Sản xuất thử nghiệm vắc xin phòng bệnh streptococcosis trên cá rô phi nuôi ở quy mô công nghiệp
Cập nhật vào: Thứ ba - 07/12/2021 15:56 Cỡ chữ
Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở Việt Nam đã không ngừng phát triển và ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong ngành Nông nghiệp nói riêng và kinh tế nước ta nói chung. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 4,94 tỷ USD, cá rô phi đứng vị trí thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu thủy sản sau tôm và cá tra. Với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản đạt kim ngạch 6,5 tỷ USD vào năm 2015 và chiếm khoảng 37% trong khối nông lâm ngư nghiệp thì việc quản lý dịch bệnh trên các đối tượng chủ lực là yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu trên. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nghề NTTS đang gặp phải những trở ngại lớn như hội chứng chết sớm, bệnh đốm trắng trên tôm, dịch bệnh gan thận mủ trên cá tra, cá basa, bệnh đốm đỏ trên cá trắm cỏ, dịch bệnh xuất huyết do vi khuẩn Streptococcus spp, Aromonas spp. trên cá rô phi.
Với hơn 600 triệu cá rô phi và diêu hồng giống thả hàng năm, lượng giống này tiếp tục tăng khi mô hình nuôi xen canh một vụ tôm, một vụ cá rô phi để giảm thiểu dịch bệnh trên tôm đang được áp dụng rộng rãi ở các vùng nuôi tôm Việt Nam, cùng với tiềm năng thị trường xuất khẩu rất lớn cá rô phi vào các nước như Mỹ, Nhật (Trung Quốc xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD/năm, với giá xuất sản phẩm phi lê của cá rô phi là 4 -5,3USD/kg). Do vậy cá rô phi là đối tượng nuôi xuất khẩu đầy triển vọng đã được nhiều địa phương đưa vào quy hoạch là đối tượng nuôi chủ lực.
Vì vậy, việc nghiên cứu, phát triển các phương pháp phòng trị bệnh mới như: dùng các chất tách chiết từ thảo dược; các chế phẩm sinh học, đặc biệt là vắc xin cho cá rất cần thiết, nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nghề NTTS. Sử dụng vắc xin là phương pháp phòng bệnh tối ưu, không những làm giảm nguy cơ mắc bệnh mà còn hạn chế sự kháng kháng sinh và ô nhiễm môi trường do lạm dụng hay sử dụng kháng sinh không đúng cách. Hơn thế nữa, việc sử dụng vắc xin cũng góp phần vào 2 việc tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm.
Hiện nay, có 2 loại vắc xin phòng bệnh Streptococosis là AquaVac - STREP Sa phòng bệnh trên cá rô phi, AquaVac-STREP Si phòng bệnh trên cá chẽm, cá bớp nhƣng rất khó thương mại do vắc xin dạng nhũ dầu dùng theo đường tiêm.
Ở Việt Nam, có nhiều đề tài nghiên cứu vắc xin phòng bệnh cho cá được nghiên cứu nhưng chưa có loại vắc xin nào được đưa vào ứng dụng sản xuất. Công ty cổ phần dược và vật tư thú y (HANVET) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao thực hiện đề tài: “Nghiên cứu phương pháp chẩn đoán và chế tạo vắc xin phòng bệnh Streptococcosis trên cá rô phi ở Việt Nam” với mục tiêu sản xuất và ứng dụng thành công vắc xin vô hoạt chất lượng cao, phòng bệnh Streptococcosis trên cá rô phi nuôi ở quy mô công nghiệp. Ở đề tài này Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Hữu Vũ cùng công ty HANVET đã sản xuất được vắc xin phòng Streptococcosis trên cá rô phi bằng đường ăn và đường tiêm cho kết quả bảo hộ > 70%.
Dự án hoàn thành sẽ tạo ra một vắc xin phòng bệnh Streptococcosis có hiệu quả cho các rô phi. Giúp tăng thu nhập cho người nông dân, phát triển nghề nuôi cá rô phi bền vững, tăng cơ hội canh trên trên thị trường thế giới về các sản phẩm từ cá rô phi, góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Trong nghiên cứu ở quy mô pilot, chúng tôi xác định độ tuổi sử dụng vắc xin là khi cá có trọng lượng 10g ở cả đường ăn và đường tiêm. Tuy nhiên trong thời gian thực hiện dự án, chúng tôi thu được nhiều mẫu cá bị bệnh khi có trọng lượng chỉ 2- 3g/con. Vì vậy trong nghiên cứu này, ngoài việc lặp lại ở các độ tuổi dùng vắc xin từ nghiên cứu quy mô pilot, nhóm tác giả đã nghiên cứu thêm cho ăn vắc xin với cá có trọng lượng từ 2 g/con nhằm đưa ra thời điểm sử dụng vắc xin ngoài thực địa hiệu quả và phù hợp nhất trong quá trình phòng bệnh cho cá. Không thực hiện thí nghiệm tiêm do cá quá nhỏ không tiêm được.
Số liệu cho thấy các lô cá được dùng vắc xin hầu như không bị mắc bệnh Streptococcosis, vài lô có một số ít cá bị bệnh Streptococcosis và chỉ xuất hiện một lần. Cá mắc các bệnh do các loại vi khuẩn khác gây ra như Aeromonas spp việc điều trị cũng dễ hơn. Do vậy, tỷ lệ hao hụt trong các lô được dùng vắc xin không quá 10%.
Các lô cá không được dùng vắc xin, cá bị bệnh Streptococcosis ít nhất là 1 lần, có trường hợp tái phát đến 9 lần trong suốt chu kỳ nuôi. Bệnh thường kết hợp với các bệnh do vi khuẩn khác như Aeromonas, bắt buộc người dân phải dùng nhiều loại kháng sinh trong suốt vụ nuôi để hạn chế số lượng cá chết. Hậu quả của việc dùng nhiều kháng sinh làm vi khuẩn kháng hầu hết với các loại kháng sinh dẫn tới việc điều trị trở lên khó khăn và kém hiệu quả. Tỷ lệ cá chết ở các lô này từ 25 - 62%.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Xây dựng được 01 quy trình công nghệ sản xuất vắc xin vô hoạt phòng bệnh Streptococcosis trên cá rô phi quy mô công nghiệp
- Đã sản xuất được 10.300.000 liều vắc xin quy mô công nghiệp, vắc xin đạt vô khuẩn 100%, an toàn 100%, dùng được cả đường ăn và đường tiêm cho tỷ lệ bảo hộ >70%
- Vắc xin HAN-STREPTILA đã đƣợc cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16892/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)