Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại tỉnh Lâm Đồng
Cập nhật vào: Thứ hai - 31/07/2023 00:02 Cỡ chữ
Nhằm ứng dụng thành công tiến bộ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò lai hướng thịt chất lượng cao tại tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể:
1- Chuyển giao và tiếp nhận được các quy trình: Quy trình kỹ thuật chăn nuôi, lai tạo bò lai hướng thịt chất lượng cao; Kỹ thuật trồng và sử dụng các giống cỏ chăn nuôi cao sản; Kỹ thuật chế biến thức ăn xanh và phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò; Kỹ thuật vỗ béo bò thịt; Kỹ thuật vệ sinh chuồng trại, xử lý môi trường chăn nuôi.
2- Xây dựng 2 loại mô hình (với 18 hộ tham gia) chăn nuôi bò lai hướng thịt chất lượng cao quy mô nông hộ tại các huyện: Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương và Cát Tiên tỉnh Lâm Đồng.
3- Đào tạo và tập huấn: Tổ chức đào tạo cho 6 kỹ thuật viên thường xuyên bám sát địa bàn để phát triển dự án và tập huấn kỹ thuật cho 100 lượt nông dân để thực hiện nhân rộng dự án.
Nhóm nghiên cứu, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng, do Kỹ sư Võ Thị Quỳnh đứng đầu đã thực hiện dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại tỉnh Lâm Đồng”.
Sau 48 tháng thực hiện, dự án đã hoàn thành các nội dung và sản phẩm theo đăng ký trong thuyết minh đề cương, dự án rút ra các kết luận sau:
- Hoàn thiện và chuyển giao 05 quy trình kỹ thuật về chăn nuôi bò lai hướng thịt chất lượng cao; các quy trình này áp dụng phù hợp với các địa phương, dễ dàng tiếp thu. Trong đó:
+ Quy trình chế biến thức ăn đã điều chỉnh thành phần đầu vào phù hợp với địa phương, ở Cát Tiên nên chú trọng vào phụ phẩm nông nghiệp là rơm lúa và ngọn cây lá mía làm thức ăn dữ trữ cho bò, ở Đức Trọng, Lâm Hà chú trọng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp là thân cây ngô, ở Đơn Dương chủ động trồng cây bắp dày làm thức ăn dự trữ, ngoài ra tận dụng thân cây họ đậu dự trữ làm thức ăn cho bò;
+ Quy trình vệ sinh, xử lý chuồng trại chăn nuôi, các chất phụ trợ, lót chuồng khác nhau, tùy thuộc vào những phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương.
- Xây dựng thành công mô hình chăn nuôi bò thịt tại 4 huyện: Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương và Cát Tiên với 18 hộ tham gia, mô hình sinh ra 142 con bò lai cao sản, khối lượng trung bình lúc 21 tháng tuổi đạt 319 kg/con. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật mô hình đạt và vượt mức yêu cầu đề ra của dự án.
- Đào tạo đào tạo được 9 kỹ thuật viên, các kỹ thuật viên có kiến thức cơ bản có thể hướng dẫn thêm cho các hộ dân và góp phần phổ biến kiến thức cho các hộ dân khác góp phần nhân rộng kết quả của dự án, tập huấn cho 120 lượt người, sau tập huấn các hộ nông dân đã tiếp thu tốt các kỹ thuật và áp dụng vào mô hình sản xuất chăn nuôi tại hộ mình có hiệu quả cao.
- Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật giúp tiêu thụ một khối lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp, biến các phụ phẩm giá trị thấp này thành sản phẩm thịt có giá trị cao hơn, làm tăng thêm giá trị của ngành chăn nuôi. Ngoài ra, phụ phẩm nông nghiệp được tiêu thụ cũng sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Phát triển chăn nuôi bò lai hướng thịt chất lượng cao đã nâng cao năng suất, chất lượng thịt, qua đó cung cấp cho xã hội một lượng thực phẩm có giá trị cao, góp phần đảm bảo an ninh thực phẩm và hạn chế tác động của thị trường bên ngoài.
Dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với trình độ chăn nuôi của người dân địa phương vì vậy đề nghị các cấp có thẩm quyền đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình. Cần phát triển nhân rộng mô hình vào sản xuất, tăng cường việc trồng cỏ chăn nuôi để cung cấp đủ thức ăn nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cho đàn bò; nhân rộng dự trữ thức ăn xanh và phụ phẩm qua chế biến vào mùa khô cho đàn bò; nhân rộng các quy trình xử lý nguồn phân từ chăn nuôi khi các mô hình phát triển mạnh trong sản xuất để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cần xác định rõ các vùng khuyến khích chăn nuôi bò thịt tập trung theo quy mô trang trại hoặc bán thâm canh để hộ gia đình cùng các tổ chức kinh tế căn cứ thực hiện. Cần tạo mọi cơ chế thuận lợi nhất để tập hợp những hộ chăn nuôi với nhau thành các đầu mối tổ, nhóm, câu lạc bộ, hợp tác xã… liên kết với doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp cho đầu ra của sản phẩm ổn định, tăng hiệu quả trong chăn nuôi và phát triển bền vững.
Dự án triển khai thành công thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và qua đó làm tăng hiệu quả của các chương trình xoá đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Chính phủ hiện nay. Phát triển mô hình chăn nuôi bò thịt giúp tiêu thụ một khối lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp, biến các phụ phẩm giá trị thấp này thành sản phẩm thịt có giá trị cao hơn, làm tăng thêm giá trị của ngành chăn nuôi. Ngoài ra, phụ phẩm nông nghiệp được tiêu thụ cũng sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trình độ người chăn nuôi không ngừng được nâng cao, tích lũy kinh nghiệm nhằm phát triển triển chăn nuôi bò chất lượng cao, đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18527/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)