Cơ thể bạn sẽ ra sao khi thiếu vitamin?
Cập nhật vào: Thứ hai - 05/09/2022 00:01 Cỡ chữ
Vitamin là những chất dinh dưỡng cần thiết được cung cấp hàng ngày, đóng vai trò là chất xúc tác trong quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể. Do cơ thể người không thể tự tổng hợp được vitamin ngoại trừ khi phơi nắng thích hợp để biến tiền vitamin D dưới da thành vitamin D, nên chúng ta phải ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất để được cung cấp đủ vitamin.
Chế độ ăn uống của bạn thiếu điều độ, ăn kiêng, kén ăn hay thiên lệch một phần không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng bổ sung cho cơ thể dễ dẫn tới nguy cơ thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Khi cơ thể thiếu hụt nguồn vitamin cần thiết khiến bạn có những rối loạn từ nhẹ đến trầm trọng và là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm, nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và thể chất, nặng hơn có thể dẫn đến tử vong. Sau đây là những dấu hiệu cảnh báo triệu trứng thường gặp khi cơ thể thiếu hụt vitamin.
- Chuột rút cơ: Hiện tượng cơ bị co giật đặc biệt thường thấy ở cơ bắp chân kèm theo tê bì xuất hiện bạn có thể nghĩ ngay đến việc thiếu hụt Magie. Đây là một chất cần thiết cho quá trình truyền tín hiệu của cơ. Magie kích thích cơ thể sản xuất melatonin và điều chỉnh giấc ngủ. Do đó, thiếu Magie gây ra chứng mất ngủ, chuột rút. Thực phẩm chứa nhiều Magie: các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, ngô, nấm.
- Khô mắt, đỏ mắt: Nhóm dinh dưỡng chứa vitamin B có tác dụng điều chỉnh tổng thể lượng chất lỏng trong hốc mắt. Cơ thể thiếu vitamin B2 có thể làm giảm sức đề kháng của các mạch máu trên bề mặt nhãn cầu, dễ dẫn đến nhiễm trùng, có thể dẫn đến khô mắt, đỏ mắt, đồng thời tăng nguy cơ viêm kết mạc. Vitamin B có thể giúp giảm căng thẳng, cải thiện khả năng tập trung và nhận thức, những người thiếu vitamin B có xu hướng căng thẳng và lo lắng. Thực phẩm nên bổ sung là: sữa, gan động vật và thịt nạc.
- Thị lực kém vào ban đêm: Tình trạng quáng gà, làm giảm khả năng nhìn ở điều kiện ánh sáng yếu hoặc bóng tối liên quan đến thiếu vitamin A. Vitamin A cần thiết để sản xuất rhodopsin, một sắc tố tìm thấy trong võng mạc của mắt giúp bạn nhìn vào ban đêm. Khi không được điều trị, bệnh quáng gà có thể tiến triển thành bệnh viêm nhãn cầu, tăng nguy cơ làm hỏng giác mạc, dẫn đến mù lòa. Thiếu vitamin A cũng dẫn tới sự kém mềm mại và đàn hồi của da. Nếu cơ thể của bạn bị thiếu hụt chất này có thể khiến da khô và thô ráp.
- Hội chứng chân không yên: Hội chứng chân không yên (RLS) còn được gọi là bệnh Willis-Ekbom - tình trạng thần kinh gây ra cảm giác khó chịu hoặc không thoải mái ở chân. Người bệnh có cảm giác như ngứa hoặc cảm thấy như kim đâm vào chân. Đây là hội chứng liên quan đến lượng chất sắt trong máu ở mức thấp. Đặc biệt là đối với phụ nữ thời kỳ mang thai, thời gian này nồng độ sắt của phụ nữ có xu hướng giảm.
- Loét hoặc nứt ở khóe miệng: Việc hấp thụ không đủ các vitamin như sắt, vitamin B khiến bạn có tổn thương trong hay xung quanh miệng. Những người bị loét miệng có nồng độ sắt thấp gấp hai lần. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 28% bệnh nhân bị loét miệng bị thiếu hụt thiamine (vitamin B1), riboflavin (vitamin B2), pyridoxine (vitamin B6).
- Tóc và móng tay dễ gãy: Một trong những yếu tố có thể khiến tóc và móng gẫy do thiếu biotin (vitamin B7). Biotin giúp cơ thể chuyển đổi thức ăn thành năng lượng. Phụ nữ mang thai, người nghiện thuốc lá, lạm dụng rượu bia nhiều, người bị rối loạn tiêu hóa... có nguy cơ bị thiếu hụt biotin cao. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài, một số loại thuốc chống co giật cũng là nguyên nhân. Các triệu chứng khác của sự thiếu hụt biotin bao gồm: mệt mỏi mạn tính, đau cơ, chuột rút, ngứa ran ở bàn tay, bàn chân.
- Chảy máu nướu răng: Chế độ ăn thiếu hụt vitamin C trong thời gian dài dẫn đến chảy máu nướu răng, thậm chí là rụng răng. Ngoài ra, dưỡng chất có thể dẫn đến làm suy giảm hệ thống miễn dịch, suy yếu cơ, xương, khiến cơ thể mệt mỏi, hôn mê. Các dấu hiệu thiếu vitamin C phổ biến khác bao gồm: dễ bị bầm tím, vết thương chậm lành, da có vảy khô và chảy máu cam thường xuyên.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Vitamin C là chất chống oxy hóa, có thể làm giảm hàm lượng vi khuẩn có hại trong đường tiết niệu. Khi chúng ta bổ sung chất này vào cơ thể không đủ, rất dễ gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Mệt mỏi và dễ buồn ngủ: Sắt đóng vai trò quan trọng trong huyết sắc tố vận chuyển oxy trong máu, thiếu sắt dễ gây mệt mỏi và buồn ngủ, thiếu năng lượng, thậm chí gây thiếu máu do thiếu sắt.
Trần Mỹ Hương (NASATI), tổng hợp 9 /2022