Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý "Cà Mau" cho sản phẩm tôm sú của tỉnh Cà Mau
Cập nhật vào: Thứ hai - 19/08/2024 11:09 Cỡ chữ
Hiện nay, tôm sú Cà Mau được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến và được đánh giá cao về chất lượng so với tôm sú ở các nơi khác. Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, người dân Cà Mau tập trung các nguồn lực, áp dụng các biện pháp nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tôm sú đạt chất lượng ngày càng cao hơn cả về sản lượng và chất lượng. Mặc dù điều kiện tự nhiên, thiên nhiên ưu đãi, Cà Mau cũng vẫn gặp phải những khó khăn trong công tác nuôi tôm sú như sau: Biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, áp thấp nhiệt đới, bão, diễn ra với tần suất ngày càng nhiều hơn, làm cho việc sản xuất, nuôi trồng gặp nhiều khó khăn; Bên cạnh đó môi trường nước bị ô nhiễm, đất bị bạc màu do việc xả thải trực tiếp từ các ao nuôi siêu thâm canh, các nhà máy sản xuất; tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp; chất lượng con giống, vật tư đầu vào khó kiểm soát triệt để; kết cấu hạ tầng nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng, đặc biệt là hệ thống điện; nguồn vốn để đầu tư trong dân còn hạn chế. Tổ chức sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ và manh mún, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Liên kết sản xuất chưa phát triển và kém bền vững. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do cơ chế chưa phù hợp, phân chia lợi ích chưa hợp lý, cùng với đó các hộ sản xuất chưa quan tâm, doanh nghiệp chưa chủ động xây dựng và thúc đẩy các hình thức liên kết phát triển.
Do đó, hộ gia đình đang là đơn vị sản xuất chính, sản phẩm làm ra kém đồng nhất về chất lượng, sản lượng thấp, khả năng cạnh tranh yếu. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu vẫn tiếp tục khó khăn đặc biệt về rào cản thương mại, kỹ thuật được các nước nhập khẩu đặt ra cùng với sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia xuất khẩu tôm gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả ngành tôm Cà Mau. Trong khi đó, thương hiệu sản phẩm của địa phương chưa có, “danh tiếng” chủ yếu qua truyền miệng giữa những người tiêu dùng và đối tác của nhau. Trên khía cạnh thương mại, sản phẩm xuất khẩu được phải đạt tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu bắt buộc theo từng khu vực.
Trước thực trạng và những khó khăn hiện tại, để tạo tiền đề cho tôm sú Cà Mau phát triển theo hướng bền vững, xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Cà Mau” cho sản phẩm tôm sú của tỉnh Cà Mau nhằm phát huy danh tiếng, giá trị thúc đẩy sản xuất sản phẩm phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương ngày càng lớn mạnh, KS. Nguyễn Văn Ba cùng các cộng sự tại Trung tâm phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã thực hiện đề tài: “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý "Cà Mau" cho sản phẩm tôm sú của tỉnh Cà Mau”.
Sau một thời gian triển khai Dự án: Xây dựng và quản lý CDĐL tôm sú “Cà Mau” đã đạt được những kết quả như sau:
Hồ sơ đăng ký bảo hộ CDĐL tôm sú “Cà Mau” của tỉnh đã được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý số 00110 theo Quyết định số 4287/QĐ-SHTT ngày 30/9/2021 về việc cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Tôm sú Cà Mau.
Quy chế quản lý, sử dụng CDĐL tôm sú Cà Mau đã được Sở KH&CN ban hanh theo Quyết định số 217/QĐ-SKHCN ngày 12 tháng 11 năm 2021 nhằm hướng dẫn trao quyền sử dụng và quản lý các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng CDĐL tôm sú Cà Mau hiệu quả.
Nhóm thực hiện Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn nội dung về SHTT, liên quan đến sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm thủy sản nói riêng để cán bộ quản lý, các tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn về xây dựng thương hiệu và tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của địa phương. Bước đầu cũng đã được đơn vị quản lý, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất tiếp cận tương đối tốt.
Xây dựng và phát triển thương hiệu cộng đồng là một quá trình dài đòi hỏi sự nỗ lực đóng góp công sức của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân. Do đó sau khi kết thúc Dự án cần phải có sự liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người sản xuất trong việc quản lý, sử dụng thương hiệu cộng đồng này. Sự nỗ lực chung tay phát triển thương hiệu cộng đồng cũng chính là việc góp phần bảo tồn gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của địa phương bao gồm cả văn hóa truyền thống và văn hóa du lịch, mang thương hiệu đã được khẳng định đến với nhiều người tiêu dùng biết đến hơn.
Dự án chỉ mới là kết quả ban đầu, chưa có đủ thời gian, cơ sở để đánh giá được tác động của Dự án. Trong thời gian tới, địa phương nên chủ động bố trí kinh phí, nhân lực để thực hiện các nội dung liên quan đến quản lý và phát triển CDĐL sau khi đã được đăng ký bảo hộ. Địa phương cần sớm tiếp thu, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý CDĐL, đặc biệt là từ các địa phương khác có kinh nghiệm. Sản phẩm tôm sú là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, việc CDĐL tôm sú Cà Mau được bảo hộ thành công sẽ là tiền đề để thúc đẩy các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đồng thời cũng nâng cao năng lực trong sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm. Tuy nhiên, Để Dự án đượcbền vững cần phải có sự đồng lòng và tham gia của rất nhiều bên.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20072/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)