Chất béo: tốt hay xấu?
Cập nhật vào: Thứ sáu - 29/04/2022 01:01 Cỡ chữ
Chất béo được xem là một dạng lipid không có khả năng hòa tan trong nước. Đối với cơ thể, ngoài chất bột, chất đạm, vitamin và khoáng chất thì chất béo là một dưỡng chất không thể thiếu. Chất béo được chiết xuất từ thực vật và mỡ lấy từ động vật. Trong cơ thể động vật, chất béo tập trung nhiều ở các mô mỡ còn ở trong thực vật, chất béo tập trung ở quả và hạt. Chất béo là nguồn dinh dưỡng chính và có nhiều vai trò đối với sức khỏe con người.
Phần lớn mọi người đều nghĩ rằng chất béo là xấu và họ kiêng hoàn toàn chất béo, tránh xa chất béo, coi chất béo như “kẻ thù” gây tăng cân và dẫn tới nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Song thực tế thì không phải như thế, bởi lẽ chúng ta không nên đánh đồng mọi loại chất béo như nhau. Dự vào các nghiên cứu y khoa, nếu cung cấp nhiều chất béo tốt thì không những bạn không bị tăng cân mà còn đẩy lùi các bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa…
Có hai nhóm chất béo chính: Chất béo tốt và chất béo xấu. Nếu bạn biết phân loại chất béo, hiểu được vai trò của chất béo tốt sẽ giúp bạn dễ dàng thiết lập kế hoạch ăn uống lành mạnh, tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần, cũng như hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
- Chất béo xấu bao gồm chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa:
Chất béo chuyển hóa: Hay còn gọi là chất béo trans, loại chất béo trans tự nhiên có thể tìm thấy trong các loại thịt. Nguy hiểm cho sức khỏe hơn chính là chất béo trans nhân tạo. Chúng không chỉ làm tăng hàm lượng cholesterol xấu (LDL) mà còn giảm hàm lượng cholesterol tốt (HDL), từ đó gây nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường. Thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa như các loại bánh (bánh nướng, bánh quy, bánh rán, bánh ngọt, bánh pizza, các loại bánh đóng gói…), thực phẩm chiên (khoai tây chiên, gà rán, các loại thực phẩm có chứa dầu thực vật hydro hóa…).
Chất béo bão hòa: Mặc dù không có hại như chất béo chuyển hóa, nhưng chất béo bão hòa có thể làm tăng cholesterol (LDL) xấu, dẫn đến các vấn đề có hại cho sức khỏe. Thực phẩm chứa chất béo bão hòa như thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu, thịt lợn…), các sản phẩm làm từ sữa nguyên chất (sữa, kem, phô mai), bơ, mỡ động vật, dầu dừa, dầu cọ.
- Chất béo tốt: Thuộc nhóm chất béo không bão hòa (đơn và đa). Vai trò của chất béo lành mạnh này rất tốt cho hệ tim mạch, cân bằng cholesterol và sức khỏe tổng thể. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt, điều hòa nhịp tim ổn định, điều hòa huyết áp, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, giảm cơn đói, cơn thèm ăn. Thực phẩm chứa chất béo không bão hòa đơn: như dầu ô liu, dầu đậu phộng, quả bơ, các loại hạt (hạnh nhân, lạc (đậu phộng), hạt mắc ca, hạt phỉ, hồ đào, hạt điều…). Thực phẩm chứa chất béo không bão hòa đa như hạt hướng dương, hạt vừng, hạt bí, hạt lanh, quả óc chó, các loại cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá mòi), dầu cá, dầu đậu nành, nghệ tây, sữa đậu nành, chế phẩm từ đậu nành.
Vai trò của chất béo vô cùng quan trọng đối với sức khỏe, nó không phải là nguyên nhân gây béo phì và tăng cân. Nếu bạn có chế độ ăn giàu chất béo tốt, chúng lại giúp ích rất nhiều cho quá trình giảm cân của bạn. Để kiểm soát cân nặng, điều quan trọng nhất là giảm lượng calo ăn vào, bạn nên cân bằng giữa các loại thực phẩm giàu chất béo với thực phẩm khác cũng như tăng cường thể dục thể thao, hoạt động lành mạnh. Đồng thời, tăng cường ăn các chất béo tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Phạm Thị Mỹ Bình (NASATI), tổng hợp, 4/2022