Xây dựng mô hình và phương pháp đánh giá an toàn hệ thống hãm của đoàn tàu đường sắt đô thị tại Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ tư - 18/09/2024 00:07 Cỡ chữ
Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và vận hành các dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT), thì việc đánh giá an toàn hệ thống của các đoàn tàu ĐSĐT là hết sức quan trọng để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, cho tài sản, kết cấu đường sắt… Trên thế giới, tại hầu hết các nước phát triển, việc đánh giá an toàn hệ thống đường sắt rất được coi trọng họ đều có các tổ chức chuyên biệt phục vụ công tác này. Đối với những hệ thống đường sắt xây mới thì đều cần có chứng nhận an toàn hệ thống trước khi đưa và khai thác sử dụng; còn đối với các hệ thống đã sử dụng thì sẽ có sự đánh giá an toàn hệ thống theo định kỳ.
Theo tìm hiểu của nhóm nghiên cứu thì hiện nay tại Việt Nam chưa thấy đơn vị độc lập nào có thể thực hiện được việc việc đánh giá toàn bộ an toàn hệ thống đường sắt đô thị mà vẫn phải thuê từ các đơn vị nước ngoài. Với các đơn vị trong nước mới chỉ thực hiện được ở bước đánh giá an toàn hệ thống qua việc đánh giá hồ sơ dự án chứ chưa đánh giá được các tiêu chí kỹ thuật. Cũng chưa thấy đơn vị nào xây dựng được một bộ mô hình, tiêu chí, phương pháp để thực hiện đánh giá các chỉ tiêu an toàn hệ thống đường sắt đô thị. Mặt khác hiện nay về mặt quản lý nhà nước chưa có một bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn nào để hướng dẫn đánh giá an toàn hệ thống đường sắt đô thị cho các tiêu chí về mặt kỹ thuật như: Hệ thống hãm, hệ thống ray, hệ thống cấp điện, hệ thống thông tin, tín hiệu. Vì thế, nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải do TS. Lê Công Thành dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Xây dựng mô hình và phương pháp đánh giá an toàn hệ thống hãm của đoàn tàu đường sắt đô thị tại Việt Nam” từ năm 2020 đến năm 2021.
Đề tài nhằm mục tiêu nghiên cứu, phân tích đánh giá các yêu tố có thể gây rủi ro mất an toàn cho hệ thống hãm đoàn tàu ĐSĐT kết hợp với nghiên cứu, phân tích các phương pháp đánh giá an toàn hệ thống hiện có trên thế giới; từ đó xây dựng mô hình và phương pháp đánh giá an toàn cho hệ thống hãm của đoàn tàu đường sắt đô thị đang được lắp đặt tại Việt nam, nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng tính an toàn cho đoàn tàu đường sắt đô thị.
Sau một thời gian thực hiện, các tác giả đã hoàn thành các nội dung như:
Một là đã nghiên cứu tổng quan công tác đánh giá an toàn hệ thống đường sắt đô thị nói chung và hệ thống hãm nói riêng, đưa ra cái nhìn tổng quát nhất để giúp người đọc hiểu và nhận thấy tầm quan trọng của việc đánh giá an toàn hệ thống đối với hệ thống ĐSĐT trong đó có hệ thống hãm đoàn tàu ĐSĐT. Với các cơ quan quản lý việc nhận thức được tầm quan trọng của việc đánh giá an toàn hệ thống ĐSĐT là hết sức cần thiết từ đó sẽ có cơ chế quản lý phù hợp trong công tác đánh giá an toàn hệ thống;
Hai là đã tìm hiểu và giới thiệu tổng quan về các luật, quy định về đánh giá an toàn đồng thời giới thiệu quy trình đánh giá an toàn tại một số quốc gia có hệ thống ĐSĐT phát triển và tại Việt Nam. Từ đó đưa ra cái nhìn tổng quan về hệ thống quy định pháp luật cũng như quy trình trong việc đánh giá an toàn hệ thống trên thế giới để làm căn cứ lựa chọn và xây dựng quy trình đánh giá an toàn đối với hệ thống hãm đoàn tàu ĐSĐT theo mục tiêu của đề tài.
Ba là đã tổng kết, đánh giá thực trạng công tác đánh giá an toàn hệ thống tại các dự án ĐSĐT đang triển khai.
Bốn là đã nghiên cứu phân tích được ưu nhược điểm của các phương pháp đánh giá an toàn phổ biến có thể áp dụng đối với công tác đánh giá an toàn hệ thống ĐSĐT từ đó lựa chọn phương pháp đánh giá phù hợp cho hệ thống ĐSĐT Tại Việt Nam.
Năm là đã xây dựng được mô hình và phương pháp đánh giá an toàn hệ thống hãm đoàn tàu đường sắt đô thị, thực hiện định lượng với giả thiết một số thông số có căn cứ khoa học. Từ đó hứa hẹn là tiền đề để thực hiện các nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu sẽ làm cơ sở định lượng an toàn hướng tới xây dựng tiêu chuẩn, đánh giá, cấp phép (hệ thống hãm đoàn tàu), nghiên cứu lý luận khoa học, kinh nghiêm quốc tế và Việt nam về đánh giá an toàn hệ thống.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20098/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)