Ứng dụng công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học từ hèm rượu, cám gạo, phân trùn quế (Perionyx excavatus) phục vụ nông nghiệp tại tỉnh Long An
Cập nhật vào: Thứ ba - 03/10/2023 00:01 Cỡ chữ
Sản xuất nông nghiệp ngày nay dần trở thành tiêu điểm quan tâm không những trên phạm vi quốc gia mà còn trên qui mô toàn cầu. Sản xuất nông nghiệp Việt Nam đóng góp 24% GDP, 30% sản lượng xuất khẩu, tạo việc làm cho 60% lao động cả nước. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp lâu nay vẫn chưa chú trọng đúng mức việc bảo vệ môi trường. Sản xuất nông nghiệp sạch, nâng cao chất lượng nông sản nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thân thiện với môi trường đang là mục tiêu phấn đấu của ngành nông nghiệp nói chung và nông dân nói riêng. Một trong những biện pháp hữu hiệu để sản xuất nông nghiệp sạch là ứng dụng rộng rãi các chế phẩm sinh học, trong đó các sử dụng các chế phẩm vi sinh ứng dụng trong nông nghiệp đã và đang là xu hướng nhằm phát triển nông nghiệp sạch trên các quốc gia phát triển trên thế giới và nước ta.
Nông nghiệp sạch (hay còn gọi là nông nghiệp hữu cơ) là một hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp tránh sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật tổng hợp, giảm tối đa ô nhiễm không khí, đất và nước, tối ưu về sức khoẻ con người và vật nuôi. Nông nghiệp sạch, dựa trên các kiến thức khoa học kết hợp với sự màu mỡ của đất đai và các biện pháp cải tạo đất nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và việc sử dụng đất lâu dài. Bên cạnh đó, vai trò quan trọng đặc biệt của các chủng vi sinh vật trong việc phân hủy rơm rạ, rác thải hữu tơ tạo độ phì nhiêu của đất đã được thừa nhận một cách rộng rãi. Chất hữu cơ góp phần cải thiện đặc tính vật lý, hoá học cũng như sinh học đất và cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng cho cây trồng. Việc cung cấp các chủng vi sinh vật có ích vào đất góp phần giúp các quá trình chuyển hoá, tuần hoàn dinh dưỡng trong đất, sự cố định đạm, sự nitrat hoá, sự phân huỷ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cũng như ức chế sự hoạt động của các loài vi sinh vật gây bất lợi cho cây trồng. Vì lợi nhuận, việc người dân lạm dụng phân bón hóa học và hoá chất bảo vệ thực vật, hóa chất tăng trưởng... nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi đang trở thành vấn đề cần được quan tâm cải thiện. Bên cạnh việc bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực, cần chú ý phát triển nền nông nghiệp sạch nhằm đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việc canh tác nông nghiệp sạch không những giúp nông dân tiết kiệm chi phí thuốc trừ sâu và phân bón hoá học đồng thời có thể đa dạng hoá mùa vụ và canh tác theo hướng bền vững. Hơn nữa, nếu nông sản được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ còn có thể xuất khẩu với giá cao hơn.
Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và của tỉnh Long An nói riêng có nhiều tiến bộ vượt trội và đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của vùng. Việc thâm canh cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, song bên cạnh đó cũng gây ra nhiều bất lợi đối với môi trường và sự phát triển bền vững. Trong khi đó, nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp thải ra trong quá trình sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản hàng năm là rất lớn. Nguồn phế thải trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản lên đến hàng triệu tấn. Việc thâm canh trong chăn nuôi thủy sản làm cho môi trường nước ngày càng khó kiểm soát về nguồn nước cũng như nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Chính vì vậy cần phải ứng dụng các chế phẩm vi sinh vật đất nhằm cải thiện môi trường đất cho trồng trọt, xử lý các phụ phế phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ; ứng dụng các vi sinh vật cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường chăn nuôi gia súc gia cầm và các ao nuôi thủy sản.
Nhằm tiếp nhận công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học từ hèm rượu, cám gạo và phân trùn quế để sản xuất các chế phẩm vừa đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý phục vụ phát triển bền vững ngành chăn nuôi, nuôi thủy sản và trồng trọt vừa góp phần bảo vệ môi trường tại tỉnh nhà; đồng thời, xây dựng mô hình ứng dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy tăng cường hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ của Trung tâm vào sản xuất và đời sống, nhóm đề tài Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ do ThS. Lê Thị Ngọc Hiếu đã đề xuất thực hiện đề tài: “Ứng dụng công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học từ hèm rượu, cám gạo, phân trùn quế (Perionyx excavatus) phục vụ nông nghiệp tại tỉnh Long An”.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, Dự án đưa ra những kết luận như sau:
- Tiếp nhận và hoàn thiện 07 quy trình công nghệ sản xuất, ứng dụng các chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Trong đó thế mạnh là các loại chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi (Chế phẩm BIOLaC1 và BIO.LaC2) và ứng dụng trồng trọt (chế phẩm BIO.LaPT5)
Công nghệ sản xuất các CPSH hỗ trợ tiêu hóa gia súc, gia cầm và thủy sản
+ Quy trình công nghệ sản xuất CPSH La.H1 từ hèm rượu
+ Quy trình công nghệ sản xuất CPSH La.C1 từ cám gạo
Công nghệ sản xuất các CPSH xử lý chất thải chăn nuôi và nước ao nuôi thủy sản
+ Quy trình công nghệ sản xuất CPSH La.H2 từ hèm rượu
+ Quy trình công nghệ sản xuất CPSH La.C2 từ cám gạo
+ Quy trình công nghệ sản xuất CPSH La.PT3 từ phân trùn
Công nghệ sản xuất các CPSH phục vụ trồng trọt
+ Quy trình công nghệ sản xuất CPSH La.H4 từ hèm rượu
+ Quy trình công nghệ sản xuất CPSH La.PT3 từ phân trùn
- Đã đạo tạo nguồn nhân lực nắm vững quy trình sản xuất và vận hành quy trình sản xuất chế phẩm sinh học.
