Phát triển kinh tế chia sẻ ở một số nước châu Á và hàm ý chính sách cho Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ ba - 17/09/2024 13:08 Cỡ chữ
Chủ đề nghiên cứu liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ hiện nay không phải là mới, có thể xem xét trên 2 khía cạnh trong nước và quốc tế. Qua kết quả rà soát các nghiên cứu nêu trên, có thể thấy rất nhiều nghiên cứu liên quan đến kinh tế chia sẻ. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên vẫn còn một số hạn chế như sau: (1) Các nghiên cứu quốc tế là nghiên cứu nhìn nhận theo vấn đề, loại hình kinh tế chia sẻ của từng nước, chưa rút ra được những kinh nghiệm chung và nhất là bài học cho các nước đi sau, trong đó có Việt Nam. (2) Đối với các nghiên cứu trong nước, việc nhìn nhận còn nặng về mô tả tình huống, chưa thấy được các kinh nghiệm từ các nước đi trước để vận dụng cho Việt Nam. (3) Đây là vấn đề mới, nhiều ý kiến trái chiều trong việc xác định nên hạn chế hay thúc đẩy kinh tế chia sẻ phát triển sao cho phù hợp với xu thế của thời đại.
Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của ThS. Trần Thị Cẩm Trang tại Viện kinh tế và chính trị thế giới đã thực hiện đề tài: “Phát triển kinh tế chia sẻ ở một số nước châu Á và hàm ý chính sách cho Việt Nam” trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2021.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu làm rõ một số vấn đề lý luận về kinh tế chia sẻ để hình thành nên khung phân tích cho toàn bộ đề tài, làm rõ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế chia sẻ của một số châu Á, gồm: Trung Quốc, Malaysia, Singapore và Philippines; và gợi mở một số giải pháp chính sách cho Việt Nam trong việc phát triển kinh tế chia sẻ.
Trong những năm gần đây, KTCS đang nổi lên và phát triển với một tốc độ nhanh trên thế giới, thể hiện rất rõ ở một số nước Châu Á điển hình như Trung Quốc, Singapore, Malaysia và Philippines. Đây được coi là mô hình kinh tế mới nhờ tận dụng được lợi thế phát triển của kinh tế số, tiếp cận được một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số; qua đó giúp tiết kiệm được chi phí giao dịch, góp phần vào sử dụng tài sản, tài nguyên hiệu quả hơn; tăng cường hiệu quả cho nền kinh tế. Ngoài ra, KTCS còn có hiệu ứng tích cực tới môi trường khi giảm được việc sản xuất và tiêu dùng quá mức, qua đó giảm bớt được sự lãng phí tài nguyên xã hội và sự dư thừa năng lực của các sản phẩm dịch vụ. Cùng với nhiều lợi ích đem lại từ phương thức kinh doanh mới, KTCS đã và đang nảy sinh những khó khăn, thách thức liên quan đến thị trường, cạnh tranh công bằng, năng lực đổi mới sáng tạo và nhất là đối với công tác quản lý nhà nước về thuế, điều kiện kinh doanh, thanh toán không biên giới, an toàn lao động, bảo hiểm... Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, khi hầu hết các nước trên thế giới đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid 19, nhiều chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu bị đứt gãy, hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình truyền thống bị gián đoạn bởi giãn cách xã hội; trong bối cảnh đó, KTCS nổi lên như một phương thức kinh doanh thích hợp, không chỉ thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến phát triển mạnh do đáp ứng được yêu cầu về hạn chế tiếp xúc, nhiều loại hình KTCS mới đã xuất hiện và phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu xã hội nhƣ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khám chữa bệnh trực tuyến...
Ở Việt Nam, mặc dù KTCS chưa phát triển mạnh như tại nhiều nước trên thế giới, nhưng trong những năm gần đây, mô hình này đã có bước phát triển nhanh chóng. Trong xu thế đẩy mạnh tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), việc tiếp cận và làm chủ ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hoạt động KTCS là xu thế tất yếu, phù hợp với những thay đổi to lớn đang diễn ra trong nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế số, thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Thúc đẩy mô hình KTCS cũng góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực độc lập, tự chủ của nền kinh tế, phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo, huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của đất nước cho phát triển nhưng không để ai bị bỏ lại phía sau và mọi người đều được hưởng thành quả từ tăng trưởng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20099/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)