Nhân rộng áp dụng hệ thống quản lý tích hợp và công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực miền Trung
Cập nhật vào: Thứ năm - 15/02/2024 00:03
Cỡ chữ
Để duy trì và phát triển, các doanh nghiệp phải cung cấp sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, yêu cầu pháp luật và nhu cầu, mong đợi của các bên quan tâm đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Để thực hiện được điều đó, doanh nghiệp phải tiếp cận và áp dụng các phương thức khác nhau, trong đó có việc chấp nhận, áp dụng các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý và các công cụ cải tiến nhất định.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường là các nhà cung cấp cho các doanh nghiệp lớn hơn, ở đó chịu áp lực đáp ứng các yêu cầu khác nhau từ chuỗi cung ứng, ví dụ về chất lượng, môi trường, an toàn-sức khỏe nghề nghiệp, an toàn thông tin, an toàn thực phẩm… Trong nhiều trường hợp, các yêu cầu này chỉ có thể được đáp ứng bằng cách thực hiện một hệ thống quản lý tương ứng và được đánh giá cấp chứng nhận. Vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải thực hiện nhiều hơn một hệ thống quản lý để duy trì đáp ứng yêu cầu khách hàng. Mặc dù các hệ thống quản lý đều có thể áp dụng đối với mọi tổ chức, không phân biệt quy mô, loại hình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa có gặp phải những khó khăn nhất định khi thực hiện các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, nhất là khi thực hiện nhiều hệ thống quản lý, công cụ cùng lúc. Tuy nhiên, thực tế cũng đã chứng minh, nếu vượt qua được các thách thức này, thường là trong giai đoạn 1-2 năm đầu thực hiện, thì những lợi ích thu được từ việc thực hiện hệ thống tích hợp sẽ nhiều hơn các chi phí đã bỏ ra trước đó.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh thông qua áp dụng tích hợp hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; nhân rộng 20 doanh nghiệp nhỏ và vừa được đào tạo, hướng dẫn áp dụng mô hình hệ thống quản lý tích hợp và công cụ cải tiến năng suất chất lượng tại khu vực miền Trung (áp dụng tích hợp hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 với 01 hệ thống quản lý khác như ISO 22000, ISO 14001, ISO/IEC 5 27001… và áp dụng 01 công cụ cải tiến năng suất chất lượng như 5S, 7 công cụ kiểm soát chất lượng, MFCA, TWI, TPM, Lean, KPI…) phù hợp với đặc điểm và điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp, ThS. Cao Hoàng Long và nhóm nghiên cứu tại Viện Năng suất Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thực hiện đề tài: “Nhân rộng áp dụng hệ thống quản lý tích hợp và công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực miền Trung”.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, nhóm thực hiện đề tài đưa ra các kết luận như sau:
- Nhiệm vụ đã hướng dẫn áp dụng tích hợp hệ thống quản lý, công cụ cải tiến tại 10 DNVVN, từ đó xây dựng được cách thức, phương pháp áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam, phục vụ cho định hướng và kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.
- Các mô hình điểm trong khuôn khổ nhiệm vụ cũng đã được báo cáo, chia sẻ thông qua hội thảo tuyên truyền, phổ biến cách thức áp dụng, từ đó có được bài bản cho nhân rộng các mô hình trong thời gian tiếp theo.
Nhiệm vụ cũng đã xây dựng được nền tảng về chuyên môn cho đội ngũ chuyên gia tư vấn về phương pháp giảng dạy, cách thức hướng dẫn áp dụng các hệ thống, công cụ tại doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các chuyên gia tích lũy kiến thức và kinh nghiệm để có thể tiếp tục giảng dạy và hướng dẫn. Các nhóm tham gia vào dự án tại các doanh nghiệp cũng là nguồn nhân lực được đào tạo và trang bị kiến thức, kinh nghiệm áp dụng các hệ thống, công cụ. Các nhóm tham gia được đào tạo, hướng dẫn thực hành sẽ là nòng cốt để nhân rộng mô hình tại chính các doanh nghiệp đã áp dụng điểm, đồng thời tiếp tục học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khác có quan tâm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai nhiệm vụ cũng đã gặp phải những khó khăn, thách thức như sau:
- Để triển khai mô hình tích hợp hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng, doanh nghiệp cần có một đội ngũ CBNV được đào tạo căn bản về các kỹ thuật thu thập, phân tích thông tin dữ liệu, các công cụ cho từng trường hợp phân tích, cải tiến vấn đề gặp phải. Trong khuôn khổ của dự án, hoạt động đào tạo các vấn đề này chưa được thực hiện một cách chuyên sâu vì vậy quá trình thực hiện các dự án cải tiến thường gặp nhiều khó khăn, đôi khi là quá sức đối với các nhóm triển khai.
