Loài nấm có thể “nói chuyện” giống con người
Cập nhật vào: Thứ sáu - 29/04/2022 01:36 Cỡ chữ
Vốn được coi là loài sống khép kín, ẩn dưới đất và các lớp gỗ mục, nhưng nghiên cứu công bố mới đây trên tạp chí Royal Society Open Science đã chỉ ra rằng, nấm không chỉ “nói chuyện” với nhau thông qua sợi nấm mà còn có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ riêng với vốn “từ vựng” lên đến 50 từ.
Trong nghiên cứu này, tập trung vào bốn loài nấm enoki, split-gill, ghost và caterpillar fungi, Giáo sư Andrew Adamatzky, một nhà khoa học máy tính tại Đại học Tây Anh và các đồng nghiệp, đã cài các điện cực cực nhỏ vào sợi nấm để đo lường các xung điện trong hoạt động truyền tín hiệu của nấm.
Mỗi xung điện trong hoạt động này được phân loại vào các nhóm để phân tích mức độ phức tạp về ngôn ngữ và thông tin. Kết quả phân tích cho thấy các xung điện mà nấm phát ra có độ dài và thời gian xung khác nhau, với một số xung kéo dài đến 21 giờ, và khi nhóm các cụm các điểm điện lại với nhau thì chúng giống như bảng từ vựng của con người với số lượng lên đến 50 từ. Trong đó, có 15 đến 20 từ được nấm sử dụng thường xuyên với độ dài trung bình các từ của nấm tương đương của con người.
"Độ dài một từ của nấm sau khi tính bình quân cho cả bốn loại nấm là 5,97 âm tiết, tương đương với độ dài trung bình của một từ trong một số thứ tiếng, như là 4,8 trong tiếng Anh và 6 trong tiếng Nga”, Giáo sư Adamatsky viết trong bài báo nghiên cứu.
Còn xét về độ phức tạp, nấm split-gill tạo ra nhiều nhất các câu chữ "đa dạng đến đáng ngạc nhiên".
Mặc dù nghiên cứu cho thấy nấm tạo ra các mẫu tín hiệu điện, không có cách nào để biết nấm đang nói về cái gì, hoặc thậm chí là chúng có thực sự nói hay không.
“Chúng tôi không biết liệu có mối liên hệ trực tiếp giữa các mẫu xung điện của nấm với lời nói của con người hay không", Giáo sư Adamatzky phát biểu trên tờ Guardian, “Có thể là không. Tuy vậy, có nhiều điểm tương đồng trong việc xử lý thông tin trong các chất nền sống của các lớp và loài khác nhau khiến tôi tò mò muốn so sánh".
Adamatzky cho biết thêm, tương tự như tiếng sói tru, các sinh vật nấm có thể sử dụng tín hiệu điện để xác nhận sự hiện diện của nhau, hoặc là để tự bảo vệ mình như ở trường hợp nấm mọc trên thân gỗ. Khi sợi nấm tiếp xúc với gỗ, tốc độ phát xung điện từ của nó sẽ tăng lên đáng kể, giống như "thông báo tin tức" cho những cá thể cùng loài gần đó; nếu gặp môi trường nguy hiểm, chúng cũng sẽ truyền tín hiệu đặc biệt, để đồng loại có thể nắm bắt thêm thông tin về môi trường.
Giờ đây, các nhà khoa học đang tìm cách thu thập thêm bằng chứng trước khi thừa nhận các mẫu xung điện của nấm là một dạng ngôn ngữ.
N.M.H (NASATI), tổng hợp từ Guardian, smithsonianmag, 6/4/202