Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá ngôn ngữ cho trẻ từ sơ sinh đến 36 tháng tuổi
Cập nhật vào: Thứ sáu - 15/04/2022 01:01 Cỡ chữ
Trong những năm đầu đời, trẻ em trải qua quá trình thụ đắc, hình thành và phát triển ngôn ngữ trong môi trường gia đình và lớp học. Giai đoạn từ sơ sinh đến 6 tuổi là thời gian trẻ học nói thông qua các tiếp xúc với người nói trong những môi trường nhất định. Có thể nói rằng việc hình thành và phát triển ngôn ngữ cho trẻ ở lứa tuổi này là một công việc tối quan trọng và cần thiết cho sự phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ sau này.
Trên thế giới đã có nhiều bộ tiêu chí đánh giá ngôn ngữ cho các ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, v.v... Trong khi đó tiếng Việt lại chưa có một bộ tiêu chí đánh giá ngôn ngữ cho trẻ em người Việt. Bộ tiêu chí này không những có tác dụng trong việc đánh giá khả năng ngôn ngữ của trẻ bình thường mà còn có tác dụng trong việc đánh giá sàng lọc trẻ bị khuyết tật ngôn ngữ và bệnh lí ngôn ngữ. Việc đánh giá và chẩn đoán khả năng ngôn ngữ là một yêu cầu tiên quyết trước khi có thể đưa ra các biện pháp trị liệu ngôn ngữ cho trẻ bị rối loạn ngôn ngữ.
Việc bồi dưỡng giáo dục các thế hệ tương lai luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặt lên hàng đầu và giữ tầm quan trọng trong chiến lược phát triển con người. Điều này thực hiện theo lời Bác dạy “Trẻ em như búp trên cành”, “Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Việc chẩn đoán và phát hiện sớm để có các biện pháp can thiệp sớm cho trẻ bị khuyết tật về ngôn ngữ không chỉ giúp tăng khả năng xã hội cho các em sau này mà còn mang một giá trị nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, cho đến nay, có một vấn đề quan trọng, và là yêu cầu đầu tiên cho việc xác định và chẩn đoán trẻ bị khuyết tật ngôn ngữ, là việc xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá ngôn ngữ cho trẻ em lại chưa được chú ý nghiên cứu xây dựng ở Việt Nam. Đặc biệt trong những năm gần đây số lượng các em nhỏ mang những khuyết tật về ngôn ngữ được phát hiện ra khá nhiều. Những em nhỏ đó nếu được phát hiện ra sớm thì khả năng trị liệu và hoà nhập với cộng đồng cao hơn, giúp các em giao tiếp và học tập tốt hơn.
Đề tài “Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá ngôn ngữ cho trẻ từ sơ sinh đến 36 tháng tuổi”, do Cơ quan chủ trì Viện Ngôn ngữ học cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Tiến sĩ Phạm Hiền thực hiện với mục tiêu nhằm đưa ra bộ công cụ đánh giá ngôn ngữ chuẩn làm cơ sở đánh giá về ngôn ngữ cho trẻ. Căn cứ vào bộ đánh giá phát triển giao tiếp MacArthurBates và bộ chương trình St. Gabriel, kế thừa, thích ứng và phát triển dữ liệu ngôn ngữ trẻ em từ một số công trình trước đây, mục tiêu tổng quát của đề tài là xây dựng bộ công cụ đánh giá khả năng ngôn ngữ cho trẻ người Việt từ sơ sinh đến 36 tháng tuổi.
Nghiên cứu sẽ là một đóng góp mới vừa có ý nghĩa lí luận vừa có ý nghĩa ứng dụng. Về mặt lí luận, nghiên cứu sẽ góp phần làm sáng tỏ những vấn đề hiện còn đang tranh cãi về mốc phát triển ngôn ngữ ở từng độ tuổi, cụ thể trong nghiên cứu này là từ sơ sinh đến 3 tuổi, đặc biệt những cơ sở khoa học cho việc xây dựng thang đánh giá tiêu chí ngôn ngữ trẻ em sẽ được làm rõ. Về mặt ứng dụng, những kết quả nghiên cứu của đề tài có thể được ứng dụng trong việc chăm sóc trẻ ấu nhi trong môi trường gia đình và lớp học giúp người chăm sóc phát hiện ra trẻ thiếu kĩ năng ngôn ngữ gì để bổ sung. Đặc biệt kết quả nghiên cứu có thể được ứng dụng trong 3 việc làm các bài test kiểm tra khả năng ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ để trợ giúp cho việc chẩn đoán trẻ bị khuyết tật ngôn ngữ nhằm có các biện pháp can thiệp sớm.
