Phổ biến, hướng dẫn áp dụng VietGAP và ISO 50001 cho các tổ chức, doanh nghiệp
Cập nhật vào: Thứ hai - 17/08/2020 11:15 Cỡ chữ
Tiêu chuẩn Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001:2011/TCVN ISO 50001:2012 (ISO 50001) đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới kể từ năm ban hành 2011. Việc áp dụng ISO 50001 giúp cho tổ chức, doanh nghiệp xây dựng và vận hành hệ thống quản lý năng lượng nhằm mục tiêu tiết kiệm năng lượng dẫn đến giảm thiểu chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo thay thế để đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính nhằm chống biến đổi khí hậu… Vì thế dễ dàng nhận thấy các nước châu Âu có nền công nghiệp đặc biệt phát triển áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 rộng rãi. Có thể nói áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 là xu thế tất yếu của các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp để phát triển bền vững.
Ở Việt Nam, theo quyết định ban hành Danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm số 1305/QĐ-TTg ngày 03/09/2017 của Thủ tưởng Chính phủ, thì có đến 2.413 các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam là đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm-tính đến hết năm 2016 - theo quy định của Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 19/3/2011 quy định chi tiết biện pháp thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cũng theo quy định của các văn bản trên thì các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm phải xây dựng và áp dụng mô hình quản lý năng lượng. Cấu trúc của mô hình quản lý năng lượng này hoàn toàn tương thích với tiêu chuẩn hệ thống quản lý năng lượng TCVN ISO 50001:2012. Tuy nhiên theo theo thống kê của tổ chức Tiêu chuẩn hóa ISO hàng năm thì đến hết năm 2016 ở Việt Nam mới có 60 đơn vị được chứng nhận ISO 50001. Việc các tổ chức, doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến ISO 50001-mà một trong những lý do là chưa biết đến sự tồn tại của tiêu chuẩn ISO 50001-cho thấy rất cần tuyên truyền, phổ biến việc xây dựng và áp dụng ISO 50001 thông qua các khóa đào tạo cho các cán bộ tư vấn để có thể hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp là đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm.
Tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt GAP (Good Agricultural Practices) được quan tâm từ lâu trên thế giới nhằm kết nối giữa các nhà sản xuất nông nghiệp, các nhà cung cấp và người tiêu dùng để đưa ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm an toàn vệ sinh nhưng không ảnh hưởng đến môi trường, không gây tổn hại đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học, đồng thời đảm bảo quyền động vật, đảm bảo sức khỏe, an toàn và phúc lợi cho người lao động. Được sử dụng rộng rãi nhất là tiêu chuẩn GLOBAL G.A.P. Đến nay, tiêu chuẩn GLOBAL G.A.P đã được 143 tổ chức chứng nhận trên toàn thế giới sử dụng để đánh giá chứng nhận cho hơn 160.000 nhà sản xuất nông nghiệp với 400 loại sản phẩm tại 124 quốc gia cho các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Khu vực Đông Nam Á cũng đã ban hành tiêu chuẩn ASEANGAP về thực hành nông nghiệp tốt trong quá trình gieo trồng, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch các sản phẩm rau quả tươi trong khu vực với mục đích tăng cường việc hài hòa các chương trình GAP trong các nước ASEAN nhằm thúc đẩy thương mại giữa các nước thành viên ASEAN với thị trường toàn cầu.
Nhiệm vụ đặt mục tiêu phát triển mạng lưới chuyên gia tư vấn, chuyên gia đánh giá hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001, thực hành nông nghiệp tốt theo VietGAP trên cả nước thông qua hình thức đào tạo.
Nhiệm vụ “Phổ biến, hướng dẫn áp dụng VietGAP và ISO 50001 cho các tổ chức, doanh nghiệp”, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ và đáp ứng các yêu cầu của nhiệm vụ.
Những kết quả nhiệm vụ đạt được có ý nghĩa quan trọng trong việc phổ biến hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và ISO 50001 trong cả nước, nhằm thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn này trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như tiết kiệm năng lượng. Đồng thời tạo dựng được các đơn vị điểm có kiến thức và kỹ năng bài bản trong việc thực hành nông nghiệp tốt để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm làm cơ sở nhân rộng, giúp cho việc phát triển đúng đắn việc áp dụng và chứng nhận theo VietGAP và ISO 50001 tại Việt Nam.
Việc triển khai các khóa đào tạo đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và đánh giá cao tại các tổ chức tư vấn, tổ chức chứng nhận, các trung tâm năng suất chất lượng, trung tâm tiết kiệm năng lượng, trung tâm khuyến nông... trên cả nước. Đến năm 2017, số doanh nghiệp áp dụng và chứng nhận VietGAP và ISO 50001 đã tăng đáng kể so với các năm trước đây. Thông qua nhiệm vụ, một số địa phương đã triển khai các chương trình hỗ trợ cho các đơn vị xây dựng và áp dụng VietGAP và ISO 50001 trong tỉnh.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15342/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)