Sản xuất giống cá rô phi đỏ (diêu hồng) chọn giống
Cập nhật vào: Thứ sáu - 29/04/2022 01:06 Cỡ chữ
Cá rô phi đỏ (O. spp) được phát hiện lần đầu tiên năm 1969 tại một trại nuôi cá rô phi ở phía Nam Đài Loan. Từ phát hiện này, một quần thể cá rô phi đỏ đầu tiên được phát triển tại Viện Nghiên cứu Thủy sản Đài Loan (Kuo, 1969). Số cá rô phi đỏ này được ghi nhận là con lai giữa cá rô phi đen (O. mossambicus) đột biến màu (mutant-coloured) với cá rô phi vằn (O. Niloticus) (Liao và Chen, 1983). Một số dòng cá rô phi đỏ khác, ví dụ như dòng cá rô phi đỏ Florida, được tạo ra bằng cách lai giữa 4 loài cá rô phi, đó là cá rô phi đen với cá rô phi vằn, cá rô phi xanh (O. aureus) và cá rô phi Zanzibar (O. urolepis-hornorum) (McAndrew và ctv, 1988; Lovshin, 200; Desprez và ctv, 2006). Tuy nhiên, cá rô phi đỏ có nguồn gốc từ cá rô phi đen với cá rô phi vằn là phổ biến nhất, đặc biệt tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông (Huang và ctv, 1988, Reich và ctv, 1990, Mather và ctv, 2001).
Do đó một số tác giả khi đề cập đến cá rô phi đỏ chỉ trích dẫn là con lai của cá rô phi đen hoặc cá rô phi vằn mà không giải thích gì thêm (Romana-Eguia, 2004, Medeiros và ctv, 2004, Wing-Keong và Rosdiana, 2007). Một số nhóm cá rô phi đỏ cũng được phát hiện trong một quần thể cá rô phi đen (Wohlfarth và ctv, 1990) hoặc cá rô phi vằn (McAndrew và ctv, 1988) thuần chủng. Tóm lại, cá rô phi đỏ không phải là một loài cá rô phi riêng biệt mà chỉ là con lai giữa hai (hoặc tối đa 4) loài cá rô phi khác nhau.
Có thể dễ dàng phân biệt cá rô phi đỏ với các loài cá rô phi khác bằng màu sắc. Cá rô phi đỏ có các màu từ xám, trắng, hồng, đỏ cam, có thể lẫn các đốm đen. Ngoại hình cá không khác biệt so với cá rô phi vằn ở các chỉ tiêu hình thái như chiều cao thân, chiều dài đầu, chiều dài chuẩn, đường kính mắt, số gai cứng vây lưng, số tia vây lưng mềm, số tia vây hậu môn và số cung mang (Pante và ctv, 1988). Các chỉ tiêu sinh trưởng và sinh sản của cá rô phi đỏ cũng tương tự như cá rô phi vằn, tuy nhiên cá rô phi đỏ (đặc biệt là dòng rô phi đỏ Florida) có sức chịu mặn tốt hơn, do đó có thể sống và tăng trưởng tốt ở môi trường mặn lợ (Romana-Eugia và Eguia, 1999, 2004).
Ở Việt Nam, cá rô phi đỏ được nuôi chủ yếu ở miền Nam, nơi có những điều kiện về thổ nhưỡng, thủy lưu thích hợp nhất cho loài cá này, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long như Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ và Vĩnh Long. Cá rô phi đỏ còn được gọi là cá điêu hồng tại Nam Bộ. Năm 2015, sản lượng cá rô phi đỏ của Việt Nam đạt 59.750 tấn, chiếm 47,8% tổng sản lượng cá rô phi trong cả nước (seafood-tip, 2017).
Cá rô phi đỏ chọn giống của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II là nguồn vật liệu tốt, góp phần cải thiện chất lượng con giống cho người nuôi so về tốc độ tăng trưởng (>24% so với cá không chọn lọc) và màu sắc, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi, đóng góp kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Vì vậy, việc triển khai dự án phát tán cá rô phi đỏ chất lượng (tăng trưởng nhanh, màu sắc đẹp) là cần thiết của nghề nuôi cá rô phi đỏ tại Nam Bộ; song song đó các cơ sở sản xuất giống cần được đào tạo tập huấn về kỹ thuật quản lý cá bố mẹ, kỹ thuật sản xuất giống, ương nuôi cá giống đảm bảo chất lượng cung ứng nhu cầu cho cả nước.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Ths.Trần Hữu Phúc thực hiện đề tài “Sản xuất giống cá rô phi đỏ (diêu hồng) chọn giống” với mục tiêu Chủ động sản xuất giống cá rô phi đỏ bố mẹ có tốc độ tăng trưởng nhanh, chịu mặn từ nguồn cá chọn giống trong nước.