- Xây dựng được một cơ sở sản xuất chế phẩm sinh học tại Trạm nghiên cứu ứng dụng KHCN ĐTM với công suất trên 10 tấn chế phẩm/năm, trong thời gian dự án sản xuất 15,3 tấn (đạt 102%).
- Đã đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao các ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất cho các cơ sở, các hộ ở các địa phương (05 kỹ thuật viên tại Trung tâm và đào tạo, tập huấn cho 271 người dân tại các địa phương)
- Xây dựng được các mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học và phân hữu cơ vi sinh tại các THT, HTX trên rộng khắp các huyện, thị của tỉnh Long An:
+ Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch tại Trạm nghiên cứu ứng dụng Đồng Tháp Mười, và xã Thạnh Hưng, TX. Kiến Tường với tổng diện tích trên 10 ha, các mô hình sử dụng chế phẩm sinh học đã cho năng suất lúa cao hơn lô đối chứng từ 200 – 300 kg/ha, giảm lượng phân hóa học sử dụng trên 10% (Giảm: 20 – 30 kg ure/ha, 20 – 30 kg DAP/ha, 5 -20 kg kali/ha), chống chịu tốt hơn với sâu bệnh.
+ Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trên cây rau tại HTX Phước Hiệp huyện Cần Giuộc với diệ tích 5,65 ha. Các mô hình đã mang lại hiệu quả tốt cho cả cây rau ăn lá và rau ăn quả, rút ngắn thời gian thu hoạch 5-7 ngày đối với rau ăn lá, tăng năng suất 10 – 20% cho cả rau ăn lá và cây ăn quả.
+ Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi bò tại huyện Đức Huệ (02 Mô hình với quy mô trên 50 con). Các mô hình đã thể hiện rõ tác dụng của các chế phẩm sinh học trong việc xử lý mùi hôi chăn nuôi, kích thích tiêu hóa giúp bò tăng trọng nhanh.
+ Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn (heo) tại huyện Tân Trụ và Châu Thành (03 mô hình, với quy mô 50-100 con/mô hình). Các mô hình đã thể hiện rõ tác dụng của các chế phẩm sinh học trong việc xử lý mùi hôi chăn nuôi, kích thích tiêu hóa giúp heo tăng trọng nhanh.
+ Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà tại huyện Thạnh Hóa (03 mô hình, với quy mô >1.000 con/mô hình). Các mô hình đã thể hiện rõ tác dụng của các chế phẩm sinh học trong việc xử lý mùi hôi chăn nuôi, kích thích tiêu hóa giúp gà tăng trọng nhanh, giảm tỷ lệ hao hụt.
+ Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học ao nuôi thủy sản (tôm) tại huyện Tân Trụ (03 mô hình, với quy mô: 0,5 - 01 ha mặt nước/mô hình). Các mô hình đã thể hiện rõ tác dụng của các chế phẩm sinh học trong việc xử lý xử lý môi trường nuôi tôm.
Như vậy, dự án đã tạo nên một cơ sở sản xuất chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ vi sinh tương đối hoàn thiện, có công suất 10 tấn chế phẩm sinh học/năm, góp phần cung cấp cho nhu cầu sử dụng cho người dân trong tỉnh.
Hiện nay Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ đã và đang là địa chỉ tin cậy, nơi cung cấp chế phẩm và phân bón hữu cơ vi sinh, chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân trong tỉnh.
Dự án buớc đầu đã đóng góp vào việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị, có lợi nhuận cao, an toàn đối với sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, tăng thêm việc làm và thu nhập cho người nông dân. Tạo ra được sản phẩm có lợi thế canh tranh và tham gia vào danh mục các sản quốc gia của tỉnh Long An.
Dự án kiến nghị cần tăng cường vốn đầu tư các lĩnh vực nghiên cứu khoa học để sản xuất các giống vi sinh vật có hoạt tính mạnh ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Đào tạo chuyên gia kỹ thuật và huấn luyện cũng như chỉ đạo kỹ thuật trong lĩnh vực phân bón hữu cơ vi sinh. Ưu tiên, hỗ trợ cho các đơn vị nghiên cứu hoặc tìm kiếm công nghệ tiên tiến của nước ngoài về dây chuyền sản xuất các loại chế phẩm sinh học theo hướng tự động hóa, hỗ trợ mở rộng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học và phân hữu cơ vi sinh, đặc biệt tập trung phát triển các vùng canh tác nông nghiệp chất lượng cao trên các đối tượng cây lúa, rau, cây ăn trái và các đối tượng chăn nuôi chủ lực (heo, bò, gà và tôm).
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18912/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)