Xác định vai trò vật chủ trung gian truyền bệnh sán lá của ốc nước ngọt tại một số tỉnh miền Bắc và Trung Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ sáu - 11/11/2022 13:03 Cỡ chữ
Sán lá ký sinh gây bệnh ở động vật và người, có chu kỳ sống phức tạp, cần ít nhất hai vật chủ. Trong đó, vật chủ trung gian thứ nhất bắt buộc là nhuyễn thể (thường là ốc nước ngọt), ở đó diễn ra sự hình thành các giai đoạn ấu trùng (sporocysts, redia và cercaria). Một số loài ốc còn đóng vai trò vật chủ trung gian thứ hai của sán lá, chứa ấu trùng cảm nhiễm metacercaria. Vì vậy, xác định ấu trùng sán lá ở ốc sẽ giúp hiểu biết vòng đời phát triển của sán lá, tạo cơ sở khoa học cho việc kiểm soát vật chủ trung gian truyền bệnh.
Ở Việt Nam, nghiên cứu về vai trò của ốc nước ngọt trong truyền bệnh sán lá còn ít, mới tập trung vào ấu trùng của vài loài sán lá ở một số loài ốc dựa vào hình thái, nhưng thiếu mô tả và hình ảnh, nhiều số liệu chưa rõ ràng cần làm sáng tỏ. Do đó, đề tài sẽ nghiên cứu ấu trùng sán lá ở ốc nước ngọt, nhằm xác định vai trò vật chủ trung gian truyền bệnh sán lá của ốc tại một số tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam, nơi có nhiều bệnh sán lá nguy hiểm ở người và động vật.
Nhằm xác định được vai trò vật chủ trung gian truyền bệnh sán lá của ốc nước ngọt, đặc biệt chú ý các loài sán lá gây bệnh ở người và vật nuôi, tại một số tỉnh miền Bắc và Trung Việt Nam, nhóm nghiên cứu Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) do PGS. TS. Phạm Ngọc Doanh chủ trì đã đề xuất thự hiện đề tài: “Xác định vai trò vật chủ trung gian truyền bệnh sán lá của ốc nước ngọt tại một số tỉnh miền Bắc và Trung Việt Nam”.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài thu được một số kết quả như sau:
1. Điều tra tình hình nhiễm ấu trùng sán lá ở các loài ốc nước ngọt thu tại các địa điểm nghiên cứu: Yên Bái, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Trị.
Kết quả nghiên cứu ở thực địa đã thu được 14 loài ốc phổ biến ở các địa điểm nghiên cứu. Trong đó, Hà Nội (9 loài), Ninh Bình (7 loài), Yên Bái (8 loài) và Quảng Trị (10 loài). Các loài ốc chủ yếu thu từ ruộng lúa, hồ và suối. So với trước đây, do do đô thị hóa nên diện tích ao ruộng giảm nhiều, môi trường sinh sống của ốc giảm nhiều, dẫn đến số lượng ốc giảm. Hơn nữa, ốc bươu vàng phổ biến ở nhiều nơi với mật độ cao, nơi nào có ốc bươu vàng thì rất ít các loài ốc khác, dẫn đến giảm số lượng các loài ốc khác.
Kết quả xét nghiệm 25.600 cá thể ốc (Hà Nội: 1910, Ninh Bình: 2340, Yên Bái: 2600, Quảng Trị: 18750) đã thu được cercariae của sán lá (tức là ốc đóng vai trò là vật chủ trung gian thứ nhất) ở 11 loài ốc. Tỷ lệ nhiễm ấu trùng dao động từ 0,4-22,5%. Tỷ lệ nhiễm ở ốc tại Hà Nội từ 2,6-6,3%, tại Ninh Bình 2,3-6,0%, Yên Bái từ 0,75-22,5%; tại Quảng Trị từ 0,4-19,5%. Tỷ lệ nhiễm ở ốc A. viridis và M. tuberculata cao hơn sơ với các loài ốc khác. Trừ 3 loài ốc R. swinhoei, A. polyzonata, P. canaliculata không bị nhiễm cercariae. Trong đó loài R. swinhoei đã từng công bố là vật chủ trung gian thứ nhất của nhiều loài sán lá, nhưng hiện nay số lượng ít và chưa tìm thấy cercariae. Đối với giai đoạn cảm nhiễm metacercaria (tức là ốc đóng vai trò là vật chủ trung gian thứ hai) tìm thấy ở 6 loài ốc: A. viridis, G. convesiusculus, P. striatulus, B. fuchsiana, A. polyzonata, P. canaliculata với tỷ lệ nhiễm dao động từ 2,0 - 11,5%. Còn lại 8 loài không bị nhiễm giai đoạn ấu trùng metacercariae.
2. Định loại ấu trùng cercaria của sán lá đến nhóm dựa vào đặc điểm hình thái, cung cấp mô tả hình thái, hình vẽ của cercaria.
