Ứng dụng tiến bộ Kỹ thuật xây dựng mô hình ương nuôi cua xanh (Scylla paramamosain) tại Hà Tĩnh
Cập nhật vào: Thứ ba - 29/03/2022 01:11 Cỡ chữ
Diện tích nuôi trồng thuỷ sản Hà Tĩnh ngày càng được mở rộng từ nuôi ngọt cho đến nuôi mặn, lợ. Một số diện tích hoang hoá, đất nông nghiệp kém hiệu quả, sản xuất muối năng suất thấp đã chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản đạt năng suất và hiệu quả kinh tế khá cao góp phần xoá đói giảm nghèo, nhiều hộ ngư dân, doanh nghiệp đã làm giàu bằng nghề nuôi trồng thuỷ sản.
Nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân đã mạnh dạn bỏ vốn rất lớn để xây dựng và cải tạo ao nuôi tôm trên cát. Tuy nhiên, việc khai thác phát triển các vùng ao đất nhiễm mặn ven biển, cửa lạch… vào nuôi trồng thủy sản vẫn còn nhiều hạn chế. Một số địa phương và hộ dân đã đầu tư nuôi tôm và một số loài nhuyển thể nhưng hiệu quả kinh tế còn thấp. Năng suất chưa ổn định, chất lượng sản phẩm nuôi trồng, giá trị sản xuất và giá trị gia tăng thấp; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhân lực còn thiếu và yếu; công tác phòng chống dịch bệnh, sản xuất và dịch vụ con giống, thức ăn, việc quản lý và tổ chức sản xuất… trong nuôi trồng còn nhiều hạn chế. Hiện vẫn chưa xác định được đối tượng nuôi hiệu quả cho vùng này.
Cua xanh là đối tượng ít dịch bệnh, dễ nuôi, chóng lớn, với giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, có giá trị thương mại lớn và quá trình nuôi có thể tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên như tôm tép, cá tạp. Cua xanh thuộc lớp giáp xác, bộ mười chân (Decapoda), là đối tượng hải sản quý, có giá trị thương mại cao và là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nhiều nước. Việt Nam có nguồn lợi cua khá phong phú, phân bố ở khắp các vùng biển, ao đầm, cửa sông, vùng vịnh. Ở vùng biển Việt Nam cua xanh có kích thước lớn, có giá trị kinh tế cao. Cua có thân hình dẹp theo hướng lưng bụng. Toàn bộ cơ thể được bao bọc trong lớp vỏ kitin dày, thường có màu xanh lục hay vàng sẫm. Vòng đời của cua xanh trải qua nhiều giai đoạn khác nhau và mỗi giai đoạn có tập tính sống, cư trú khác nhau. Giai đoạn ấu trùng trôi nổi, nhờ dòng nước đưa vào ven bờ biến thái thành cua con. Cua con bắt đầu sống bò trên đáy và đào hang để sống hoặc chui vào các bụi cây, hốc đá. Đồng thời, cua chuyển đời sống từ trong môi trường nước mặn sang nước lợ ở rừng ngập mặn, vùng cửa sông hay cả vùng nước ngọt trong quá trình lớn lên.
Hiện ở Hà Tĩnh có trên 2.500ha vùng cửa lạch có các điều kiện môi trường theo điều tra khảo sát là phù hợp cho sự phát triển của Cua thương phẩm. Đặc biệt là khu vực ven biển có rừng ngập mặn. Đó là các điều kiện phù hợp cho việc phát triển các mô hình nuôi thuỷ sản trong đó có Cua xanh. Tuy nhiên, công tác quy hoạch ở vùng này đang còn nhiều bất cập, các hộ nuôi còn manh mún, phụ thuộc vào thiên nhiên.
Để có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, đảm bảo cho họ có nghề sản xuất bền vững, khắc phục thiệt hại do đầu tư nuôi tôm, tận dụng hệ thống ao hồ sẵn có và vươn lên làm giàu, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh do KS. Trần Thị Thu Trang làm chủ nhiệm đã thực hiện Dự án: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình Ương nuôi cua xanh (Scylla paramamosain) tại Hà Tĩnh” nhằm chủ động nguồn cung cấp giống và kỹ thuật nuôi tại chỗ, tạo mô hình điểm để người dân học tập kinh nghiệm và kỹ thuật phục vụ cho việc phát triển nghề nuôi cua, tạo thu nhập, việc làm. Đồng thời khai thác hiệu quả tạo thêm đối tượng nuôi mới, góp phần thúc đẩy phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản tỉnh nhà theo hướng đa dạng hoá hình thức nuôi.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, nhóm thực hiện dự án đã tổ chức thực hiện dự án đảm bảo mục tiêu đề ra, các nội dung dự án thực hiện đầy đủ đúng tiến độ, nguồn kinh phí sử dụng đúng mục đích.