- Cấp quản lý trực tiếp, tổ trưởng các bộ phận sản xuất chưa có nhiều kiến thức, kỹ năng và hiểu về hệ thống tích hợp.
- Thời gian và nguồn lực sẵn có đối với các doanh nghiệp là chưa nhiều để có thể toàn lực trong việc triển khai dự án, dẫn đến việc triển khai mô hình tích hợp hệ thống và công cụ cải tiến bị chậm trễ so với kế hoạch ban đầu.
Trên cơ sở những kết quả đạt được và những vấn đề gặp phải trong quá trình triển khai các nội dung của nhiệm vụ, nhóm đề tài xin đề xuất các kiến nghị sau:
Tuy kết quả triển khai hướng dẫn xây dựng và áp dụng tích hợp hệ thống quản lý và công cụ cải tiến tại các DNVVN ở bước ban đầu và thực tế cũng gặp không ít khó khăn, nhưng về cơ bản các hệ thống, công cụ này thực sự mang lại hiệu quả bằng các số liệu cụ thể là không thể phủ nhận. Vì vậy cần thiết tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các mô hình áp dụng tích hợp hệ thống quản lý và công cụ cải tiến ở diện rộng hơn làm cơ sở cho việc đúc kết, chia sẻ kết quả, thông tin kinh nghiệm và thúc đẩy áp dụng nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động tại các doanh nghiệp Việt Nam. Cần tổ chức các hội thảo chia sẻ kết quả và kinh nghiệm áp dụng, trong đó nên có chia sẻ trực tiếp từ lãnh đạo doanh nghiệp áp dụng thành công các hệ thống, công cụ này. Qua đó sẽ giúp tuyên truyền, phổ biến và thúc đẩy các doanh nghiệp khác quan tâm, lựa chọn áp dụng một cách nhanh và thuyết phục nhất. Cần có phương pháp thích hợp (cả về vấn đề kinh phí tài chính hợp lý) để đào tạo, thu hút phát triển đội ngũ chuyên gia giỏi, thực sự có khả năng giúp doanh nghiệp xác định đúng vấn đề và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, thực hiện các giải pháp phù hợp mới có thể đưa áp dụng các hệ thống, công cụ này thành công một cách rộng rãi tại doanh nghiệp. Việc lựa chọn nhân sự có năng lực phù hợp với chủ đề của dự án cải tiến, có tâm huyết, có tư duy tích cực, không ngại khó, sẵn sàng đối đầu với khó khăn trong quá trình triển khai là một trong những yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn nhân sự có chất lượng tham gia mô hình tích hợp và nhóm cải tiến. Thời gian để triển khai mô hình tích hợp cần tùy thuộc vào quy mô và hiện trạng của doanh nghiệp. Phối hợp với chương trình NSCL của các địa phương để chọn lựa một số doanh nghiệp tiêu biểu của địa phương để áp dụng các mô hình/công cụ cải tiến NSCL nhằm xây dựng trở thành mô hình doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh trong chương trình.
Như vậy, việc áp dụng tích hợp hệ thống, công cụ tại DNVVN sẽ góp phần thúc đẩy DNVVN tìm các giải pháp cải tiến và ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong việc nâng cao năng suất và chất lượng và cũng là cơ sở khoa học giúp các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những chính sách, đường lối phù hợp giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19519/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)