Ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại thành phố Hà Nội
Cập nhật vào: Thứ ba - 11/04/2023 11:03 Cỡ chữ
Hà Nội là thị trường tiêu thụ các loại gạo chất lượng cao với số lượng lớn, ổn định, nhưng diện tích gieo trồng lúa hàng hóa chất lượng cao trên địa bàn còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố. Người tiêu dùng phải tiêu thụ các loại gạo nhập từ các tỉnh, thành phố trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài. Từ năm 2011, thành phố Hà Nội đã triển khai chương trình sản xuất lúa hàng hóa tham gia chương trình còn được đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất, phơi, chế biến, bảo quản, tiêu thụ lúa gạo. Chương trình đã được sự đón nhận nhiệt tình của người dân. Mặc dù hiện nay, các chính sách hỗ trợ sản xuất đang tạm dừng, nhưng người dân vẫn tiếp tục gieo cấy lúa chất lượng cao.
Về vấn đề lựa chọn giống lúa làm sản phẩm hàng hoá và xây dựng thương hiệu gạo hiện nay, trong khuôn khổ dự án, nhóm nghiên cứu đề xuất chọn giống lúa thuần chất lượng ngắn ngày Sơn Lâm 1 và giống lúa QJ1 để làm sản phẩm hàng hoá, bởi đây là một trong những giống lúa thuần chất lượng mới đã và đang được phát triển tại 10 huyện của Hà Nội là các huyện Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ, Hoài Đức. Đây là 2 giống có nhiều ưu điểm nổi trội so với giống Bắc thơm 7 và các giống khác, cơm ngon vị đậm, có mùi thơm. Đó là lý do nhóm nghiên cứu tại Công ty TNHH Hỗ trợ phát triển kỹ thuật và chuyển giao công nghệ do CN. Phùng Thị Hằng dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại thành phố Hà Nội” từ năm 2016 đến năm 2020.
Mục tiêu của đề tài là xây dựng được mô hình liên kết sản xuất theo quy trình khép kín từ nhân giống phục vụ sản xuất đến tạo vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Sau bốn năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả sau:
- Đã chuyển giao và tiếp nhận 08 quy trình kỹ thuật sản xuất các giống lúa mới và kỹ thuật thu hoạch, chế biến gạo thương phẩm theo đúng thuyết minh dự án. Hiện nay, đơn vị chủ trì đã làm chủ các quy trình công nghệ trên và vẫn đang tiếp tục duy trì, làm đầu mối cho các địa phương có nhu cầu tiếp tục được ứng dụng các công nghệ và gieo trồng các giống lúa mới trên vào sản xuất tại địa phương.
- Đã xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa giống nguyên chủng QJ1 và Sơn Lâm 1 với diện tích là 30 ha/2 giống, đạt 125,2 tấn lúa giống nguyên chủng đạt QCVN 01-54:2011/BNNPTNT, mô hình sản xuất lúa giống xác nhận QJ1 và Sơn Lâm 1 vơi diện tích là 200 ha/2 giống đạt 1.050 tấn giống lúa xác nhận đạt QCVN 01-54:2011/BNNPTNT; Năng suất của 2 giống lúa QJ1 và Sơn Lâm 1 tại các mô hình đều vượt hơn hẳn so với giống đối chứng là BT7 từ 10,2-16,9%.
- Đã xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa thương phẩm QJ1 và Sơn Lâm 1 với diện tích 1.000 ha/2 giống đạt 6.370 tấn lúa thương phẩm, mô hình thu hoạch và chế biến gạo QJ1 và Sơn Lâm 1 thương phẩm chất lượng 2.000 tấn gạo thương phẩm.
Kết quả đề tài góp phần chuyển dịch cơ cấu giống, đảm bảo an ninh lương thực cho toàn xã hội, nâng cao hiệu quả của sản xuất lúa, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hà Nội
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18287/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)