- Nhóm dự án đã tiếp nhận và làm chủ được 03 quy trình công nghệ nuôi cua bố mẹ sản xuất cua bột, quy trình ương nuôi cua bột lên cua giống và quy trình nuôi cua thương phẩm
- Đào tạo 10 cán bộ kỹ thuật và tập huấn cho 100 hộ dân nuôi trồng thủy sản.
- Dự án đã xây dựng thành công 1 mô hình nuôi cua bố mẹ sản xuất cua bột, 1 mô hình ương nuôi cua bột lên cua giống, 1 mô hình nuôi thương phẩm 2 ha tại đơn vị chủ trì nuôi tập trung, 1 mô hình nuôi thương phẩm 3 ha tại 6 hộ dân (0,5 ha/hộ).
+ Kết quả mô hình sản xuất giống cua: Đã sản xuất được 4 triệu con giống phục vụ nuôi thương phẩm. Tỷ lệ cua mẹ nuôi vỗ thành thục đạt 76%; Tỷ lệ đẻ đạt 86,84%; Tỷ lệ nở đạt 78,91%; Tỷ lệ sống từ ấu trùng lên cua bột đạt 7,81%; Tỷ lệ sống từ cua bột lên cua giống đạt 67,97%. Thời gian ương 25-30 ngày. Cua giống đạt kích cỡ 2,2 cm
+ Kết quả mô hình nuôi thương phẩm tại đơn vị chủ trì: Tổng sản lượng thu hoạch cua thương phẩm trong trong thời gian thực hiện dự án đạt 9,8 tấn. Trọng lượng khi thu hoạch đạt 255-295g/con. Thời gian nuôi 120-125 ngày.
+ Kết quả mô hình nuôi thương phẩm tại hộ dân: Tổng sản lượng thu hoạch cua thương phẩm trong trong thời gian thực hiện dự án đạt 14,7 tấn. Trọng lượng khi thu hoạch đạt 261-296g/con. Thời gian nuôi 120-125 ngày.
Hà Tĩnh là nơi có cua xanh phân bố tự nhiên. Qua triển khai dự án có thể thấy điều kiện tự nhiên của địa phương hoàn toàn phù hợp với yêu cầu sinh thái của cua xanh. Đây là đối tượng ít dịch bệnh, dễ nuôi, chóng lớn, với giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, có giá trị thương mại lớn và quá trình nuôi có thể tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên như tôm tép, cá tạp. Dự án đã xây dựng thành công mô hình sản xuất giống cua để chủ động cung cấp nguồn giống đảm bảo chất lượng tại chỗ và chủ động về kỹ thuật giúp người dân có điều kiện để phát triển nghề nuôi cua tại địa phương. Dự án đã huy động được sự tham gia nhiệt tình và có trách nhiệm chính quyền địa phương cũng như của người dân trong quá trình tổ chức, thực hiện các nội dung. Đồng thời đã nâng cao được năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và tổ chức thực hiện dự án.
Nhóm dự án kiến nghị cần tiếp tục duy trì, phát triển các mô hình đã được đầu tư. Quá trình nuôi cần tiếp tục chú trọng kỹ thuật cải tạo ao, kiểm soát dịch bệnh, quản lý môi trường ao nuôi đồng thời tạo điều kiện để các hộ khác đến thăm quan học tập, chia sẽ kinh nghiệm nuôi cho các hộ có nhu cầu tìm hiểu về nghề nuôi cua thương phẩm. Cua xanh là loại thực phẩm an toàn và có giá trị dinh dưỡng, đầu tư nuôi cua không cao, có thể tận dụng một số thức ăn tự nhiên, ít dịch bệnh nên nghề nuôi cua nên được phát triển và nhân rộng. Tuy nhiên nuôi cua vào vụ Đông sẽ có năng suất và sản lượng cao hơn, còn đối với nuôi vụ Hè người dân nên nuôi xen ghép tôm cua để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Để duy trì và nhân rộng các mô hình của dự án đề nghị người dân, chính quyền địa phương và các bên liên quan cần có kế hoạch duy trì, phát huy hiệu quả và có chính sách hỗ trợ phát triển nghề nuôi cua.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17041/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)