Kết quả định loại hình thái đã xác định được 10 nhóm cercaria. Đặc điểm hình thái như sau: Echinostome có gai ở viền cổ, Gymnocephalous có nhiều tế bào tạo nang và đuôi dài; Amphistome có nhiều tế bào tạo nang và 2 mắt; Monostome có nhiều tế bào tạo nang và 3 mắt; Megalurous có nhiều tế bào tạo nang và tế bào tuyến dính ở đuôi; Parapleurophocercaria có 2 mắt, đuôi có lông và màng bơi; Fucocercaria có đuôi chẻ đôi; Xiphidiocercaria có stylet ở đầu; Microcercaria có stylet ở đầu và đuôi ngắn; Transversotrematid cercaria có 2 mắt và đuôi chẻ đôi. Hình ảnh, hình vẽ và mô tả các giai đoạn ấu trùng cerariae, redia được trình bày ở 3 bài báo đã đăng.
3. Định loại cercaria thu được tới loài dựa vào đặc điểm sinh học và phân tích phân tử. Từ đó xác định vai trò vật chủ trung gian 1 của các loài sán lá mà ấu trùng thu được ở các loài ốc.
Dựa vào đặc điểm hình thái và sinh học, đặc biệt là sự hóa nang ngoài môi trường hay không, cercariae có thể định loài đến giống hoặc đến loài. Tuy nhiên, để xác định chính xác đến loài, các nhóm cercaria ở các loài ốc đã được phân tích phân tử, dựa trên trình tự ITS2, để định tên đến loài.
Kết quả phân tích phân tử trình bày ở bảng 4 cho thấy đã xác định được ấu trùng của 23 loài sán lá. Trong đó 17 loài đầu tiên có trình tự ITS2 tương đồng 98-100% và 6 loài còn lại có trình độ tương đồng thấp hơn từ 80-97%, nên chưa khẳng định tên đến loài, nhưng có thể xếp chúng thuộc các giống này. Trong số đó, 4 loài Procerovum cheni, Australapatemon burti, Plagiorchis maculosus và Cyathocotyle prussica lần đầu tiên phát hiện ở Việt Nam.
Kết quả phân tích cũng cho thấy nhóm Parapleurophocercaria gồm 5 loài sán lá, tiếp đến mỗi nhóm Microcercaria và Xiphidiocercariae gồm 4 loài sán lá, các nhóm Echinostome, Gymnocephalous, Fucocercaria gồm 2 loài sán lá; và các nhóm còn lại Amphistome, Megalurous, Monostome, Transversotrematid cercaria gồm 1 loài sán lá. Kết quả này cho thấy về hình thái khó phân biệt ấu trùng của các loài sán lá trong cùng một nhóm, phân tích phân tử sẽ cho kết quả chính xác đến loài.
4. Xác định chính xác vật chủ trung gian 1 của một số loài sán lá có khả năng gây bệnh cho người.
- Vật chủ trung gian của sán lá gan lớn F. gigantica là ốc A. viridis.
- Vật chủ trung gian của sán lá phổi P. westermani là ốc S. quangtriensis, của sán lá phổi P. heterotremus là ốc Triculinae gen. sp.1, của loài sán lá phổi P. proliferuslà ốc Triculinae gen. sp.2. Cercaria của các loài sán lá phổi này rất giống nhau.
- Vật chủ ốc của sán lá ruột nhỏ Haplorchis spp.: trong nghiên cứu này xác định vật chủ trung gian của các loài sán lá ruột nhỏ Haplorchis pumilio, Haplorchis yokogawai, Haplorchis taichui là loài ốc M. tuberculata, Tarebia granifera và Parafossarulus striatulus. Chưa phát hiện ấu trùng của loài sán lá gan nhỏ C. sinensis. Ấu trùng cercariae của sán lá gan nhỏ và sán lá ruột nhỏ đều thuộc nhóm Parapleurophocercaria, khó phân biệt bằng hình thái. Có thể các nghiên cứu trước đây có sự nhầm lẫn ấu trùng sán lá ruột nhỏ với sán lá gan nhỏ nên công bố ốc M. tuberculata là vật chủ của sán lá gan nhỏ. Kết quả phân tích phân tử trong nghiên cứu này cho thấy cercaria nhóm Parapleurophocercaria ở ốc M. tuberculata thuộc sán lá ruột nhỏ giống Haplorchis.
5. Định loại metacercaria của sán lá thu từ ốc bằng hình thái, gây nhiễm thực nghiệm và phân tích tử, từ đó xác định ốc vật chủ trung gian thứ 2 của sán lá.
- Kết quả định loại định loại hình thái và phân tử cũng như gây nhiễm thực nghiệm metacercaria thu từ ốc đã xác định metacercaria của 4 loài sán lá: loài Echinostoma revolutum, Echinoparyphium recurvatum, Echinochasmus japonicus và Sphaeridiotrema monorchis,
- 5 loài ốc đóng vai trò là vật chủ trung gian thứ 2 của sán lá, đó là: A. viridis, Gyraulus convesiusculus, Parafossarulus striatulus, Angulyagra polyzonata và ốc bươu vàng Pomacea canaliculata. Cả 5 loài ốc trên đều bị nhiễm metacercria của 2 loài sán lá Echinostoma revolutum và Sphaeridiotrema monorchis. Ngoài ra, ốc Parafossarulus striatulus nhiễm thêm loài E. japonicus và Echinoparyphium recurvatum. Đây là những loài sán lá chủ yếu ký sinh ở gia cầm, trong đó loài Echinostoma revolutum có thể nhiễm bệnh ở người. Người thường ăn 2 loài ốc Angulyagra polyzonata và ốc bươu vàng Pomacea canaliculata cũng có thể bị nhiễm loài sán lá Echinostoma revolutum.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17580/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)