Cây tinh dầu thân thảo có giá trị kinh tế cao ở Tây Nguyên
Cập nhật vào: Thứ hai - 22/08/2022 01:00 Cỡ chữ
Hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn các tinh dầu như oải hương, hương thảo, cúc La Mã, bạc hà… để phục vụ cho ngành hương liệu, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm,… Việc nghiên cứu phát triển các cây tinh dầu thương mại có nguồn gốc ôn đới là giải pháp đầy tiềm năng để giải quyết tình hình này ở Việt Nam hiện nay. Tây Nguyên với lợi thế là vùng đất có điều kiện tự nhiên và địa hình độc đáo, diện tích rừng nguyên sinh vẫn còn chiếm tỷ lệ đáng kể, hệ thực vật ở đây cũng rất phong phú, đa dạng với khoảng hơn 3.200 loài là nơi thích hợp để trồng và khai thác các loại cây có tinh dầu.
Sau khi điều tra và đánh giá một cách toàn diện và có hệ thống nguồn tài nguyên cây tinh dầu tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn, lâm trường ở 05 tỉnh của Tây Nguyên, các nhà nghiên cứu ghi nhận 248 loài thực vật chứa tinh dầu thuộc 39 họ. Trong đó, các họ giàu loài cây tinh dầu gồm có long não, gừng, cúc, bạc hà, cam, sim, hồ tiêu… Một số họ có tất cả các loài đều có khả năng tổng hợp, tích lũy tinh dầu, hàm lượng tinh dầu dao động từ 0,1 đến 1%. Một số loài chứa tinh dầu với hàm lượng rất cao và chất lượng tinh dầu tốt như: Châu thụ (Gaultheria fragrantissima), Gan tiền (Gaultheria sleumeri), Xá xị (Cinamomum spp.), Giổi chanh (Magnolia citrata),…
Trong điều kiện khí hậu Tây Nguyên các giống cây oải hương, hương thảo, cúc La mã và sả sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và chất lượng tinh dầu đáp ứng nhu cầu của thị trường. Riêng giống bạc hà Âu, mặc dù sinh trưởng tốt, năng suất cao, nhưng thành phần hóa học của tinh dầu còn biến động qua các lần thu hoạch nên cần tiếp tục theo dõi thêm. Với quy trình sản xuất phù hợp khi áp dụng các công nghệ tiên tiến và hệ thống nồi chưng cất tinh dầu với dung tích 1.200l cho các nông hộ ở Tây Nguyên, đã cho ra đời các sản phẩm có chứa tinh dầu thiên nhiên với giá trị kinh tế cao trên thị trường như chế phẩm xua đuổi côn trùng; xà phòng; khử mùi hôi, ẩm mốc, thanh lọc không khí; mỹ phẩm dưỡng da, tóc; dầu xoa bóp…
Do lượng tinh dầu chỉ chiếm từ 2-3% nên nguồn bã thải sau khi chưng cất rất lớn, để giải quyết tình tràng này các nhà nghiên cứu đã xử lý chúng làm giá thể trồng nấm, phân bón hữu cơ vi sinh, đệm lót chuồng sinh học,…
Khu vực Tây Nguyên có khí hậu mát mẻ phù hợp để phát triển các cây tinh dầu có nguồn gốc ôn đới, mở ra triển vọng mới đáp ứng nhu cầu trong nước, tiến tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, các giống cây tinh dầu thân thảo còn tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc góp phần cải thiện đời sống và nhu cầu lao động của người dân địa phương.
Triệu Cẩm Tú, (NASATI), tổng hợp 8/2022