Duy trì thói quen vận động tích cực giúp người cao tuổi hạnh phúc hơn
Cập nhật vào: Thứ ba - 16/05/2023 00:46
Cỡ chữ
Đặt đồng hồ báo thức sớm và di chuyển suốt cả ngày sẽ giúp người cao tuổi hạnh phúc hơn. Thói quen này cũng liên quan đến hiệu suất nhận thức tốt hơn.
Di chuyển nhiều hơn để cười nhiều hơn. Theo một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí JAMA Psychiatry, những người cao tuổi năng động sẽ hạnh phúc hơn. Điều quan trọng không phải là cường độ của hoạt động, mà là duy trì nhịp điệu, tức là dậy sớm và hoạt động suốt cả ngày.
Theo dõi hoạt động hàng ngày
Nghiên cứu do Stephen Smagula, chuyên gia tâm thần học và dịch tễ học tại Đại học Pittsburgh (Hoa Kỳ) đứng đầu, đã khảo sát 1.800 người trên 65 tuổi. Những người tham gia phải đeo máy đo lường các chỉ số sức khoẻ, thiết bị cảm biến chuyển động thường thấy trong điện thoại thông minh, trên cổ tay trong 7 ngày để đo hoạt động của họ. Đồng thời, họ hoàn thành bảng câu hỏi để các nhà khoa học xác định các triệu chứng trầm cảm và đánh giá chức năng nhận thức của họ.
Phân tích dữ liệu cho thấy 37,6% người tham gia dậy sớm vào buổi sáng, duy trì hoạt động suốt cả ngày và có thói quen hàng ngày. Stephen Smagula cho biết: "Rất nhiều người lớn tuổi có thói quen cố định, trung bình họ dậy trước 7 giờ sáng, họ hoạt động khoảng 15 giờ mỗi ngày. Họ cũng có xu hướng tuân theo khuôn mẫu này ngày này qua ngày khác". Những người tham gia này nhìn chung hạnh phúc hơn những người khác và có chức năng nhận thức tốt hơn.
1/3 số người tham gia khác (32,6%) cũng có thói quen hàng ngày, nhưng họ hoạt động trung bình 13 giờ một ngày, vì họ dậy muộn hơn vào buổi sáng hoặc đi ngủ sớm hơn vào buổi tối. Nhóm này có nhiều triệu chứng trầm cảm hơn và nhận thức kém hơn so với những người dậy sớm. 1/3 số người tham gia cuối cùng không có thói quen nào, thời gian hoạt động của họ không đều đặn trong ngày và đôi khi khác nhau tùy theo ngày. Những người này có tỷ lệ trầm cảm cao nhất trong nghiên cứu và điểm kiểm tra nhận thức kém nhất.
Stephen Smagula nhấn mạnh: "Mọi người thường nghĩ rằng cường độ hoạt động rất quan trọng đối với sức khỏe, nhưng có lẽ thời lượng của hoạt động mới là vấn đề quan trọng nhất. Đó là một cách nghĩ khác về Hoạt động: Bạn có thể không cần phải chạy nước rút hoặc chạy marathon, chỉ cần thực hiện các hoạt động trong suốt cả ngày".
Một mối quan hệ hai chiều
Đối với tác giả chính của nghiên cứu này, mối quan hệ giữa sức khỏe tâm thần và lối sống có lẽ đi theo cả hai chiều: trầm cảm hoặc suy giảm nhận thức có thể khiến bạn khó tuân theo một thói quen, và ngược lại, nhịp điệu hoạt động bị xáo trộn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm. Cùng với nhóm của mình, tác giả đã nghiên cứu các mô hình can thiệp để cải thiện sức khỏe tinh thần của người cao tuổi, bằng cách cung cấp cho họ lời khuyên: thức dậy và đi ngủ đúng giờ mỗi ngày. Ngoài ra, họ cũng cần phải có một kế hoạch thực tế để duy trì hoạt động cả ngày. Điều đó có thể rất khó khăn, đặc biệt nếu họ đang bị đau hoặc đang hồi phục sau chấn thương, vì vậy điều quan trọng là phải hợp lý với chính mình.
P.A.T (NASATI), theo https://www.santemagazine.fr/, 5/2023