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là trẻ em người Việt Nam nói tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt, trong độ tuổi từ sơ sinh đến hết 36 tháng tuổi.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là trẻ em theo tiêu chí đối tượng nêu trên sống ở khu vực nội thành và ngoại thành Hà Nội. Bên cạnh việc khảo sát một số đặc điểm vận động phản xạ của trẻ, về mặt ngôn ngữ, đề tài khảo sát ngôn ngữ của trẻ trên ba bình diện: ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Đối tượng khảo sát gồm trẻ trong độ tuổi từ sơ sinh đến 36 tháng tuổi tại Hà Nội và khu vực lân cận thuộc các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Mỗi một tháng tuổi, chúng tôi lựa chọn 14 lượt trẻ để khảo sát. Số trẻ được chọn khảo sát đảm bảo yếu tố cân bằng giới tính cho nghiên cứu này. Đề tài chia tổng thời gian khảo sát 36 tháng thành 6 giai đoạn, mỗi giai đoạn là 6 tháng. Mỗi giai đoạn, đề tài khảo sát trên 14 trẻ. Do điều kiện thực tế, có trẻ được quan sát theo cách quan sát trường diễn (longitudinal), có trẻ được quan sát theo phương pháp thời đoạn hàng tháng (between-subjects method). Như vậy, mỗi giai đoạn sẽ có 84 lượt quan sát (14 trẻ x 6 tháng). Tổng số lượt quan sát hàng tháng là 504 lượt.
Đề tài đã tổng kết được một số vấn đề lí luận về ngôn ngữ trẻ em như các trường phái nghiên cứu sự phát triển ngôn ngữ trẻ em (Hành vi luận, Bẩm sinh luận, Nhận thức luận và Ngôn ngữ học xã hội), các nghiên cứu về sự thụ đắc ngôn ngữ của trẻ gồm các quá trình thụ đắc, cơ sở ngôn ngữ học tâm lí của quá trình này. Khi trình bày về các mô hình thụ đắc ngôn ngữ chính, chusg tôi tập trung trình bày mô hình lí thuyết thụ đắc ngôn ngữ dựa trên sự sử dụng. Đây là mô hình có nhiều căn cứ từ góc độ tự nhiên và thực nghiệm. Việc thụ đắc ngôn ngữ được thực hiện đồng thời với quá trình nhận thức nói chung. Đồng thời, các đặc điểm phổ quát của cấu trúc ngôn ngữ xuất phát từ thực tế là mọi người ở mọi nơi đều có chung quy luật nhận thức.
Qua khảo sát tài liệu và thực tế tình hình ngôn ngữ trẻ em ở Việt Nam, chúng tôi thấy rằng ở Việt Nam hiện nay đang có nhu cầu rất cao cho một một tiêu chí ngôn ngữ trẻ em, đặc biệt là một bộ test đánh giá ngôn ngữ trẻ em. Nhu cầu này không chỉ từ bố mẹ và người chăm sóc những trẻ em phát triển ngôn ngữ bình thường mà còn đến từ những người làm công tác âm ngữ trị liệu. Mặc dù, trên thế giới đã có một số bộ thang đánh giá sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ em, nhưng ở thực tế giảng dạy ở Việt Nam lại chưa có một thang đánh giá hay bộ test đánh giá ngôn ngữ cho trẻ em Việt Nam. Lẻ tẻ có một vài cá nhân hoặc cơ sở sử dụng các bộ đánh giá của tiếng Anh cho trẻ em Việt Nam qua việc chuyển ngữ. Tuy nhiên, việc chuyển ngữ đơn thuần có thể không mang lại hiệu quả nếu không có sự khảo sát thực tế của ngôn ngữ đó và chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế của ngôn ngữ đó.
Đề tài này không chỉ khảo sát, miêu tả thực trạng phát triển ngôn ngữ trẻ em Việt Nam từ sơ sinh đến 36 tháng tuổi, mà còn kế thừa các thang đánh giá ngôn ngữ trẻ em trên thế giới để đưa ra một thang đánh giá cho trẻ em Việt Nam. Mặc dù vậy, công việc này vẫn còn cần tiếp tục có những nghiên cứu rộng lớn hơn và với tầm bao quát cao hơn để có thể khái quát hoá cho toàn bộ trẻ em Việt Nam. Hơn nữa do ngôn ngữ luôn luôn vận động và phát triển, chúng ta cần phải có những nghiên cứu bổ sung theo thời gian để có thể cập nhật thang đánh giá cũng như bộ tiêu chí ngôn ngữ trẻ em Việt Nam. Chỉ có như vậy chúng ta 54 mới hi vọng có được một bộ test ngôn ngữ luôn luôn cập nhật và theo kịp nhịp phát triển và thay đổi của ngôn ngữ theo thời gian.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17145/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)