Sản xuất thử nghiệm vịt bố mẹ từ hai dòng vịt cao sản chuyên thịt V22 và V27
Cập nhật vào: Thứ hai - 04/04/2022 12:02 Cỡ chữ
Chăn nuôi vịt là nghề truyền thống lâu đời và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội. Số lượng đàn vịt cả nước trong những năm gần đây đều đạt trên 70 triệu con, luôn đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc.
Tổng đàn vịt trên thế giới năm 2017 là 1.150.901.000 con, tăng 23,51% so với năm 2000, đàn vịt phân bố tập trung nhiều nhất tại châu Á chiếm 88,90% tổng đàn thế giới. Mười nước có quy mô đàn vịt lớn trên thế giới năm 2017 đó là Trung Quốc, Việt Nam, Bangladesh, Indonesia, Nga, Myama, Pháp, Ấn Độ, Thái Lan, Ukraina. Sản lượng thịt vịt đạt 3.011.798 tấn, bằng 4,52% tổng sản lượng thịt gà (theo dữ liệu FAOSTAT 2017). Sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi vịt trong những năm qua có sự góp phần quan trọng của công tác chọn lọc nhân giống, cải tiến năng suất vật nuôi.
Tại Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê năm 2018, đàn vịt cả nước là 76.911.000 con, trong đó tập trung nhiều nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long 26.111.000 con chiếm 32,95% tổng đàn. Sản lượng thịt vịt hơi xuất chuồng năm 2018 đạt 197.403 tấn đứng trong nhóm 10 nước có sản lượng lớn nhất thế giới. Để có được thành tựu đó có một phần đóng góp quan trọng trong công tác nghiên cứu giống. Với chủ trương, chính sách và định hướng chiến lược của ngành, áp dụng khoa học nghiên cứu chủ động về mặt con giống chất lượng cao phục vụ sản xuất trong nước. Nhiều giống vịt chuyên thịt cao sản đã được nhập vào Việt Nam với cấp giống ông bà từ các nước có công nghệ chăn nuôi tiên tiến bao gồm: Vịt CV Super–M, CV Super–M2 và CV Super–M3, được nhập của hãng Cherry Valley thuộc vương quốc Anh; những năm gần đây nhập giống vịt M14, M15, Star 53, Star 76 của hãng Grimaud Frères nước Pháp.
Xuất phát từ thực tiễn đó, nhóm nghiên cứu do Cơ qua chủ trì Viện chăn nuôi cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Lê Thanh Hải thực hiện đề tài “Sản xuất thử nghiệm vịt bố mẹ từ hai dòng vịt cao sản chuyên thịt V22 và V27” với mục tiêu hoàn thiện quy trình công nghệ chăn nuôi vịt bố mẹ và vịt thương phẩm xuất phát từ 2 dòng vịt V22 và V27 để phục vụ tái cơ cấu chăn nuôi, tăng hiệu quả kinh tế chăn nuôi vịt tại các tỉnh Nam bộ.
Nhiều nghiên cứu trên cho thấy hệ số di truyền về khối lượng cơ thể thường đạt từ mức trung bình trở lên. Do đó, nhiều tác giả đã nghiên cứu tập trung vào việc chọn lọc nâng cao khả năng sinh trưởng, từ đó tăng hiệu quả sản xuất thịt của vật nuôi. Việc chọn lọc nâng cao khả năng sinh trưởng của vịt là có hiệu quả vì đây là tính trạng có khả năng di truyền tốt.
Dự án đã hoàn thiện được quy trình công nghệ chăn nuôi vịt bố mẹ và thương phẩm xuất phát từ hai dòng vịt V22 và V27 góp phần phục vụ tái cơ cấu chăn nuôi, tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi vịt tại các tỉnh Nam bộ. Vịt bố mẹ và thương phẩm chuyển giao được thị trường đánh giá chất lượng tốt và đang phát triển tăng quy mô đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện đang rất cần. Dự án đã thực hiện đầy đủ các nội dung, mục tiêu và sản phẩm của dự án đều đạt và vượt yêu cầu. Cụ thể như sau:
(1) Hai dòng vịt V22 và V27 đã ổn định về ngoại hình và năng suất. Dòng trống V22 khối lượng cơ thể 7 tuần tuổi ăn tự do con trống và mái đạt 3438,78 g và 3274,29 g, hệ số biến dị CV tương ứng là 8,42% và 8,16% (mục tiêu 210 quả/mái); khối lượng cơ thể 7 tuần tuổi đồng đều thể hiện qua hệ số biến dị CV con trống 8,38%, của con mái là 8,25% (mục tiêu <10%).
(2) Vịt bố mẹ (trống V22, mái V27) khối lượng 24 tuần tuổi con trống 3,9-4 kg, con mái 3,3-3,4 kg; có năng suất trứng 42 tuần đẻ đạt 210 quả/mái trở lên, tỷ lệ phôi ≥ 94%, tỷ lệ vịt nở trên trứng có phôi ≥ 80%. Số lượng vịt bố mẹ chuyển giao ra sản xuất là 83.499 con vượt kế hoạch 8,7%
(3) Hoàn thiện được 01 quy trình chăn nuôi vịt bố mẹ và 01 quy trình chăn nuôi vịt thương phẩm để cho người chăn nuôi áp dụng hiệu quả.
(4) Xây dựng thành công 3 mô hình vịt bố mẹ với quy mô 5000 mái sinh sản và 4 mô hình vịt thương phẩm quy mô 10.000 con. Các mô hình đều có lãi hiệu quả kinh tế tăng trên 15%
(5) Tổ chức thành công 01 Hội thảo khoa học công nghệ kỹ thuật chăn nuôi vịt với số lượng người tham dự vượt yêu cầu 50%.
(6) Hai dòng vịt V22 và V27, vịt bố mẹ (trống V22 và mái V27) để sản xuất vịt thương phẩm VSM5 và quy trình chăn nuôi kèm theo được Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là Tiến bộ kỹ thuật.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17137/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)