Nghề nuôi cá rô phi đỏ hiện đang gặp khó khăn về chất lượng con giống. Thứ nhất, tăng trưởng kém, cá rô phi đỏ nuôi bè hoặc nuôi đăng quần sau 6 tháng có thể đạt trung bình 500 g/con, mức tăng trưởng này chỉ bằng 80% so với cá rô phi vằn dòng GIFT, do đó hiệu quả 13 kinh tế chưa cao. Thứ hai, sức sống thấp, con giống có sức khỏe kém, dễ bệnh, tỉ lệ hao hụt cao (tỷ lệ chết là 35% vào năm 2014 (Boerlage AS và ctv., 2017) và có thời điểm tỉ lệ hao hụt lên tới 70% (Trịnh Quốc Trọng và ctv., 2016) từ giai đoạn cá giống đến khi thu hoạch) làm tăng chi phí sản xuất, nghề nuôi đạt hiệu quả kém. Các chỉ tiêu trong quá trình nuôi đều bị ảnh hưởng từ chất lượng con giống thấp, ví dụ như tỉ lệ sống thấp, hệ số chuyển hóa thức ăn cao, chi phí thuốc phòng trị bệnh tốn kém. Thứ ba, cá rô phi đỏ hiện nay có màu sắc không thuần nhất, đôi khi lẫn nhiều đốm đen, làm giảm giá trị của sản phẩm. Thị trường luôn ưa chuộng và trả giá cao hơn cho những cá thể có màu hồng phấn hoàn toàn, không lẫn đốm đen. Nhìn chung thị trường nội địa đánh giá chất lượng con giống theo những tiêu chí sau (xếp theo mức độ quan trọng): màu hồng thuần nhất, không có đốm đen, tỉ lệ sống, tăng trưởng nhanh.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Kết quả duy trì đạt 1.512 con, khối lượng trung bình tại thời điểm kết thúc dự án đạt 652,7 g/con, tỷ lệ sống theo từng năm đạt dao động từ 92,4 - 99,0%, tỷ lệ sống tích lũy trong 3 năm đạt 88,9% (đạt yêu cầu TMĐC: số lượng 1.500 con; khối lượng trung bình > 500 g/con; tỷ lệ sống hàng năm đạt >90%).
Trong 3 năm 2016-2018, dự án đã chuyển giao 77.000 cá hậu bị cho 8 cơ sở sản xuất cá bột, bao gồm 62.000 con được sinh sản từ bố mẹ chọn giống tăng trưởng nhanh trong môi trường nước ngọt và 15.000 con được sinh sản từ bố mẹ chọn giống tăng trưởng nhanh trong môi trường nước lợ mặn. Khối lượng trung bình của cá khi chuyển giao đạt dao động 100 - 120 g/con, tỷ lệ đực : cái khi chuyển giao là 1:3. Đàn cá hậu bị đã chuyển giao là đàn con của quần thể chọn giống tăng trưởng nhanh và màu sắc đẹp thế hệ thứ 3 (G3). (Đạt theo yêu cầu TMĐC đề ra: cung cấp 75.000 cá hậu bị (60.000 con thuộc dòng nước ngọt và 15.000 con thuộc dòng lợ mặn); khối lượng khi chuyển giao >100g/con; tỷ lệ đực:cái khi chuyển giao là 1:3).
Đã xây dựng 2 mô hình sản xuất giống tại (1) Công ty TNHH MTV Thương mại Sản xuất Thủy sản Tân Hưng (T.p Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) và (2) tại cơ sở sản xuất cá bột Việt Yến (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - ương nuôi cá giống tại huyện Thốt Nốt, Tp. Cần Thơ), hai mô sản xuất đạt gần 37.914.600 cá bột và ương nuôi cá giống đạt 2.482.552 con cá giống (hơn 1.200.000 con giống/mô hình), tổng khối lượng cá giống là 14.495 kg, khối 23 lượng cá giống trung bình dao động từ 5,1-6,7 g/con. Kết quả thực hiện mô hình cho thấy cá hậu bị bố mẹ chuyển giao có tỷ lệ thành thục (“sẵn sàng đẻ” và “sắp đẻ” (>70%)), sức sinh sản (500-900 cá bột/cá cái), tỷ lệ sống từ cá bột đến cá giống đạt trung bình từ 62,0 đến 65,3%. Hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR) ở cá giống thấp dao động từ 1,33 đến 1,48. (Kết quả thực hiện đạt yêu cầu TMĐC: Sản xuất được 1.200.000 cá giống/mô hình; Khối lượng trung bình đạt 5 g/con; Tỷ lệ sống đến cỡ cá giống >60%; Hệ số chuyển đổi thức ăn là FCR ≤ 1,5).
Đã tổ chức tập huấn (2 lớp) cho 38 đại diện của các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp. Bao gồm hai phần: lý thuyết và thực hành về kỹ thuật quản lý đàn cá bố mẹ, kỹ thuật chọn cá bố mẹ đảm bảo chất lượng, phương pháp ghép lai cá đảm bảo chất lượng, phương pháp áp dụng và vận hành sản xuất giống đảm bảo chất lượng phục vụ truy xuất nguồn gốc. (Đạt yêu cầu TMĐC đề ra: hai lớp tập huấn (15 học viên/lớp); nội dung cả lý thuyết và thực hành).
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17252/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)