn áp dụng ngành sản xuất, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống và sản xuất sản phẩm từ gỗ. Đây là cơ sở để doanh nghiệp có thể tham khảo và nhân rộng mô hình.
- Triển khai thành công 73 đề tài cải tiến nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí và tạo môi trường làm việc thân thiện, đảm bảo an toàn lao động cho CBCNV trong doanh nghiệp.
2. Hiệu quả về mặt kinh tế xã hội
- Sản phẩm của nhiệm vụ áp dụng trực tiếp vào hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp là bằng chứng chứng minh các ứng dụng của lãnh vực khoa học công nghệ nói chung và các công cụ năng suất, chất lượng nói riêng có thể góp phần thiết thực vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, giúp Việt Nam từng bước hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, hoàn thiện các mô hình năng suất, chất lượng quốc gia mà Việt Nam đã và đang xây xựng nhằm đảm bảo mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và bảo vệ môi trường.
- Hình thành phong trào áp dụng rộng rãi các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng tại các địa phương và doanh nghiệp. Đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp trọng điểm
- Tăng cường năng lực cho các chuyên gia tư vấn về năng suất chất lượng đối với các công cụ năng suất chất lượng, xây dựng đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn tại doanh nghiệp.
- Thông qua 40 nghiên cứu điển hình (trong ngành sản xuất, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống và sản xuất sản phẩm từ gỗ) áp dụng Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) với 73 đề tài cải tiến, nhiệm vụ đã giúp 40 doanh nghiệp tiết kiệm được gần 6,6 tỷ đồng/ năm, trong khi chi phí đầu tư là 1,23 tỷ đồng và thời gian hoàn vốn trung bình khoảng 3 tháng. Trong 40 doanh nghiệp áp dụng thì chỉ có 05 doanh nghiệp có đầu tư kinh phí để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho các đề tài cải tiến, còn 35 doanh nghiệp còn lại không phải đầu tư gì thêm (ngoài công lao động, chi phí mở những khóa đào tạo kỹ năng, tay nghề... của CBCNV trong doanh nghiệp).
Các nghiên cứu điển hình này là tiền đề để các doanh nghiệp phát động phong trào nâng cao năng suất chất lượng, thân thiện môi trường, giảm chi phí, góp phần từng bước nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam và đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15750/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)
doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh, hiện nay, thường xuyên, sức ép, cạnh tranh, khách hàng, hữu quan, giá cả, thời gian, lợi nhuận, giải tỏa, hợp lý hóa, lãng phí, nâng cao, năng suất, hiệu quả, thực tế, chìa khóa, năng lực