Rủi ro tuân thủ thuế ở các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ ba - 08/08/2023 00:01 Cỡ chữ
Thuế là nguồn thu chính của ngân sách quốc gia và do đó đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong thập niên vừa qua, vấn đề tuân thủ thuế của các doanh nghiệp lớn (DNL) đã trở thành mối quan tâm toàn cầu.
Việt Nam cũng không ngoại lệ, là một quốc gia đang phát triển, hệ thống thuế của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và các loại thuế gián thu. Theo thống kê của Tổng Cục Thuế (2019), thuế thu nhập doanh nghiệp đóng góp 18,9% tổng nguồn thu nội địa (không kể thu từ dầu thô), trong đó phần lớn số thu thuế TNDN đến từ các DNL. Năm 2017, khối doanh nghiệp lớn (1.000 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng dưới 0,2% số doanh nghiệp đang hoạt động) đóng góp 62% tổng số thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Chính vì vậy việc thất thoát nguồn thu thuế từ khối doanh nghiệp này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách quốc gia.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang đối mặt với những vấn đề lớn liên quan đến quản lý rủi ro tuân thủ thuế của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài. Theo Bộ Tài Chính, năm 2016 con số thất thu thuế ước tính là 64 nghìn tỷ đồng, tương đương với 5,8% tổng thu ngân sách nhà nước. Con số thất thu này chủ yếu do các chính sách ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các hoạt động chuyển giá. Theo báo cáo của Cục Tài chính, doanh nghiệp (Bộ Tài Chính), từ năm 2012-2016 có đến 44-51% doanh nghiệp FDI báo lỗ nhưng vẫn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tóm lại, DNL đóng góp quan trọng vào tổng thu ngân sách nhà nước và hoạt động quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp. Trong khi đó, có ít nghiên cứu về rủi ro tuân thủ thuế của các DNL tại các quốc gia đang phát triển. Vì vậy, năm 2020, nhóm nghiên cứu của ThS. Nguyễn Văn Phụng tại Tổng cục Thuế đã thực hiện đề tài: “Rủi ro tuân thủ thuế ở các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam”.
Mục tiêu của đề tài là nhằm nghiên cứu và hệ thống hóa cơ sở lý luận, các khái niệm liên quan, nội hàm của rủi ro tuân thủ thuế, thang đo của rủi ro tuân thủ thuế, các tiêu chí xác định DNL, rủi ro tuân thủ thuế của các DNL, các nhân tố tác động đến hành vi tuân thủ thuế và quản lý rủi ro tuân thủ thuế trong công tác quản lý thuế; đánh giá thực trạng về tình hình tuân thủ thuế của các DNL, các nhân tố tác động đến hành vi tuân thủ thuế của DNL và thực trạng quản lý rủi ro tuân thủ thuế của các doanh nghiệp trong quản lý thuế; và đưa ra các giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro tuân thủ thuế đối với các DNL tại Việt Nam.
Đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Đã nghiên cứu một cách toàn diện về cơ sở lý thuyết đối với rủi ro tuân thủ thuế bao gồm các nội dung về tuân thủ thuế, rủi ro tuân thủ thuế nói chung, các tiêu chí xác định DNL, rủi ro tuân thủ thuế ở các DNL nói riêng và quản lý rủi ro tuân thủ thuế.
- Dựa trên cơ sở lý thuyết, đề tài đã phân tích và đánh giá được thực trạng rủi ro tuân thủ thuế của các DNL tại Việt Nam bao gồm đánh giá mức độ rủi ro tuân thủ thuế của các DNL, phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế của các DNL và phân tích thực trạng quản lý rủi ro tuân thủ thuế của các DNL tại Việt Nam hiện nay.
- Trên cơ sở phân tích thực trạng rủi ro tuân thủ thuế của các DNL tại Việt Nam và định hướng về áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong công tác quản lý thuế của Chính Phủ Việt Nam, đề tài đề xuất các giải pháp và kiến nghị và lộ trình thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro tuân thủ thuế của các DNL tại Việt Nam.
Ngoài những kết quả đã đạt được, đề tài còn có một số hạn chế. Thứ nhất, do hạn chế về thời gian và nguồn lực, đề tài không thể đánh giá hết các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế của doanh nghiệp. Thứ hai, mẫu nghiên cứu của đề tài là các DNL còn ít. Thứ ba, trong quá trình điều tra và khảo sát, do các do các DNL còn e ngại trong việc chia sẻ thông tin nên tỷ lệ số phiếu thu được trên tỷ lệ số phiếu được gửi đi chưa được như kỳ vọng.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18667/2021) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)