Sản xuất hạt giống phẩm chất cao quy mô công nghiệp đối với các giống lúa chủ lực và có giá trị hàng hóa cao phục vụ xuất khẩu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật vào: Chủ nhật - 08/09/2024 13:10 Cỡ chữ
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được biết đến là vựa lúa của cả nước, đóng góp trên 50% sản lượng lúa, chiếm 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, do địa hình thấp so với mực nước biển, nằm hạ lưu sông Mê kông, tiếp giáp với biển nên ĐBSCL phải đối mặt với nhiều thách thức môi trường, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và sự thay đổi lưu lượng dòng chảy của con sông Mê Kông. Bên cạnh đó, diện tích trồng lúa ở nước ta ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hoá, sự phát triển các khu công nghiệp và dịch vụ, sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sự bất cập của bộ giống lúa hiện có trong sản xuất.
Dù đạt được nhiều thành tựu nhưng ngành hàng lúa gạo cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường mới nổi. Lúa hàng hóa có phẩm chất tốt nhưng không phân biệt với lúa gạo phẩm chất kém đã làm giảm đi giá trị của lúa gạo có chất lượng cao. Hầu hết, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt mức trên dưới 400 USD/tấn. Quan điểm của tái cơ cấu ngành là phải thay đổi tư duy sản xuất, xuất khẩu, không chạy theo số lượng nữa mà tập trung nâng cao chất lượng. Muốn làm được điều đó phải có những giống lúa chất lượng cao, sản xuất với số lượng lớn.
Vì vậy, việc quy hoạch, phát triển vùng sản xuất lúa có chất lượng tập trung, có tổ chức là rất cần thiết vừa sắp xếp, cơ cấu giống lúa của vùng vừa đáp ứng được nhu cầu gạo xuất khẩu với giá trị hàng hóa cao, nâng cao chất lượng gạo Việt Nam trong khu vực và thế giới. Với những lý do nêu trên việc thực hiện dự án “Sản xuất hạt giống phẩm chất cao quy mô công nghiệp đối với các giống lúa chủ lực và có giá trị hàng hóa cao phục vụ xuất khẩu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long” do TS. Dương Hoàng Sơn cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện với mục tiêu: Liên kết cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ hạt giống SNC, NC cung cấp sản xuất giống lúa XN đối với các giống lúa SXTN và giống lúa chủ lực có giá trị cao phục vụ xuất khẩu, nội tiêu; xây dựng cánh đồng mẫu, vùng nguyên liệu tập trung để sản xuất lúa thương phẩm có giá trị xuất khẩu gạo từ 600 USD/tấn, đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa bền vững ở vùng ĐBSCL.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Các giống lúa đạt năng suất, chất lượng, có mùi thơm, phù hợp canh tác trên đất phù sa, trên nhiễm phèn, trên đất nhiễm mặn là OM18, OM9582, OM22, OM9921 và OM20.
- Mức phân đạm phù hợp và đạt hiệu quả mục tiêu nông học trên đất phù sa và đất nhiễm phèn là 90 N trong vụ ĐX và 80N trong vụ HT trên cả hai giống OM18 và OM9921, trên đất nhiễm mặn là 90N đối với giống lúa OM18 và 80N đối với giống OM9921 trong cả 2 vụ ĐX và HT.
- Trên đất phù sa, đất nhiễm phèn và đất nhiễm mặn: Thời gian thu hoạch thích hợp là 28-30 NST trong vụ HT và 26-28 NST trong vụ ĐX đối với giống lúa OM18; 30- 32 NST trong vụ HT và 28-20 NST trong vụ ĐX đối với giống lúa OM9921. –
Hạt giống siêu nguyên chủng các giống lúa thuộc dự án: 59,992 tấn; trong đó 13,820 tấn giống lúa SXTN và 46,172 tấn giống lúa chủ lực.
- Hạt giống nguyên chủng các giống lúa thuộc dự án: 2.651,22 tấn; trong đó 806,72 tấn giống lúa SXTN và 1.844,5 tấn giống lúa chủ lực.
- Mô hình CĐML cho các giống lúa thơm ở ĐBSCL có năng suất đạt 6,72 tấn/ha trong vụ ĐX; 5,70 tấn/ha trong vụ HT. Tổng sản lượng đạt 1861,8 tấn lúa OM18 thương phẩm. Mô hình CĐML cho các giống lúa chất lượng cao ở ĐBSCL có năng suất đạt 7,18 tấn/ha trong vụ ĐX; 6,22 tấn/ha trong vụ ĐX. Tổng sản lượng 4.020,1 tấn lúa OM9582 thương phẩm.
- Đào tạo và cấp chứng chỉ kiểm nghiệm hạt giống cho 06 người; tập huấn kỹ cho 350 cán bộ kỹ thuật và 500 nông dân.
- Có 4 giống lúa thực hiện trong dự án được công nhận chính thức, công nhận lưu hành cấp quốc gia.
- Có 2 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí Khoa học Công nhận nông nghiệp Việt Nam, số 11/2020. - Có 10.000 tờ rơi được in ấn và phổ biến đến nông dân và người trồng lúa khu vực ĐBSCL.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20192/2022) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)